(Xuân Ất Tỵ) - Nằm trên trục phát triển kinh tế năng động bậc nhất khu vực duyên hải miền Trung, chưa bao giờ vùng Đông Quảng Nam lại hội đủ các điều kiện thuận lợi để dành nguồn lực đầu tư như lúc này. Các dự án chiến lược về hạ tầng, công trình trọng điểm được quy hoạch tỉnh dẫn dắt, đã tạo ra động lực để thu hút doanh nghiệp về vùng Đông.
Khai phóng nguồn lực
Đường ven biển Võ Chí Công qua xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) đang được tiếp tục thi công mở rộng, hoàn thiện theo quy hoạch. Nằm gần Khu công nghiệp Tam Thăng, song trước nay hầu như chưa có dự án lớn nào đầu tư vào xã Tam Phú, mà chủ yếu là vài dự án khu dân cư, bất động sản quy mô nhỏ.
Theo ông Châu Thanh Phong - Bí thư Đảng ủy xã, cuối năm 2024 người dân địa phương vui mừng khi HĐND TP.Tam Kỳ thống nhất đầu tư khu phức hợp thể dục - thể thao (gần 100 tỷ đồng) trong giai đoạn 2025 - 2027 tại Tam Phú. Thêm niềm vui nữa là một nhà đầu tư khác đề xuất chọn Tam Phú để xây dựng Dự án tổ hợp y tế kỹ thuật cao An An Hòa với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng (trong đó có bệnh viện đa khoa quy mô 500 giường). “Nhà nước đầu tư các công trình lớn phục vụ vui chơi thể thao, y tế, nhân dân phấn khởi lắm, nhất là các dự án nằm gần trục đường ven biển Võ Chí Công” - ông Phong nói.
Tam Phú chỉ là “lát cắt” nhỏ trong giai đoạn dồn sức đầu tư cho vùng đông Tam Kỳ, cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, năm 2025 - chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương, thành phố dự kiến khởi công 35 danh mục dự án mới với tổng mức đầu tư hơn 1.613 tỷ đồng. Riêng vùng đông Tam Kỳ sẽ tiếp tục sắp xếp dân cư cho các dự án chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông như khu đô thị hỗn hợp trục Nguyễn Tất Thành (746ha); khu đô thị hỗn hợp phía đông bắc thành phố (1.365ha); khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Trường Giang (370ha); khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ (215ha)…
Một huyện nằm liền kề Tam Kỳ là Thăng Bình cũng đang dọn sẵn mặt bằng chào đón các nhà đầu tư. Ngoài dự án khu vui chơi giải trí VinWonders Nam Hội An nằm trong tổ hợp dự án Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động nhiều năm nay, địa phương này đang là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư. Đồng bộ hạ tầng, quỹ đất sạch đủ lớn, các đồ án quy hoạch được phê duyệt như Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030, Quy hoạch chung đô thị Bình Minh… là những điều kiện thuận lợi tạo ra sức hút đầu tư cho Thăng Bình.
Một số dự án “chọn mặt gửi vàng” tại đây như nhà máy sản xuất vải mành của Tập đoàn Hyosung, Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng của Công ty CP Capella Quảng Nam… Cạnh đó, Tập đoàn BIN Corporation (TP.Hồ Chí Minh) đã đề xuất đầu tư dự án Khu công nghiệp Nam Thăng Bình quy mô diện tích 325ha, dự kiến vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nguồn lực đất đai vùng đông của huyện sẽ được khai phóng, sẵn sàng bàn giao cho nhà đầu tư để khởi động cho chuỗi dự án đô thị, du lịch, dịch vụ cao cấp bám theo trục ven biển, dọc sông Trường Giang và tuyến đường Võ Chí Công. Hiện một số dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách huyện.
“Động lực của động lực”
Hơn 3 năm qua, các địa phương đã bám sát định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 07 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy. Nhiều dự án thành phần đã đầu tư khớp nối với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai để hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Như tại Núi Thành, tranh thủ các nguồn ngân sách trung ương, tỉnh, huyện, doanh nghiệp đầu tư các cầu Tam Giang, Tam Tiến và đường dẫn, đường Quang Trung, các tuyến ĐH3, ĐH2; dự án đường Võ Chí Công (đoạn Tam Kỳ đến sân bay Chu Lai); đường trục chính Tam Hòa; dự án kè Tam Hải; nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà…
Đặc biệt, Dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam” triển khai tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ giai đoạn năm 2022 - 2030, thuộc nhóm A với tổng vốn hơn 2.748,6 tỷ đồng (vốn vay Ngân hàng Thế giới 1.832,1 tỷ đồng; vốn đối ứng hơn 916,5 tỷ đồng), dự kiến khởi công năm 2025 được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt phát triển của cả vùng. Ngoài nạo vét thoát lũ, dự án này sẽ khởi công 6 cây cầu bắc qua sông Trường Giang. Và sự liền mạch của vùng sẽ hoàn hảo hơn khi dự án nạo vét sông Trường Giang khởi động, kết nối qua sông Thu Bồn với sông Cổ Cò, tạo thành tuyến đường thủy thông suốt.
Dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam” triển khai tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ là dự án “động lực của động lực”, “điểm nhấn của điểm nhấn”, là cơ hội để vùng Đông bật dậy mãnh liệt hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng
Dễ nhận thấy trong 6 nhóm nhiệm vụ của Nghị quyết 07 đề ra, đến cuối năm 2024, các địa phương vùng Đông đã hoàn thành cơ bản ít nhất 3 nhóm nhiệm vụ gồm: lập xong quy hoạch, quản lý hiện trạng đất đai, trật tự xây dựng; đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư, khu nghĩa trang; tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án đầu tư và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
Quảng Nam đã xác định danh mục các dự án đầu tư đến năm 2030, và gần như các nguồn lực lớn đều đổ vào vùng Đông của tỉnh, bởi dự địa phát triển ở đây còn rất lớn, là sở hữu quỹ đất quy mô 20.000ha. Nhưng, chọn lựa loại hình, lĩnh vực thu hút đầu tư để khai thác lợi thế, phát huy hết giá trị tài nguyên đất đai, hạ tầng vùng Đông cần được tính toán phù hợp.