Giảm nghèo - An sinh

Bệ đỡ từ các chương trình mục tiêu

LÊ DIỄM 02/02/2025 11:28

(Xuân Ất Tỵ) - Từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam đã tạo nguồn lực lớn để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

anh-5(1).jpg
Các huyện miền núi chọn phát triển dược liệu để hỗ trợ cho nhân dân thoát nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Tập trung nguồn lực cho miền núi

Theo kết quả rà soát sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH, đến cuối năm 2024, khu vực đồng bằng còn 8.528 hộ nghèo và cận nghèo (tỷ lệ 2,4%), nhưng miền núi còn đến 19.848 hộ (tỷ lệ 22,37%). Nhìn vào số lượng hộ nghèo ở 2 khu vực, có thể thấy nguồn lực thúc đẩy giảm nghèo bền vững đã, đang và sẽ cần tập trung phần lớn cho miền núi.

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đều tập trung nâng cao mức sống cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Mỗi địa phương, tùy theo tiềm năng, thế mạnh của vùng, kinh nghiệm sản xuất của hộ gia đình, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác với nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia (đối với dự án liên kết theo chuỗi giá trị. Hay khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình làm ăn giỏi, có uy tín trong cộng đồng tham gia các dự án (làm trưởng nhóm đối với dự án cộng đồng) để giúp đỡ, hướng dẫn cho người nghèo, hộ nghèo học tập, làm theo từ các mô hình sản xuất, sinh kế hiệu quả.

Tại huyện vùng cao Nam Trà My, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện thông tin, địa phương hỗ trợ cho hộ nghèo dựa vào thế mạnh là vùng dược liệu. Các nguồn lực được tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất dược liệu, giúp người dân vận chuyển thuận tiện.

Đối với hộ nghèo, huyện chọn hỗ trợ phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Các dự án được chọn phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhóm hộ, góp phần thúc đẩy phát kinh tế - xã hội, nhất là cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội gắn với giảm nghèo bền vững. Người dân đã có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn” - ông Dũng cho biết.

Đổi thay diện mạo

Ở vùng cao còn có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thống kê của Sở Kế hoạch & Đầu tư, từ nguồn lực của chương trình đã đầu tư xây dựng 313 danh mục công trình các loại trong giai đoạn 2021 - 2024; chuyển đổi nghề cho 735 lao động; hỗ trợ đất ở cho 350 hộ dân, hỗ trợ xóa nhà tạm cho 512 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư cho 576 hộ.

Ban Dân tộc tỉnh nhận định, khu vực miền núi được đầu tư tổng lực từ các chương trình trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cơ sở hạ tầng từng bước được tăng cường, hoàn thiện, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình đã giúp cho các huyện miền núi được đầu tư, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.

Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh đánh giá, với những kết quả đạt được, có thể khẳng định từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp đến thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Nguồn lực được lồng ghép đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành của người dân có nhiều thuận lợi hơn trước.

“Người dân đã từng bước thay đổi trong phát triển sản xuất, học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên. Từ đó đã giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số. Chỉ tiêu chương trình đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm hơn 3%; kết quả thực hiện năm 2022 là 10,04% và năm 2023 là 9,72%, năm 2024 sơ bộ giảm 4,26%” - ông Mai nói.

Tổng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021- 2025 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Quảng Nam hơn 7.492 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương 5.462 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 2.029 tỷ đồng). Năm 2024 đã phân bổ 6.330 tỷ đồng, còn 1.162 tỷ đồng sẽ phân bổ trong kế hoạch năm 2025.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệ đỡ từ các chương trình mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO