(Xuân Ất Tỵ) - Qua 28 năm tái lập, làng quê ở Quảng Nam thay đổi ngoạn mục nhờ cuộc “cách mạng” khơi dậy sức dân cùng làm đường giao thông nông thôn.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Thời điểm trước năm 1997, những con đường dọc - ngang vùng quê của Quảng Nam nói chung và Điện Bàn nói riêng chủ yếu là nền đất, “nắng bụi, mưa lầy” khiến người dân lưu thông rất khó khăn. Cảnh trẻ con tay xách dép lội bộ đến trường và áo quần lấm lem là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Năm 1995, Bộ GTVT đã hỗ trợ 250 triệu đồng cho xã Điện Quang (Điện Bàn) bê tông hóa bề mặt tuyến đường nối thôn Xuân Đài với Kỳ Lam dài chừng 830m để xóa cảnh cô lập.
Lục lại ký ức, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Trần Úc kể rằng, lúc đó ông là nhân viên của Phòng Kế hoạch đầu tư huyện Điện Bàn. Từ hiệu ứng của tuyến đường nối thôn Xuân Đài với Kỳ Lam, năm 1996, Điện Bàn cử ông tham gia đoàn công tác ra học hỏi kinh nghiệm tại tỉnh Nam Định về cách huy động sức dân cùng chung tay với Nhà nước kiên cố hóa giao thông nông thôn (GTNT).
Huyện Điện Bàn thời điểm ấy cũng cử một số đoàn ra tỉnh Thái Bình để học hỏi. Tại những địa phương này, thấy được cảnh người dân do bức xúc trước đường sá lầy lội đã góp công, góp của đổ gạch đá vụn làm cứng nền đường, rồi đổ bê tông xi măng lên trên.
Đoàn đúc kết kinh nghiệm là phải tạo sự đồng thuận để huy động sức dân, chính người dân hiến đất, cây cối và tự làm mặt bằng. Họ cũng chính là người bỏ công, dụng cụ lao động trực tiếp kiên cố hóa mặt đường, dưới sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.
Đầu năm 1997, huyện Điện Bàn xây dựng đề án nhựa hóa, kiên cố hóa GTNT. Câu nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” chưa bao giờ được phát huy vào thực tiễn mạnh mẽ như vậy. Chỉ trong vòng 4 năm (1997 - 2000), địa phương đã kiên cố hóa 116km và thi công 6 cây cầu với gần 49 tỷ đồng.
Tại Duy Xuyên, từ phong trào làm đường bê tông tự phát của nhân dân thôn Thanh Châu cũ (xã Duy Châu), UBND huyện ban hành Quyết định số 110 về kiên cố hóa GTNT bằng bê tông xi măng, đã huy động được sức mạnh lòng dân, biến hàng chục cây số đường lầy lội thành đường thênh thang.
Đột phá
Những tuyến GTNT kiên cố hóa đã xóa cảnh bị cô lập của nhiều địa phương, do kết nối liên hoàn với đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ. Thành công này là cơ sở để ngày 13/4/2001, UBND tỉnh ra Quyết định số 19, ban hành quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT (gọi là Cơ chế 19), theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Cơ chế 19 đã tạo nên cuộc “cách mạng” về bê tông hóa GTNT. Khắp các vùng quê trong tỉnh, người dân không phân biệt già trẻ, gái trai, tùy theo sức của mình đã hăng hái gánh nước, trộn bê tông trải lên những con đường thôn xóm.
Kiên cố hóa GTNT giai đoạn 2001 - 2008 ở Quảng Nam được triển khai rất thành công với 2.765,5km đường hoàn thành với kinh phí thực hiện 763,6 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 235,4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện và nhân dân đóng góp.
Đường quê thay đổi nên người dân quan tâm sửa sang lại tường rào cổng ngõ, chỉnh trang cảnh quan. Cú hích về kinh tế trở nên mạnh mẽ khi thương mại - dịch vụ nở rộ; giao thông nội đồng nối liền đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa...
Ông Lê Tấn Ngọc - nguyên Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc nói, Cơ chế 19 đi vào cuộc sống “điểm” đúng nhu cầu bức xúc ở nông thôn; góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Nối tiếp cơ chế 19, các đề án phát triển GTNT theo các Nghị quyết số 143 (giai đoạn 2010 - 2015), Nghị quyết số 159 (giai đoạn 2016 - 2020) và Nghị quyết số 38 (giai đoạn 2021 - 2025) của HĐND tỉnh lần lượt ra đời tiếp tục thúc đẩy và hoàn thiện dần cơ chế chính sách đâu tư phát triển GTNT. Phát triển GTNT càng đặc biệt hơn khi tạo bước đột phá xây dựng nông thôn mới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững từ đồng bằng cho đến miền núi.
Thống kê đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 8.119km đường GTNT, đã kiên cố hóa 6.792km (tỷ lệ 83,65%). Toàn bộ mạng lưới giao thông tới trung tâm xã đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 98,81% đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa; có 156/193 xã (tỷ lệ 81%) đạt tiêu chí giao thông theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025.