Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, diện mạo và đời sống người dân tại các khu dân cư kiểu mẫu ở huyện Duy Xuyên ngày càng thay đổi tích cực.
Dấu ấn giao thông
Nhiều năm nay, tuyến đường A1 đi qua địa bàn thôn Nhuận Sơn (xã Duy Phú) nhỏ hẹp lại xuống cấp nghiêm trọng khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Cách đây hơn một tháng, Ban dân chính thôn Nhuận Sơn phát động nhân dân ra quân di dời tường rào cổng ngõ, hiến đất để mở rộng hành lang giao thông.
Ông Nguyễn Văn Kim - người dân thôn Nhuận Sơn cho biết, nhận thấy việc đầu tư mở rộng hệ thống giao thông nông thôn mang lại lợi ích thiết thực nên gia đình tự nguyện hiến 80m2 đất ở mà không hề đòi hỏi tiền bồi thường.
“Có đường bê tông kiên cố và rộng thoáng, gia đình tôi rất phấn khởi, con cháu đi học thuận tiện hơn” - ông Kim chia sẻ.
Không chỉ ông Kim, 18 hộ dân sinh sống dọc trục đường A1 đều tự nguyện góp công, góp của, di dời cây cối, vật kiến trúc để mở rộng đường.
Ông Trần Xít - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhuận Sơn cho hay, tuyến đường A1 có chiều dài 435m, rộng 5,5m. Tổng kinh phí đầu tư mở rộng và nâng cấp hơn 1 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh tài trợ gần 900 triệu đồng, còn lại là huy động nhân dân đóng góp.
“Toàn thôn Nhuận Sơn hiện có hơn 8,5km đường giao thông nông thôn, tất cả đều được đổ bê tông kiên cố đến tận cổng từng nhà, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn khởi sắc” - ông Trần Xít nói.
Thời gian qua, trong khi nhiều nơi ở Quảng Nam gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thì tại các khu dân cư ở huyện Duy Xuyên thực hiện rất thành công chủ trương giải phóng mặt bằng “0 đồng”.
Đó cũng là thành công của công tác dân vận khéo tại cơ sở khi “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Khi lòng dân thuận theo ý Đảng, đường lớn rộng mở, hạ tầng ngày càng khang trang.
Theo ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nên 10 năm qua, người dân Duy Xuyên đóng góp hàng vạn ngày công lao động, tự nguyện hiến hơn 337.000m2 đất và tự tháo dỡ hơn 7.800 vật kiến trúc để nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, nhân dân tự nguyện hiến 45.000m2 đất, góp 1.170 ngày công lao động và 11,8 tỷ đồng xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu.
Nông thôn khởi sắc
Nhìn hàng rào phủ xanh bằng chè tàu khá đẹp mắt, ông Nguyễn Công Phu, người dân thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) cho biết, việc giữ gìn không gian xanh là một trong những giải pháp xây dựng NTM bền vững và bảo vệ môi trường một cách thiết thực, tạo nét đẹp bình yên cho làng quê, xây dựng nếp sống văn hóa cho người dân.
Ông Phu chia sẻ: “Để duy trì mô hình này, cứ vào cuối tuần, chúng tôi lại cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt là cắt tỉa, tạo hình cho những hàng rào xanh quanh vườn, hai bên đường, từ đó tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết”.
Những năm qua, người dân ở các khu dân cư trên địa bàn huyện Duy Xuyên tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới nhà ở; chỉnh trang tường rào - cổng ngõ theo hướng xanh, nhân rộng mô hình nhà sạch - vườn đẹp, tuyến đường hoa thay cỏ dại với chiều dài hơn 20km.
Ông Nguyễn Nở - Bí thư Chi bộ thôn Hà Mỹ (xã Duy Vinh) chia sẻ: “Chủ trương, cơ chế có, cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng người dân không hưởng ứng thì rất khó. Vì vậy, chúng tôi xác định phải phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Nhờ vậy, đến nay thôn Hà Mỹ đã huy động hơn 3,2 tỷ đồng xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 66,5 triệu đồng, trong thôn không còn hộ nghèo. Đến cuối năm 2023, thôn Hà Mỹ đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
Theo ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cơ sở vật chất văn hóa ở các khu dân cư trên địa bàn huyện ngày càng khang trang; hệ thống âm thanh, tủ sách đầy đủ; lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục - thể thao và trang thiết bị khác đảm bảo cho việc sinh hoạt cộng đồng.
Để tiếp sức cho các khu dân cư, huyện Duy Xuyên ban hành cơ chế hỗ trợ 100 triệu đồng cho các thôn, khối phố 3 năm liên tục giữ vững danh hiệu văn hóa để nâng cấp, hoàn thiện thiết chế văn hóa.
Năm 2024, chính quyền huyện Duy Xuyên còn xây dựng đề án nâng cấp, mở rộng nhà văn hóa thôn, khối phố trên địa bàn huyện giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư hơn 110 tỷ đồng.
“Nhờ kiên trì theo phương châm xây dựng NTM là quá trình liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, nhiều khu dân cư kiểu mẫu ở Duy Xuyên nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững. Đến nay, Duy Xuyên đã có 29 trong tổng số 58 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, góp phần tạo diện mạo mới cho làng quê” - ông Phúc nói.