Hồ sơ - Tư liệu

Tiến xuống vùng Đông!

HỒ DUY LỆ 25/08/2024 07:15

Tháng 8/1964, Tỉnh ủy Quảng Nam ra Nghị quyết phát động quần chúng khởi nghĩa giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng, trọng điểm là giải phóng vùng Đông, quốc lộ một và vùng cát ven biển. Bàn thực hiện chiến dịch Thu - Đông, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu táo bạo và bất ngờ - vì không dễ dàng: Tiến xuống vùng Đông! Là mệnh lệnh. Là quyết tâm sắt đá!

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2019-9-6-69227-_tnb-10480.jpg
Di tích lịch sử cấp tỉnh Căn cứ lõm Bàu Bính (xã Bình Dương). Ảnh: QUANG VIỆT

Trải qua 24 ngày đêm, từ ngày 5/9 đến ngày 28/9/1964, với sức mạnh của lực lượng vũ trang, cùng tình yêu quê hương và lửa căm thù của nhân dân, quân và dân Thăng Bình phá banh 20 ấp chiến lược, giải phóng hoàn toàn 7 xã vùng Đông với hơn 50.000 dân. Cuộc chiến đấu này có hơn 8.000 nam nữ thanh niên tham gia quân Giải phóng.

Những cuộc nổi dậy

Lần thứ nhất, cuộc nổi dậy vào lúc 8 giờ tối ngày 5/5/1964, Bình Dương diệt tên cảnh sát ác ôn, còn Bình Giang diệt hai tên. Ngay ngày hôm sau, Quận trưởng Thăng Bình lệnh cho lính bảo an xuống giải vây, sẩy cả mâm Hội đồng Bình Giang! Sáng ngày 7/5/1964, địch xuống chiếm lại vùng Đông.

Lần thứ hai, vào ngày 5/9/1964. Thực thi nhiệm vụ, Huyện ủy Thăng Bình phân làm hai bộ phận, chỉ huy hai cánh:

Vùng Tây do Bí thư Huyện ủy Ngô Thanh Dũng cùng Nguyễn Sơn - Huyện đội trưởng, Doãn Dư - Chính trị viên phó, cùng Tỉnh đội trưởng Quách Tử Hấp chỉ huy.

Lực lượng vũ trang huyện cùng Đại đội 702 của Tiểu đoàn 70 bộ đội tỉnh nổ súng tiến công đồn Đất Đỏ, tiêu diệt đại đội địa phương quân, thu súng, đồng thời phá banh ấp chiến lược Hà Châu, giải phóng xã Bình Phú - xã phía tây của huyện tiếp giáp với xã Phước Sơn (Tiên Sơn) của huyện Tiên Phước.

Cũng thời gian này, quân giải phóng cánh tây đưa bộ đội ra phục kích trên đường Quán Giá - Hà Châu, sẵn sàng diệt viện binh địch. Địch ở các xã Bình Định, Bình Quế, Bình Tú tháo chạy, số chạy lên Việt An - Bình Lâm, số chạy xuống Hà Lam.

Thừa thắng, quân Giải phóng tấn công vào các ấp chiến lược ở các xã Bình Lâm, Bình Lãnh, Bình Trị. Du kích Cao Ngạn tấn công trung đội địa phương quân giữ ấp chiến lược Cẩm La, thu súng, lính Sài Gòn bỏ ngũ theo quân Giải phóng. Mũi tấn công ở phía tây hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ căng kéo, thu hút và kiềm chế địch ở phía tây, tạo thuận lợi cho cánh đông.

Cánh Tây nổ súng, cánh Đông hành động!

Chính trị viên Tỉnh đội Nguyễn Vịnh, là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Bốn (Bốn Tuấn) cùng đội công tác 10 người, với 60 tay súng, gồm chỉ huy và chiến sĩ của Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, hai đội trinh sát đặc công của tỉnh và huyện đóng vai trò chủ lực tham gia giải phóng vùng Đông.

Tám Giáo - Huyện ủy viên, đứng cánh Bình Giang, Hồ Hải Khương - Huyện ủy viên, đứng cánh Bình Hải, Hồ Trượng, đứng cánh Bình Triều, Trần Văn Trai - Năm Trai, đứng cánh Bình Sa, Huyện đội phó Bàn (Hiếu) đứng cánh Bình Hải và một phần Bình Sa. Xuất quân từ Đồng Linh về hai hướng: một mũi về Bình Giang và Bình Dương; một mũi về phía Bình Sa và Bình Hải.

Theo kế hoạch, đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6/9/1964, phát lệnh tấn công. Khi tiếng súng của quân Giải phóng vang lên thì mâm Hội đồng xã Bình Dương đang tụ tập bàn kế hoạch đối phó, đang xúm nhau làm gà ăn mừng trong xóm nhà gần trường học ở thôn Ba, với tinh thần sẵn sàng cho Việt cộng một đòn phủ đầu. Chúng không thể ngờ quân Giải phóng đánh đòn phủ đầu trước.

Ngay tối hôm đó, tiếng trống, tiếng mõ vang lên, lôi cuốn hàng ngàn người dân Bình Dương vào cuộc nổi dậy long trời. Tại Trảng Trầm, có đến hàng ngàn người dân Bình Dương dự mít tinh mừng chiến thắng giải phóng xã nhà, chứng kiến quân Giải phóng tuyên bố chính quyền tự quản, ra mắt lực lượng vũ trang, đồng thời công bố quyết định xử lý 3 tên tề của xã, giao nhiệm vụ cho toàn dân cùng nhau giữ vững chính quyền cách mạng…

Phát huy sức nổi dậy của nhân dân Bình Dương, phối hợp với lực lượng vũ trang của huyện, của tỉnh, nhân dân các xã Bình Giang, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa lần lượt nổi dậy truy bắt ác ôn, phá banh rào vây, đập tan bộ máy kìm kẹp ở cấp xã, lập chính quyền nhân dân. Du kích xã Bình Dương hỗ trợ nhân dân Xuyên Thọ, Xuyên Phước của Duy Xuyên đồng khởi thắng lợi.

Sau khi giải phóng Bình Dương, một tiểu đội vũ trang vượt các hàng rào ấp chiến lược qua Bình Đào giải phóng các thôn Tân An, Hà Bình. Vượt qua Bình Tịnh, đi dọc theo biển vào hỗ trợ nổi dậy giải phóng Bình Hải. Nhân dân các xã Bình Giang, Bình Sa lần lượt nổi dậy vây bắt ác ôn, phá banh hàng loạt ấp chiến lược, đập tan bộ máy kềm kẹp của địch, lập chính quyền nhân dân, xây dựng thôn, làng chiến đấu…

Một bộ phận của Đại đội 2 cùng du kích Bình Giang tiến lên thôn Ngọc Sơn cùng cơ sở Ngọc Sơn xã Bình Phục truy bắt tay sai, phát động quần chúng phá ấp. Đêm 26/9/1964, một bộ phận của Đại đội 2 Tiểu đoàn 70, cùng du kích mật và cơ sở thôn Phước Châu xã Bình Triều tiến công, tiêu diệt đại đội địch ở thôn Phước Ấm, chợ Được, đập tan hệ thống kìm kẹp các thôn, ấp, giải phóng hoàn toàn xã Bình Triều và một phần xã Bình Phục.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiến xuống vùng Đông!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO