Nhiều hoạt động hấp dẫn ở Lễ hội Bà Thu Bồn
(QNO) - Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn là sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, cầu cho quốc thái dân an, làng quê yên bình, thịnh vượng, góp phần quảng bá, phát triển du lịch tại địa phương.
Truyền thuyết kể rằng, từ xa xưa, một gia đình giàu có sinh hạ người con gái nhưng từ lúc sinh ra, cô bé đẹp tựa thiên thần, chỉ cười không khóc, mái tóc dài ngang lưng, hàm răng trắng, nước da như sương. Đến 5 - 7 tuổi, cô đã có khả năng và sở thích thiên bẩm dùng thảo dược cứu người; lớn lên bỏ qua mọi lời cầu hôn. Đến 50 tuổi, Bà quy tiên trưa 12/2 âm lịch, dân làng tuân theo di nguyện không dùng vải vóc khâm liệm, chỉ dùng thảo mộc. Quan tài được quàn tại đình suốt tuần, dân làng túc trực khói hương.
Qua 7 đêm, khắp nơi tỏa hương ngào ngạt và bỗng nhiên, nắp quan tài Bà Thu Bồn xứ Quảng mở tung, bên trong không có gì, chỉ ngập tràn hoa sứ. Dân làng cung nghinh xây dựng lăng mộ, thờ cúng trang nghiêm ở dinh Bà.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, cũng có truyền thuyết cho Bà vốn dòng trâm anh, con gái/nữ tướng của vua Chàm hoặc vua Lê Thánh Tông. Trong một chiến cuộc căng thẳng, quân của Bà thất thế phải rút quân, ngang qua làng Thu Bồn/Phường Rạnh, mái tóc dài vướng vào cây làm Bà ngã ngựa và tử tiết, hiển linh. Phường Rạnh là sinh quán cũng là nơi Bà tử trận, dòng nước đưa Bà về bến sông làng Thu Bồn.
Năm nay, tại thị trấn Trung Phước (huyện Nông Sơn) sẽ diễn ra các hoạt động phong phú như:
1/ Lễ tế âm linh, tế tiền nhân, tiền bối: 9 giờ 30 đến 11 giờ 30, ngày 20/3 (tức ngày 11/2 âm lịch).
2/ Khai mạc lễ hội: 19 giờ 40 ngày 19/3 (10/2 âm lịch).
3/ Lễ rước sắc: Từ 14 giờ đến 15 giờ 30, ngày 20/3 (11/2 âm lịch).
4/ Lễ rước nước: 15 giờ 30, ngày 20/3 (11/2 âm lịch).
5/ Thả hoa đăng: 18 giờ 30, ngày 20/3 (11/2 âm lịch).
6/ Chương trình đốt lửa thiêng: 19 giờ 30 phút, ngày 20/3 (11/2 âm lịch).
7/ Lễ cúng tiên thường: 22 giờ ngày 20/3 (11/2 âm lịch.
8/ Lễ tế Bà: Từ 9 đến 14 giờ 30 ngày 21/3 (12/2 âm lịch).
Phần hội có các hoạt động đua thuyền, văn nghệ, hô hát bài chòi, trò chơi dân gian, thi cờ tướng, điền kinh...
Tại xã Duy Tân (Duy Xuyên), cũng diễn ra nhiều hoạt động được chuẩn bị công phu và phong phú.