Ký ức Điện Biên - Bài 2: Tinh thần Điện Biên trên mọi mặt trận
Một tinh thần Điện Biên được phát động trên mọi mặt trận, từ hậu phương ra tiền tuyến, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù.
Chia lửa từ nước bạn Lào
Tiếp tục hành trình viết tiếp những dòng ký ức Điện Biên, tôi liên lạc với ông Hồ Văn Xuân - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quế Long (Quế Sơn) để nắm thông tin về 14 chiến sĩ, thanh niên xung phong từng tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hay tin, còn 4 người đang sinh sống trên địa bàn xã, nay đã tuổi cao, đi lại khó khăn nhưng vẫn minh mẫn, tôi vội tìm đến.
Ông Xuân đưa tôi đến gặp vợ chồng ông Trần Đình Tư (100 tuổi) và bà Võ Thị Dũng (91 tuổi). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tư làm quân nhu, còn vợ là thanh niên xung phong. Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, song vai trò của họ trên mặt trận Điện Biên quan trọng không kém.
Ông Tư kể, tham gia thiếu sinh quân năm 16 tuổi, ông cùng các bạn đồng trang lứa hoạt động tại địa phương. Sau này, ông được giao làm quân nhu tại Trung đoàn 108 (Liên khu V), trải qua quá trình huấn luyện chiến lược, chiến thuật và điều động sang nước bạn Lào hoạt động vào năm 1946.
Tại Nam Lào, ông cùng đồng đội thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 12 đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận gạo từ các địa phương ở Quảng Đà đưa sang tập kết tại Hạ Lào, rồi đưa lên Trung Lào, Thượng Lào. Sau đó, nguồn gạo này tiếp tục được chuyển ngược về Điện Biên Phủ.
“Những ngày đầu, con đường vận chuyển lương thực sang Lào gặp nhiều khó khăn. Một nhóm gánh gạo từ 10-15 người phải đi theo lộ trình và từng khung giờ nhất định để tránh bị địch phát hiện. Qua từng trạm sẽ báo cáo bằng tín hiệu để nắm số lượng người, tránh trường hợp địch trà trộn.
Chưa kể, trên đường đi còn biết bao gian khó, hiểm nguy khác, như thú dữ, đường núi chông chênh, bom đạn… Nhiều khi đến nơi tiếp nhận chỉ còn vài nắm gạo. Nhưng “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, những đoàn người nối nhau đưa lên biên giới, tiếp ứng cho cuộc chiến Trung Lào, Thượng Lào” - ông Tư kể.
Giai đoạn 1953 - 1954, ông Tư được điều động lên hoạt động ở Hành lang Đông, rồi sang Hành lang Tây (thuộc khu vực Trung Lào, Thượng Lào).
Cùng thời điểm này, mùa xuân năm 1953, chiến dịch Thượng Lào nổ ra và giành thắng lợi. Tiếp đó, đông xuân 1953 - 1954, các cuộc tiến công mở ra ở Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào để phân tán lực lượng địch, chia lửa với mặt trận Điện Biên.
“Chiến trận căm go thì những bước chân tiếp phẩm càng thêm hối hả. Những cơn mưa bom ngăn con đường tiếp viện như trải ra trên đầu, ranh giới sống - chết chỉ trong gang tấc.
Chỉ có bom đạn tránh mình, chứ mình không thể tự tránh. Nhưng tất cả cũng chỉ rèn cho người lính bản lĩnh gan dạ, vượt qua gian nguy, tiếp nhận gạo từ nhân dân và gửi ra tiền tuyến” - ông Tư kể.
Với sự phối hợp của các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và quân dân nước bạn Lào, tin vui chiến thắng liên tục bay đến khắp mặt trận, từ Hạ Lào đến Thượng Lào. Đây là tiền đề quan trọng để quân dân nước bạn tiến công, nổi dậy giải phóng quê hương và tạo điều kiện cho quân và dân ta đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tinh thần “chiến sĩ Điện Biên”
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, phong trào thi đua hướng về Điện Biên được khởi xướng từ khắp mặt trận. Ông Hồ Kép, ở thôn Xuân Quê, xã Quế Long (Quế Sơn) nhớ lại, thời điểm ấy, ông đang ở đơn vị Độc lập miền Tây, phạm vi gồm các tỉnh Quảng Đà - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Ninh, đóng quân tại Trà My.
Khi tiếng súng chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, đơn vị ông cũng đồng thời phát động thi đua sản xuất hướng về Điện Biên. Với tinh thần “chiến sĩ Điện Biên”, những triền đồi khô cằn đã được phủ xanh. Đây là nguồn lương thực dự trữ quan trọng, sẵn sàng tiếp ứng cho cuộc chiến lâu dài.
Tại mặt trận Trung Lào, Thượng Lào, câu chuyện về những anh hùng như Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình để cứu pháo; Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai…. đã lan rộng, khơi dậy tinh thần chiến đấu ngoan cường trong các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và cả quân dân Lào. Ông Tư kể, có những người mẹ, người chị nước bạn Lào vét gạo trong nhà gửi ra tiền tuyến để góp sức cho bộ đội Điện Biên ăn no, đánh giặc.
Thế trận hậu cần cứ thế ngày càng vững chắc, tiền tuyến như tiếp thêm sức mạnh và đẩy địch vào chiều hướng thất thế. Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân khắp nơi đóng góp hơn 23.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, cùng gần 21.000 xe đạp thồ, gần 1.000 con ngựa thồ, hơn 3.000 chiếc thuyền.
Hòa nhịp phong trào “Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ”, các lực lượng tại chỗ như học sinh, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân, trí thức,… hăng hái tình nguyện phối hợp với bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, san lấp hố bom, làm đường cho xe qua. Từ đó việc vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, chất nổ và vận tải cứu thương được thuận lợi.
Bà Võ Thị Dũng (vợ ông Trần Đình Tư) kể, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, bà cùng chị em huyện Anh Sơn, Nghệ An lên đường ra Bắc. Họ thay phiên nhau vá đường, nấu ăn cho bộ đội.
Cuộc sống dưới những căn hầm trong chảo lửa Điện Biên đã trở thành ký ức khó quên với bà Dũng. Dưới hầm, tiếng máy bay địch xé trời hay tiếng bom rơi trên đầu chẳng còn là điều bận tâm.
Cứ 7 ngày một lần, tiếp phẩm từ hậu phương đưa lên, chất đầy vào hầm. Nhóm lửa, nấu cơm trên bếp Hoàng Cầm, giữa ban ngày địch cũng chẳng phát hiện. Nhờ đó, cơm nước phục vụ bộ đội ngay tại chiến hào, không cần phải nắm cơm đưa lên từ tuyến sau.
Xuyên suốt 56 ngày cam go ấy, còn lấp lánh bao ký ức khác, có cả nụ cười lẫn nước mắt. Nhưng tựu trung, khi kề cận khoảnh khắc sinh tử, chẳng hề thấy sự nao núng. Họ giữ một tinh thần thép, luôn hướng về Điện Biên với niềm tin thắng lợi.
Tỉnh Điện Biên hiện có 3 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, là nơi an nghỉ của các chiến sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, gồm A1, Him Lam và Độc Lập. Đây là chứng tích lịch sử, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương, ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ.
Trong đó, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 được xây dựng năm 1958 tại vị trí cách di tích lịch sử đồi A1 khoảng 100m về phía nam, với tổng diện tích hơn 3,2ha. Nơi đây có 644 phần mộ liệt sĩ, song phần lớn đều vô danh. Chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các Anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can.
Nghĩa trang Độc Lập nằm đối diện đồi Độc Lập, với tổng diện tích 3,3ha. Đây là nơi yên nghỉ của 2.432 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nghĩa trang Him Lam được xây dựng trong những năm 1957 - 1960, với tổng diện tích 1,7ha. Nơi đây đã quy tập 869 phần mộ liệt sĩ.
Hiện nay công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ vẫn tiếp tục được triển khai. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; đồng thời đáp lại niềm mong mỏi của thân nhân liệt sĩ.
------------
Bài cuối: Tình yêu và khát vọng hòa bình