Hồ sơ - Tư liệu

Ký ức Điện Biên - Bài 1: Nhớ tháng 5 khói lửa

HỒ QUÂN 22/04/2024 08:25

Đã 70 năm trôi qua, nhưng những trang sử hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn in sâu trong lòng nhiều thế hệ. Trong hành trình tìm lại những dòng hồi ức Điện Biên, chúng tôi may mắn gặp được một số ít những anh chiến sĩ, cô thanh niên xung phong năm nào đã chiến đấu quên mình, vì độc lập dân tộc. Nay, phần lớn họ đã ngoài 90, hồi ức là những mảnh ghép nhỏ, không thể nêu bật toàn trang lịch sử, nhưng sẽ phần nào khơi lên một tinh thần Điện Biên đáng tự hào.

dien-bien-phu-4.jpg
Tấn công sân bay Mường Thanh. Ảnh: Trung tâm lưu trữ Quốc gia III

BÀI 1: NHỚ THÁNG 5 KHÓI LỬA

Giây phút cùng những đồng đội ở Tiểu đoàn 19 (Trung đoàn 108, Liên khu V) băng qua chiến hào, phối hợp với các lực lượng áp giải tướng De Castries lên xe Jeep để đưa về Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312), là ký ức khó quên đối với ông Trần Ngọc Quế (thôn An Lâu, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) trong mỗi lần nhắc lại trang sử Điện Biên.

Tiến về Điện Biên

Những ngày tháng 4, chúng tôi ngược về xã Tam Lãnh (Phú Ninh) tìm gặp ông Trần Ngọc Quế theo danh sách ít ỏi về những người đã tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Đón tôi là cụ ông đã 94 tuổi, tóc bạc trắng, đôi tai nhiều lúc không nghe rõ, phải sử dụng thiết bị trợ thính. Nhưng nghe phóng viên hỏi thăm về chiến dịch Điện Biên Phủ, mắt ông Quế sáng lên, mời chúng tôi vào nhà trò chuyện. Ký ức về những năm tháng khói lửa ấy vẫn in sâu trong lòng ông Quế, như chẳng thể phai mờ trước gánh nặng tuổi tác.

dien-bien-phu-6.jpg
Ông Trần Ngọc Quế (xã Tam Lãnh, Phú Ninh). Ảnh: H.Q

Chậm rãi, ông Quế bắt đầu ký ức Điện Biên bằng câu chuyện về những ngày đầu vào Vệ quốc đoàn năm 1949. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, khi Tổ quốc cần, ông hăng hái lên đường. Ông được phân công nhiệm vụ liên lạc viên tại Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108, Liên khu V.

Những ngày đầu tháng 4, nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Liên khu V điều động Tiểu đoàn 19 ra Bắc, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn 19 gồm 3 đơn vị bộ binh và 1 đơn vị trợ chiến, xuất phát tại Kon Tum, hành quân dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào. Hành trang của mỗi chiến sĩ chỉ vỏn vẹn 3 ngày gạo đựng trong ba lô đan bằng tre, cùng ống nứa đựng nước uống, một tấm chiếu lát và một cái xẻng.

“Lúc này, quân Pháp thất bại trên mọi mặt trận, đã tập trung về cứ điểm Điện Biên Phủ nên đường hành quân ra Bắc đã sạch bóng kẻ địch. Vất vả nhất là cái nắng tháng 4 như đổ lửa trên đầu, đá sỏi bỏng rát dưới chân.

Nghỉ chân thì thổi cơm, trải chiếu nằm nghỉ giữa rừng. Gặp mưa thì dùng chiếu che lên, tiếp tục di chuyển… Dù vậy, không có gì có thể ngăn được tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng ra trận của những chiến sĩ trẻ” - ông Quế kể.

Để toàn quân đi đúng lộ trình, đến bất kỳ địa phận nào đều có người dẫn đường. Ông Quế nhớ mãi hình ảnh người dân nước bạn Lào ra động viên, tiếp sức người chiến sĩ trẻ.

Bước chân của anh lính như nhanh hơn, mạnh hơn, ý chí cũng kiên cường hơn. Hành quân liên tục, đến giữa tháng 4, Tiểu đoàn 19 đã có mặt ở Điện Biên Phủ, sẵn sàng nhận lệnh.

Anh dũng dưới những chiến hào

Sau khi được cấp trên thông tin về tình hình chiến trận, mỗi chiến sĩ Tiểu đoàn 19 được cấp một khẩu súng trường MAS-36. Anh lính 19 tuổi Trần Ngọc Quế nhận một khẩu súng trên tay, được cấp trên dặn dò: “Vợ của đồng chí đây”. Chiến sĩ Quế nở nụ cười và ngầm hiểu, khi ra trận, cây súng là vật luôn sát bên mình, phải giữ gìn cẩn thận.

“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vũ khí của quân ta không nhiều, lại còn rất thô sơ. Phần lớn chúng ta thắng Pháp, giành lấy vũ khí và đánh ngược lại. Khẩu MAS-36 cũng là loại súng quân Pháp thường sử dụng” - ông Quế cho biết.

dien-bien-phu-5.jpg
Dưới những chiến hào. Ảnh: Trung tâm lưu trữ Quốc gia III

Tiểu đoàn 19 được phân nhiệm vụ đào chiến hào. Mỗi ngày, mỗi người đào 3m chiều ngang, 1m chiều sâu. Anh nuôi sẽ phát mỗi người nắm cơm cùng ít mắm muối khô đựng trong ống tre. Vừa đào, vừa sinh hoạt dưới chiến hào.

Lá rừng cắm lên trên miệng hào để ngụy trang và che nắng, che mưa. Toàn quân miệt mài, cuốc mòn, tay chai sạm vẫn không chút lơ là. Hễ địch càn ra thì súng lên nòng, sẵn sàng chiếu đấu.

“Với sức trẻ của người lính, những đường hào ngày thêm nối dài, từ rừng cho đến những trận địa chiến đấu. Vất vả nhất là những đoạn hào sát cứ điểm địch. Một ngày không biết bao nhiêu cơn “mưa đạn” xả ra để ngăn đường hào tiến sâu. Hào vừa đủ để ẩn nấp, cũng tạo thế để trườn lên phản công.

Khi tứ phía đều là hào, địch bắt đầu loạn phương hướng phòng bị. Theo thời gian, địch thất thế, toàn quân nhận lệnh băng qua hào, tiến công chiếm lấy nhiều cứ điểm quan trọng” – ông Quế kể.

Ác liệt nhất phải kể đến những ngày tiến công sân bay Mường Thanh. Ông Quế nhớ lại, quân ta đã đồng loạt thắt chặt vòng vây, hạn chế tiếp viện của địch. Dù vậy, quân địch hết sức ngoan cố, chống trả quyết liệt.

Ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng đoạn hào. Bom nổ rền tai, khói lửa cay mắt, bụi đất tung tóe lấp cả người dưới hào. Song, các chiến sĩ không hoảng loạn, hất đất ra khỏi hào, tiếp tục cầm súng chiến đấu. Sau rất nhiều ngày giằng co, quân địch giảm tinh thần chiến đấu, quân ta tiến đánh, chiếm lấy sân bay Mường Thanh.

Những cứ điểm của địch lần lượt bị hạ. Những đường hào tiếp tục nối dài, tiến sâu hơn vào những trận địa làm cho quân địch vô cùng khiếp sợ. Đây là một chiến thuật tiến công của quân ta theo phương châm “đánh chắc, thắng chắc”.

Ông Quế nói: “Đầu tháng 5, toàn quân mở đợt tổng tiến công tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Rất nhiều chiến lược đồng thời triển khai giữa trận địa như khoét núi, đào hầm, dùng thuốc nổ phá hầm ngầm, đào chiến hào….

Tiểu đoàn 19 chúng tôi tiếp tục chiến đấu dưới hào, sẵn sàng chống trả các đợt càn của địch và bảo vệ lực lượng đào hầm, ở khoảng cách 1 cây số so với hầm chỉ huy của địch.

Trận chiến ác liệt cả ngày lẫn đêm, anh em dưới hào chỉ một tinh thần tiến lên, chẳng để tâm ngày giờ. Chỉ biết rằng, áp sát được sở chỉ huy địch thì ngày giành thắng lợi đang đến gần”.

Giọt nước mắt trong ngày chiến thắng

Ký ức in đậm trong lòng ông Quế, chính là chiều tối ngày 7/5, khi ngọn cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch.

Đại đội 360 đưa tướng địch De Castries cùng các tướng lĩnh, tùy tùng đã đầu hàng ra khỏi hầm. Tiểu đoàn 19 cùng các lực lượng khác lập tức tiến vào, bảo vệ nghiêm ngặt và đưa tướng địch ra xe Jeep để đưa về Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312).

“Anh em ai cũng muốn xem tên chỉ huy trưởng De Castries như thế nào mà ngông cuồng đến vậy. Đó là một tên tướng cao to, sáng láng nhưng lúc đó đã cúi gằm mặt, rầu rĩ. Cùng đi ra khỏi hầm chỉ huy còn có một số tướng lĩnh người Pháp mặt tái nhợt. Còn lại đám tàn quân đều là lính viễn chinh” - ông Quế kể.

Sau khi áp giải toàn bộ lên xe, niềm hạnh phúc ấp ủ bấy lâu như vỡ òa. Họ đã giành chiến thắng sau rất nhiều ngày “khoét núi, ngủ hào”. Một pháo đài mà thực dân Pháp khẳng định là “bất khả xâm phạm” đã bị công phá bởi tinh thần thép.

Trong vòng tay ôm chặt, đã có những giọt nước mắt lăn trên gò má lấm lem bùn đất của những anh lính trẻ. Họ xót thương cho những đồng đội đã không ngừng chiến đấu, anh dũng hy sinh… cho ngày chiến thắng hôm ấy.

Ông Quế cho hay, đã có 6 người đồng đội thân thiết trong Tiểu đoàn 19 đã nằm lại nơi chiến trường Điện Biên. Họ đau buồn khi không thể đưa động đội về Nam, hay có thể chôn cất đồng đội một cách trang trọng nhất, giữa những ngày chiến trường ngổn ngang, đạn bom ác liệt… Nhưng rồi, tất cả cùng động viên nhau vượt qua, lấy đau thương làm sức mạnh, tiếp tục bảo vệ thành quả và sẵn sàng chiến đấu vì độc lập dân tộc.

Mãi đến năm 1978, ông Quế mới có cơ hội ra thăm nghĩa trang Điện Biên. Lòng ông đã nhẹ hơn, khi thấy hài cốt của 6 đồng đội đã được chính quyền địa phương quy tập, chôn cất cẩn thận. Những nén tâm hương thắp lên trước bia mộ những động đội, như tỏ bày niềm tâm sự: Đồng đội yên tâm, quê hương giải phóng rồi!

* *
*

Nhắc lại ký ức Điện Biên, ông Quế ngậm ngùi, tiếc nuối. Chiếc mũ vải, cuốn nhật ký, kỷ yếu cùng vài kỷ vật mang về từ Điện Biên, theo ông qua nhiều chiến tuyến sau này và cất giữ từ khi về hưu (năm 1980) đã không chịu nổi sự khắc nghiệt của thời gian.

70 năm rồi, thời gian chẳng thể níu giữ nhiều thứ. Nhưng chắc chắn, chỉ có những trang sử hào hùng của những người đi cùng lịch sử như ông Quế sẽ sống mãi với thời gian.

-----------

Bài 2: Tinh thần Điện Biên trên mọi mặt trận

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức Điện Biên - Bài 1: Nhớ tháng 5 khói lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO