Viết về đề tài chiến tranh cách mạng

Ký ức Điện Biên - Bài cuối: Tình yêu và khát vọng hòa bình

HỒ QUÂN 26/04/2024 07:37

Rất nhiều câu chuyện tình yêu của anh chiến sĩ với cô thanh niên xung phong hay cô y sĩ với anh thương binh… từ trong và sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã có đoạn kết viên mãn. Vợ chồng ông Trần Đình Tư và bà Võ Thị Dũng (xã Quế Long, Quế Sơn) dệt nên câu chuyện tình yêu và khát vọng hòa bình nơi chiến trường năm xưa.

chien-dich-dien-bien-phu-11.jpg
Kỷ vật của vợ chồng ông Tư và bà Dũng là tẩu thuốc lào, được mang về từ Điện Biên và giữ đến hôm nay. Ảnh: H.Q

Những ánh mắt chạm nhau

Tổ quốc gọi, ông Trần Đình Tư và bà Võ Thị Dũng hăng hái lên đường. Ông Tư rời quê hương Quế Long (Quế Sơn) sang hoạt động tại nước bạn Lào với nhiệm vụ tiếp phẩm cho các lực lượng chiến đấu.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tư cùng đồng đội tiếp nhận quân lương từ Liên khu V và các khu vực khác đưa sang Lào để chuyển ngược về Điện Biên.

Còn bà Dũng cũng theo chân các chị em huyện Anh Sơn (Nghệ An) lên Tây Bắc, tham gia mở đường, vá hố bom và nấu cơm cho bộ đội. Như lời bà Dũng, ở tuổi còn xanh, rung động lứa đôi là điều khó tránh khỏi.

Nhưng ở Điện Biên Phủ, họ đã dành trọn vẹn tình yêu cho Tổ quốc, chẳng còn tâm trí nghĩ cho mình, cho ngày mai… Ông Tư, bà Dũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như một cơ duyên, để cuộc gặp gỡ trở thành câu chuyện trăm năm.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Tư và bà Dũng cùng được điều động về Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới. Cả hai được bố trí vào Sư đoàn 350, trở lại Sơn La - Điện Biên hoạt động. Đó cũng là ngày họ tìm thấy nhau… qua những ánh mắt.

Ông Tư làm quân nhu, bà Dũng nấu ăn cho bộ đội tại Tiểu đoàn 1. Ông Tư kể, kỷ cương quân đội không được phép hẹn hò, yêu đương. Dù “ưng bụng” lắm, nhưng chỉ vội nhìn nhau, gửi gắm đôi câu thăm hỏi mỗi lúc chuyển gạo, mắm, muối tới khu vực bếp.

Ông Tư, có cái giọng Quảng chất phác, lại thêm bản tính nhiệt tình, hay pha trò… Rồi mưa dầm thấm lâu, bà Dũng dần cảm nhận tấm chân tình từ anh bộ đội đất Quảng này.

“Ngày đó, hẹn hò chỉ là dúi vào tay nhau những mảnh giấy nhỏ, viết lên đôi dòng thăm hỏi. Đêm về lén mở ra đọc, rồi vội vã hồi âm. Có lẽ, khi đã trải qua những ngày tháng khói lửa Điện Biên, không chuyện trò nhiều cũng thấu hiểu, đồng cảm với nhau hơn. Cứ thế mà thành đôi” - ông Tư kể.

Khát vọng hòa bình

Vợ chồng ông Trần Đình Tư năm nay đã ngoài 90 tuổi, song kể về chuyện tình yêu thuở đôi mươi vẫn thấy đôi nét ngại ngùng. Hệt như ngày họ khép nép xin thủ trưởng để chính thức đến với nhau (năm 1957).

Ông Tư kể, miền Bắc đã yên tiếng súng, nhưng quê hương Quảng Đà lại nằm bên kia vĩ tuyến 17. Chẳng thể thưa chuyện mẹ cha đôi bên, chỉ đành tổ chức lễ cưới ở Anh Sơn (Nghệ An).

“Trước khi đồng ý hôn sự, đơn vị cắt cử cán bộ về Nghệ An nắm tình hình. Khi có được xác nhận của chính quyền địa phương, đơn vị mới đồng ý cho hai vợ chồng 7 ngày nghỉ phép. Thời đó chưa có xe cộ nhiều, chinh phục quãng đường dài về quê có lẽ là thách thức đầu tiên” - ông Tư nhớ lại.

Theo danh sách do Sở LĐ-TB&XH và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cung cấp, Quảng Nam có 3 trường hợp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được công nhận liệt sĩ, bao gồm: Phan Đức Hương (xã Bình Dương, Thăng Bình), Nguyễn Quận (xã Tam Sơn, Núi Thành) và Đỗ Xuân Bích (phường Điện Thắng, thị xã Điện Bàn). Còn theo danh sách của Hội Cựu chiến binh tỉnh cung cấp, trên địa bàn tỉnh có 43 người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó còn sống 13 người, từ trần 30 người.

Để tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ và các chiến sĩ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao tặng mỗi gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên từ trần suất quà trị giá 1 triệu đồng. Còn đối với 13 chiến sĩ, thanh niên xung phong còn sống sẽ được nhận suất quà với tổng giá trị 5 triệu đồng/người. Trong đó, Trung ương Ủy ban MTTQ Việt Nam hỗ trợ 1 triệu đồng/người, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/người, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/người.

Gia đình bà Dũng có 4 anh em, nhưng 3 người đã hy sinh, chỉ còn đứa con gái duy nhất. Do đó, mọi tình yêu thương đều dành trọn cho đôi trẻ.

Bà con trong nhà chủ động sắp xếp, chuẩn bị các nghi lễ. Hai vợ chồng về đến nơi, hành trang chỉ vỏn vẹn… bộ quân phục sờn màu. Có đám cưới, địa phương mới ưu tiên bán cho gói thuốc Phù Đổng, 5 lạng chè với vài cân kẹo để đãi bà con. Hôm ấy, trong hội trường thôn được trang trí đơn sơ, có tới 5 cặp đôi cùng tổ chức tiệc cưới. Thời chiến, khó khăn, thiếu thốn nhưng đầy ắp tình cảm…

Ngay sau ngày cưới, vợ chồng trẻ vội vã trở lại đơn vị. Mỗi người một nhiệm vụ, cơ hội gần nhau không nhiều. Tận 3 năm sau (1960), kết tinh tình yêu của họ mới chính thức ra đời.

Ông Tư kể, chuyển bụng ngay đêm 30 tết, bà kiên cường lắm, vào giữa khu quân y, tự giăng màn rồi sinh nở. Ông ngồi ngoài, nhìn vào bên trong mà lòng như lửa đốt. Hàng nghìn ánh mắt đồng đội dõi theo, động viên.

Đúng ngay thời khắc giao thừa, tiếng khóc oe oe của đứa trẻ vang lên phá tan bầu không khí hồi hộp, lo âu. Niềm vui tràn ngập khắp doanh trại.

Những anh lính trẻ chen nhau xem mặt đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn và trao gửi những lời chúc tốt đẹp. Và trong giây phút hạnh phúc, bồi hồi ấy, ông Tư quyết định đặt cho đứa con gái là Trần Thị Xuân.

“Xuân” ở đây không chỉ gợi nhớ thời khắc ra đời đặc biệt, mà còn là niềm mong mỏi của chúng tôi, của đồng đội về tiếng bom đạn sớm lùi xa và những điều ấm áp, yên bình sẽ đến với con trẻ, với quê hương” – ông Tư tâm sự.

Bà Dũng chia sẻ, ở Tây Bắc những năm tháng ấy, rất nhiều anh bộ đội và cô thanh niên xung phong đã kết đôi và trải qua tháng ngày đáng nhớ dưới mái ấm quân doanh. Tình yêu nhỏ đã hòa vào trong tình yêu lớn dành cho Tổ quốc, để họ thêm chắc tay súng, cùng bảo vệ thành quả cách mạng.

Xúc động giây phút gặp lại đồng đội

Hơn 300 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tiêu biểu, là những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vừa có dịp lại gặp nhau tại Hà Nội, trong một chương trình do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức.

Những bước chân chậm rãi cùng các đồng đội vào thăm lăng Bác, ông Trần Ngọc Quế (94 tuổi, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những ngày tiếp quản thủ đô, đón Bác Hồ từ chiến trường Điện Biên trở về.

Sau 70 năm, mọi thứ nơi đây đã nhiều thay đổi. Những hàng cây mới ngày nào Bác trồng chỉ có vài chồi xanh, nay đã cao lớn, tỏa bóng mát, như những anh chiến sĩ Điện Biên, chẳng còn độ tuổi xuân xanh, họ đã trở thành những cụ ông tóc bạc, lưng còng.

Có những tiếc nuối đọng lại, khi nhiều đồng đội đã không còn… Và rất nhiều người cũng đã không đủ sức khỏe để trở lại thủ đô lần này. Những người may mắn hạnh ngộ đã không kìm được giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm ấm tình đồng đội…

“Sức khỏe đã giảm sút nhưng nhận được giấy mời, lòng tôi rộn ràng khó tả, đợi chờ từng ngày. Chắc chắn sẽ không còn nhiều cơ hội như thế này. Giờ phút được gặp lại đồng đội, ôn lại những buồn vui trong suốt 56 ngày cam go, ác liệt nơi chiến trường Điện Biên, cảm giác xúc động khôn xiết” - ông Quế chia sẻ.

Ngày gặp mặt ở thủ đô, các chiến sĩ năm xưa cùng nhau thăm Bác, cùng xem những thước phim lịch sử, cùng gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chia sẻ những câu chuyện với thế hệ trẻ.

Đó sẽ là kỷ niệm khó quên, trở thành động lực để những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong luôn sống vui, khỏe và tiếp tục là tấm gương sáng trong gia đình, cộng đồng.

HỒ QUÂN