Theo gương Bác

Hướng đến kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024):Nhớ lời Bác dạy trước lúc về Nam

HỒ QUÂN 03/05/2024 10:00

Được gặp gỡ, trò chuyện và được Bác dạy những điều hay là kỷ niệm khó quên và trở thành kim chỉ nam trong hành trình rèn luyện, cống hiến của cựu chiến binh Trần Ngọc Quế.

anh-3.jpg
Ông Trần Ngọc Quế (94 tuổi, thôn An Lâu, xã Tam Lãnh, Phú Ninh). Ảnh: H.Q

Trong loạt bài “Ký ức Điện Biên” Báo Quảng Nam vừa đăng tải nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chúng tôi có đề cập đến nhân vật Trần Ngọc Quế (94 tuổi, thôn An Lâu, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) - chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 19 (Trung đoàn 108, Liên khu V) được điều động ra miền Bắc chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Lần trò chuyện với ông, chúng tôi còn được nghe kể về những ngày tháng ông cận kề Bác Hồ và được Bác khuyên dạy nhiều điều.

Vẹn nguyên kỷ niệm những lần gần Bác

Ông Quế nhớ lại, tháng 10/1954, sau gần 5 tháng ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 19 được tin tưởng giao nhiệm vụ trở lại Hà Nội cùng tham gia tiếp quản Thủ đô; dẹp yên các đối tượng, thành phần xấu trong xã hội, đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời tham gia dọn dẹp Dinh toàn quyền Đông Dương của Pháp (Phủ Chủ tịch ngày nay) để làm trụ sở làm việc của Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Năm 1955, Bác từ Tây Bắc trở về Hà Nội trong sự chào đón của đông đảo cán bộ và người dân. Lúc bấy giờ anh lính trẻ Trần Ngọc Quế làm nhiệm vụ giữ an ninh dưới lòng đường, cố đưa mắt nhìn về phía đoàn xe, để có thể trông thấy rõ Bác hơn. Hình ảnh Bác hôm ấy hệt như điều ông Quế từng nghe kể - một vị lãnh tụ ăn mặc giản dị, nụ cười hiền từ, vẫy tay đáp lại tình cảm của mọi người.

“Bác về làm việc trong Phủ Chủ tịch, chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh ở khu vực này. Trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi học tập rất nhiều điều hay từ Bác. Đầu tiên là tác phong làm việc của Bác rất nghiêm túc, giờ nào việc nấy. Ngay cả chị ruột của Bác từ Nghệ An ra thăm sau rất nhiều năm xa cách nhưng Bác chỉ thu xếp gặp mặt sau giờ làm việc. Noi gương Bác, chúng tôi tập trung vào công việc, không chút lơ là” - ông Quế kể.

anh-1.jpg
Ông Trần Ngọc Quế tham dự chương trình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo lời ông Quế, Bác luôn gần gũi, thường xuyên thăm hỏi, động viên những cán bộ, chiến sĩ làm việc bên mình. Một kỷ niệm ông Quế nhớ mãi là trong một lần đang làm việc, Bác thấy anh chiến sĩ Trần Ngọc Quế mồ hôi nhễ nhại thì gọi lại thăm hỏi tên tuổi, quê quán. Ông Quế thưa: “Cháu tên Trần Xuân Kỳ (bí danh - tên đảng viên), quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam”.

Bác hỏi: “Sao cháu không lấy tên Tam Kỳ?”.

Ông Quế thưa: “Dạ, “Xuân” là bí danh của bố cháu, cũng là đảng viên và tham gia cách mạng trước năm 1930. Cháu muốn noi theo bố, luôn phụng sự cách mạng”.

Bác hài lòng, mỉm cười, động viên ông Quế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, trở thành chiến sĩ kiên trung, giỏi giang. Từ hôm ấy, Bác nhớ tên và có việc cần vẫn thường gọi “Xuân Kỳ” vào dặn dò…

Năm 1956, đồng bào miền Nam gửi ra tặng Phủ Chủ tịch một cây vú sữa, Bác giao nhiệm vụ trồng cây cho ông Quế và các chiến sĩ bảo vệ. Mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc, Bác lại ra chăm sóc, tưới cây. Một hôm, lúc Bác đang chăm cây có chiếc lá rụng xuống nền, Bác nhặt lên, vuốt ra thật thẳng, xếp ngay ngắn. Mắt Bác cứ nhìn xa xăm. Thắc mắc trong lòng nhưng ông Quế chỉ dám hỏi Thư ký của Bác là Vũ Kỳ.

Theo lời đồng chí Vũ Kỳ, Bác gọi những chiếc là ấy là “những đứa con miền Nam rời vú mẹ, lên đường làm nhiệm vụ”. Lòng Bác những năm tháng ấy chưa yên khi hai miền vẫn chia cắt, đồng bào miền Nam ngày đêm anh dũng chiến đấu với kẻ thù. Nghe đến đó, ông Quế cảm phục tấm lòng của Bác luôn lo và nghĩ cho nhân dân.

bai-4.jpg
Chuyến thăm Lăng Bác gợi nhớ nhiều kỷ niệm trong lòng ông Trần Ngọc Quế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ghi nhớ lời Bác dạy

Năm 1960, Tiểu đoàn 19 được điều động trở về miền Nam. Ông Quế nhớ lại, trước ngày về Nam, Bác có buổi gặp mặt, động viên và chia tay các chiến sĩ. Ông Quế ngồi hàng ghế sau cùng thì được đồng chí Tạ Đình Đề (cận vệ của Bác) gọi lên để Bác dặn dò. Chiến sĩ Trần Ngọc Quế vội vàng chạy lên, nghiêm trang chào Bác. Từ trên bục, Bác đi xuống phía dưới vỗ vai hỏi: “Cháu còn nhớ lời Bác dặn không?”

Ông Quế thưa: “Điều Bác dạy, cháu đều nhớ hết!”.

Bác bảo: “Cháu phải luôn ghi nhớ bài học về đầu - tai - mắt - miệng và tấm lòng. Đầu của cháu mang chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. Tai của cháu dùng để nghe nhân dân, đồng chí, đồng đội nói. Miệng của cháu là trả lời những điều nhân dân, đồng chí, đồng đội thắc mắc. Mắt phải nhìn xa, trông rộng. Và tấm lòng phải luôn trong sáng”.

Chiến sĩ Trần Ngọc Quế gật đầu vâng lời, hứa ghi nhớ thật kỹ lời Bác. Sau đó Bác dặn dò toàn đơn vị: “Mai các cháu về Nam, trên đường đi đừng làm mất chiếc lá nào của dân”. Thoạt đầu, ông Quế giật mình, có chút lo lắng nhưng rồi ngầm hiểu, ý Bác muốn nhắc Tiểu đoàn 19 tuyệt đối không lấy của dân bất cứ thứ gì!

Về Nam, ông Quế được điều động làm việc tại Cục Chính trị Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam đóng tại Bến Tre (1960). Sau đó trở về Quân khu 5 làm Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 1; Chính trị viên Đại đội 14 (đóng tại Nam Tam Kỳ - Núi Thành ngày nay) từ năm 1961 - 1975. Sau năm 1975, ông Quế được phân công làm nhiệm vụ giáo dục tù binh tại Tổng trại 2 (đóng tại Tam Lãnh, Phú Ninh) và dạy chính trị, làm công tác tư tưởng cho các địa phương ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến năm 1980, ông Quế về hưu.

Ông Quế nói, trong suốt hành trình phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, bản thân luôn lấy lời Bác dạy để làm kim chỉ nam cho mọi hành động và lấy đạo đức cách mạng làm gốc. Ông không ngại khó, ngại khổ, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Những bài học về “Đầu - tai - mắt - miệng và tấm lòng” của Bác dặn dò ở Thủ đô năm ấy, ông Quế cũng chia sẻ lại cho nhiều người.

Cách đây vài ngày, ông Quế “khoe” với tôi về chuyến trở lại Lăng Bác trong một sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Trung ương Hội Cựu chiến binh tổ chức. Hôm nay, mọi thứ đã nhiều đổi khác, nhưng hình bóng của Bác và những điều Bác dặn dò vẫn sáng mãi trong lòng anh chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

HỒ QUÂN