Môi trường

"Quả ngọt" từ bảo tồn sinh quyển Cù Lao Chàm

QUỐC TUẤN 24/05/2024 09:00

Chặng đường 15 năm từ khi được công nhận là khu sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm - Hội An bền bỉ thiết lập nhiều nền tảng để trở thành một trong các khu sinh quyển thế giới kiểu mẫu của nước ta.

bf70caf3-771b-48ed-a5ac-03ac442e847c.jpeg
Một góc vùng lõi Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: Q.T

Những dấu ấn

Cột mốc nổi bật nhất trong thành tựu bảo vệ môi trường của khu sinh quyển sau 15 năm vận hành là việc TP.Hội An đã xây dựng và áp dụng khá hiệu quả “Đề án bảo vệ môi trường TP.Hội An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030”.

Trong đó, các mục tiêu đều hướng tới việc bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ 7 tiêu chí của khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) được UNESCO công nhận nói riêng và hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch...

Trong khi đó, thành tựu quan trọng nhất trên lĩnh vực thể chế, cơ chế, chính sách là kịp thời điều chỉnh quy hoạch phát triển các tiểu vùng, phù hợp với bối cảnh của TP.Hội An theo từng giai đoạn của sự phát triển.

img_20231209_100710.jpg
Đa dạng sinh học dưới đáy biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T

Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Phó Trưởng ban Thường trực KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, sự thay đổi từ 5 tiểu vùng thành 3 tiểu vùng, khá tương thích với 3 phân vùng chức năng của KDTSQ.

Qua đó thể hiện được sự thay đổi về tiếp cận, tư duy hệ thống để hoạch định sự phát triển của TP.Hội An dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy tối đa các giá trị của khu sinh quyển cũng như các giá trị di sản khác của thành phố.

Một thành tựu khác khiến khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An nhận được đánh giá rất cao từ các bên là nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ trong bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ giai đoạn 2022 đến nay, ngày càng có nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh không chỉ ở Hội An trao tặng, bàn giao các loài hoang dã, quý hiếm như rùa biển, rùa cạn, tê tê, trăn, khỉ... cho khu bảo tồn và các cơ quan chuyên môn thuần dưỡng và thả về tự nhiên.

Theo đánh giá của cá nhân tôi cũng như của Chương trình con người và sinh quyển (MAB) thì Cù Lao Chàm - Hội An là KDTSQ thế giới hoạt động rất tích cực trong mạng lưới khu sinh quyển toàn cầu. Cù Lao Chàm - Hội An là KDTSQ đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới chuyên đề các khu sinh quyển ven biển, hải đảo và là một trong 2 khu sinh quyển trên cả nước có thực hiện ký kết hợp tác với nhau cùng với KDTSQ thế giới Đồng Nai. Các kết quả đạt được của KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An dưới sự quản lý của UBND TP.Hội An trong chặng đường 15 năm qua là rất ấn tượng và tạo được tiếng vang với cộng đồng quốc tế.

Bà Vũ Thục Hiền - Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam

Giữ “lá phổi xanh” cho tương lai

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được phê duyệt cũng đề cập bài toán quan trọng nhất là hài hòa giữa phát triển với bảo tồn.

Do đó, giữa KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và đô thị Hội An có sự tương tác rất lớn, chỉ khi “sức khỏe” của khu sinh quyển thế giới này ổn định thì giá trị của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An mới trường tồn, nhất là trong bối cảnh thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng lớn như hiện nay.

Thả rùa con về biển ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T
Thả rùa con về biển ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.T

Báo cáo kết quả giám sát san hô, thảm cỏ biển của khu sinh quyển với sự tư vấn của Viện Hải dương học qua các năm 2008, 2014, 2017 và gần đây nhất là 2024 cho thấy san hô bị tẩy trắng và bị sao biển gai ăn rất nhiều. San hô là chỉ dấu cho sức khỏe của hệ sinh thái biển nên rất cần các giải pháp đồng bộ phục hồi trong tương lai.

Ngoài chuyển động của tự nhiên thì công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên giữa các đơn vị liên quan cần có sự kết nối chặt chẽ để hài hòa lợi ích, giảm thiểu tối đa các bất cập làm tổn thương khu sinh quyển.

Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, quần đảo Cù Lao Chàm được ghi nhận có tính đa dạng sinh học cao và liên kết chặt chẽ từ rừng xuống biển. Tuy nhiên, sự liên kết này đang có nguy cơ bị phá vỡ bởi các con đường, công trình bao quanh đảo.

Sau 15 năm được công nhận là KDTSQ thế giới, vùng lõi khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An đã đón gần 3,5 triệu lượt khách, nguồn thu cho ngân sách từ phí tham quan vùng lõi khu sinh quyển đạt hơn 150 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả giám sát san hô, thảm cỏ biển của khu sinh quyển cho thấy san hô bị tẩy trắng và bị sao biển gai ăn rất nhiều. Ảnh: Q.T
Báo cáo kết quả giám sát san hô, thảm cỏ biển của khu sinh quyển cho thấy san hô bị tẩy trắng và bị sao biển gai ăn rất nhiều. Ảnh: Q.T

“Vùng sinh cư của các loài bị phân cắt, đường di cư sinh sản và cả chu kỳ vòng đời của chúng cũng bị ảnh hưởng. Tại vùng cửa sông, nơi các bãi đẻ và ươm giống của nhiều loài thủy sản cũng đang chịu sức ép rất lớn từ việc đầu tư nhiều công trình và hệ thống đường dẫn vắt ngang qua trung tâm rừng dừa Bảy Mẫu...

Thực tế này đã làm mất đi giá trị cảnh quan sinh thái, tính hoang sơ, mất các bãi giống tự nhiên, ảnh hưởng đến dòng chảy, khả năng kiểm soát chất lượng môi trường của rừng dừa và các hệ sinh thái vùng cửa sông, ven biển.

dji_0085.jpeg
Tại vùng cửa sông, nơi các bãi đẻ và ươm giống của nhiều loài thủy sản cũng đang chịu sức ép lớn từ việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Q.T

Đây cũng là nguy cơ cắt đứt mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể giữa các vùng chức năng trong khu sinh quyển và cả lưu vực sông cũng như vùng bờ ven biển duyên hải miền Trung” - ông Thảo nói.

Theo các chuyên gia, ở giai đoạn tiếp theo trước khi có báo cáo định kỳ 20 năm cho UNESCO vào năm 2029 thì KDTSQ thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và TP.Hội An cần nhanh chóng thực hiện các nghiên cứu, đánh giá và quy hoạch quản lý sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên khu vực này hiệu quả hơn.

Trong đó, chú trọng quy hoạch và phát triển mạng lưới các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển tỉnh Quảng Nam trong sự kết nối với đường bờ và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, trong đó khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An cần được xác định là trung tâm của sự liên kết.

QUỐC TUẤN