Chuyện ông Nga học Bác
“Ông Nga trưởng thôn”, “ông Nga bãi tắm”, “ông Nga quản trang”… là cách người dân địa phương yêu quý và đặt cho ông Nguyễn Tấn Nga (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ). Lúc nào, người đàn ông này cũng tất bật với những chuyện vì cộng đồng.
Thấm nhuần lời Bác dạy
Khi ai đó đề cập đến chuyện học Bác, ông Nga như lột bỏ hình ảnh trầm tính, nghiêm túc thường ngày, trở nên sôi nổi hẳn. Từ bản Tuyên ngôn độc lập cho đến Di chúc của Bác và những lời Bác dạy, ông Nga đều thuộc làu. Đọc lên, từng câu, từng chữ vanh vách. Với ông, tiếp cận “di sản” của Bác để lại, là cơ duyên và cũng là điều đúng đắn nhất đời mình.
Ông Nga kể, năm 23 tuổi, ông được nhà nước tạo điều kiện sang Liên Xô lao động, học tập kinh nghiệm sản xuất. Tháng 7/1987, khi vừa đặt chân đến thủ đô Mátxcơva, đập vào mắt ông là hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo dòng chữ Việt Nam anh hùng được trưng bày khắp ký túc xá. Nhiều người dân nước Nga anh em còn nhiệt tình ra đón các thanh niên Việt Nam đến học tập, làm việc. Cảm giác bất ngờ, đan xen nhiều suy tư bỗng nảy lên trong đầu ông Nga.
“Lúc đó, tôi tự đặt ra câu hỏi là tại sao ở tận nước Nga xa xôi, những người bạn tóc vàng, da trắng nhưng lại kính trọng Bác Hồ và dành tình cảm cho người Việt Nam. Hẳn ở Bác có điều gì rất đặc biệt mới để lại những ấn tượng sâu sắc đến thế. Với một công dân Việt Nam, chưa nghiên cứu và chưa hiểu rõ về Bác là thiếu sót lớn…” – ông Nga tâm sự.
Sau những giờ lao động trên công xưởng, ông Nga dành thời gian đến thư viện trong ký túc xá để tìm kiếm những cuốn sách viết về Bác. Song, những đầu sách tiếng Việt rất hiếm. Nếu có thì rất khô khan, không phù hợp. Thế nên, ông gác lại sự tò mò của mình và đặt ra mục tiêu sẽ thực hiện khi về nước…
Trong cuộc sống và công việc hôm nay, từng lời Bác dạy như thể Người sát bên, cầm tay chỉ việc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân. Là một người dân, tôi tâm đắc nhất là điều: “Việc gì, dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to”. Học và làm theo Bác, tôi đặt quyết tâm mỗi ngày phải làm một việc tốt, có lợi cho dân, cho nước.
Ông Nguyễn Tấn Nga – xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ
Sau 6 năm lao động xa xứ, ông Nga trở về nước vào năm 1993. Giữa bao bộn bề mưu sinh, khao khát tìm đến tư tưởng của Bác vẫn ngày ngày nung nấu trong lòng người đàn ông này. Một người bạn ở TP.Hồ Chí Minh nghe được câu chuyện của ông Nga đã tặng một cuốn sách có tựa đề: “Những bài thi chung khảo toàn quốc kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Lần dở những trang đầu tiên, ông Nga hớn hở vì đã tìm thấy “ánh sáng” của đời mình.
Những ngày tháng sau đó, ông đắm mình vào từng trang sách, từng câu chuyện. Thoạt đầu vẫn có chút mơ hồ, song đối chiếu thực tiễn thì vẫn vẹn nguyên giá trị, dù có những câu nói đã trải qua hàng chục lịch sử. Cảm phục tài đức của Bác, ông Nga đọc tới, đọc lui đến nỗi… thuộc không sót một chữ, dù cuốn sách dày cả nghìn trang.
Không ngại việc khó
Ông Nga bắt đầu học Bác bằng việc làm tốt nhiệm vụ của mình. Ông kể, năm 1999, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Thượng Thanh (hiện nay là thôn Hòa Thượng) sau khi ông cùng lực lượng dân quân của xã căng mình giữa cơn đại hồng thủy năm 1999, cứu vớt thóc lúa, mắm muối, heo gà cho bà con xã biển Tam Thanh. Trên cương vị mới, ông Nga nhận thức sự tín nhiệm đi đôi với trách nhiệm trên vai.
“Bác đã dạy “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Do đó, điều đầu tiên tôi phải làm là gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tiên phong trong mọi hoạt động địa phương.
Song song với đó là rèn luyện đạo đức, tác phong nghiêm chỉnh, hăng hái trong công việc. Khi mình làm gương thì mới đủ uy tín để thuyết phục người dân làm theo” - ông Nga chia sẻ.
Bất kỳ chuyện to hay nhỏ, khi chính quyền địa phương giao nhiệm vụ về thôn, ông Nga luôn vào việc bằng trách nhiệm cao nhất. Ông nhớ lại, tuyến đường Thanh niên ven biển những năm 2000 vẫn là đường đất đỏ, nhỏ hẹp, hiu vắng.
Sau đó vài năm được lên cấp phối, song mỗi năm phải vá ổ voi, ổ gà không biết bao nhiêu lần. Khi Nhà nước có chủ trương đầu tư làm đường nhựa, gia đình ông là một trong những hộ tiên phong hiến đất.
Sau đó ông Nga đến từng nhà, nói cho người dân hiểu được lợi ích lâu dài của việc mở đường. Từ trường hợp dễ đến khó, ông Nga đều thuyết phục thành công. Tuyến thanh niên được mở rộng, thảm nhựa sau đó vài năm, mang đến niềm phấn khởi cho nhân dân địa phương.
Là trưởng thôn, làm việc gì tôi cũng chú trọng đến lợi ích của người dân, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý hay. Chẳng hạn, xây dựng nông thôn mới thì tuyên truyền người dân hiểu những quyền lợi sẽ được thụ hưởng. Xảy ra tranh chấp trong làng thì kiên trì vận động, hòa giải hợp lý để đôi bên cùng nhìn nhận sự việc và thấu hiểu… Khi người dân đồng thuận thì mọi việc mới xong.
Ông Nguyễn Tấn Nga – xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ
Thêm một “cái khó” khác mà Tam Thanh từng đối mặt là vấn đề môi trường biển và trong các khu dân cư. Ông Nga từng phát biểu trong một hội nghị của xã, là làm môi trường không khó, thậm chí không tốn tiền, chỉ cần mỗi người dân nâng cao ý thức, gìn giữ vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi. Cán bộ, đảng viên noi gương để nhân dân cùng thực hiện…
Ý kiến của ông Nga được chính quyền và người dân ủng hộ. Và ngay sau hội nghị, đã có những buổi ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường của cán bộ xã, thôn; nối tiếp đó là người dân. Dần dà hình thành nếp sống văn hóa của người dân xã biển này.
Tận tụy và đầy trách nhiệm, uy tín của ông Nga ở thôn ngày càng nâng lên. Đến sau năm 2019, dù không còn giữ chức vụ trưởng thôn, song nhiều người dân ở Tam Thanh vẫn quen gọi “Ông Nga trưởng thôn”.
Trách nhiệm với cộng đồng
Những năm qua, ông Nga xung phong nhận nhiệm vụ quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Thanh. Có những thời điểm, ngân sách địa phương hạn hẹp, không thể bố trí kinh phí hỗ trợ cho người quản trang nhưng ông vẫn gắn bó với công việc này.
Cây cối trong khuôn viên ngày thêm xanh tốt, những phần mộ được chăm sóc, vun vén kỹ lưỡng… Với ông, nét mặt hài lòng của thân nhân khi đến viếng hương liệt sĩ là điều hạnh phúc nhất.
[VIDEO] - Ông Nga nói về nhiệm vụ quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ xã
Ban ngày tôi đi làm hồ tôm, còn tối, sáng sớm hoặc những giờ nhàn rỗi thì ra nghĩa trang làm việc. Nhiều người thắc mắc sao việc không lương tôi vẫn làm… Nhưng tôi chỉ nghĩ, bao thế hệ cha anh đã đổ máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc, mà hôm nay mình chỉ đổ tí mồ hôi nhổ cỏ, chăm cây chẳng thấm là ba.
Ông Nguyễn Tấn Nga – xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ
Nghe ông Nga vạch ra lịch trình công việc một ngày, tôi thấy gần như kín bưng. Sáng sớm và chiều tối, ông còn đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Ban quản lý bãi tắm Tam Thanh. Ở vai trò nào, ông Nga vẫn luôn trách nhiệm và gương mẫu. Ông nói, sáng sớm thì 4 giờ có mặt ở biển, buổi chiều thì 15 giờ. Lực lượng quản lý phải có mặt trước khi người dân tắm biển, vì mạng người không thể rút kinh nghiệm.
[VIDEO] - Ông Nga lặng lẽ dọn rác trên bãi biển Tam Thanh mỗi ngày
Nhiệm vụ của ông là chịu trách nhiệm chung về an ninh trật tự, an toàn ở bãi tắm. Ông Nga thường xuyên nhắc nhở người tắm biển về tình hình thời tiết, khu vực được phép vui chơi, tắm biển; hướng dẫn người kinh doanh buôn bán có nền nếp, trật tự. Rảnh ra thì đi nhặt rác ở bãi biển. Đôi lần, ông mặc sóng to, gió lớn, lao ra giữa biển cứu người không may gặp nạn.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh cho biết: “Là một quần chúng nhưng ông Nga luôn nêu cao tinh thần học và làm theo Bác, không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động, việc làm cụ thể gắn với công việc thường ngày. Với bất kỳ nhiệm vụ nào được địa phương giao, từ Ban quản lý bãi tắm Tam Thanh đến công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ xã và trước đó làm Trưởng thôn, ông Nga đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc. Ngay cả việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ dù chế độ không nhiều, có lúc không có, ông Nga vẫn sẵn sàng làm. Điều này thật trân quý!”
“Tôi nhớ mãi dấu mốc ngày 19/11/2021. Hôm ấy biển động, một cô gái đang tắm thì bị sóng cuốn ra xa. Tôi lúc ấy chẳng nghĩ ngợi gì, lao ra biển cùng lực lượng cứu hộ đưa người gặp nạn vào bờ. Từ sự việc này, tôi càng trách nhiệm hơn trong việc đưa ra những cảnh báo, nhắc nhở, tránh những trường hợp tương tự xảy ra” - ông Nga nói.
Thực hiện: HỒ QUÂN – MỸ LINH
Trình bày: MINH TẠO
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí "Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam"