Dòng chảy âm nhạc tại Hội An
Dòng chảy tân nhạc tại Hội An trải dài hơn 80 năm, bắt đầu từ lúc Hội Ái hữu âm nhạc FaiFoo (Societe philharmonique de FaiFoo) được thành lập tại Hội An do nhạc sĩ La Hối khởi xướng vào năm 1942. Kể từ đó, các thế hệ người Hội An yêu âm nhạc luôn tạo điều kiện truyền bá kiến thức tân nhạc, khích lệ tinh thần cho những thế hệ sau.
Từ không gian văn nghệ gia đình
Thời trước ở Hội An, những gia đình yêu âm nhạc, có điều kiện kinh tế như gia đình Huỳnh Sau, Vĩnh Lợi, La Gia Quảng… thường sắm nhạc cụ để sẵn trong nhà. Cuối tuần, họ mời bạn bè đến cùng chơi nên thường gọi là “văn nghệ gia đình”.
Nửa đầu những năm 1960, những người trẻ yêu âm nhạc tại đây thành lập nhóm Du Ca Áo Nâu dành cho giới thanh niên trung học do Châu Văn Hội, Huỳnh Ngọc Châu, Tống Văn Huy… khởi xướng.
Nhờ cách chơi đầy chất nghệ sĩ từ trang phục cho đến biểu diễn nên nhóm Du Ca Áo Nâu đã tạo được ấn tượng đáng kể trong phong trào này tại đại hội Du Ca toàn quốc (miền Nam) - 1971 và trại hè Vũng Tàu - 1972.
Tại những chương trình văn nghệ này, giọng ca Mỹ Hiệp nhận được sự khen ngợi, khuyến khích của giới chuyên nghiệp như nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Diễm Chi khi biểu diễn các tiết mục đơn ca.
Số phận đã không đưa Mỹ Hiệp chính thức trở thành ca sĩ, nhưng hơn nửa thế kỷ sau, chị vẫn giữ được nội lực của mình trong các chương trình văn nghệ như một ca sĩ chuyên nghiệp.
Những hoạt động này đã tạo nên một dòng chảy ngầm cho âm nhạc tại Hội An. Bên cạnh sáng tác và biểu diễn, nhiều người có khuynh hướng muốn xây dựng nền tảng âm nhạc cho các thế hệ tiếp nối.
Nổi bật nhất là ban nhạc Tuổi Thơ dành cho lứa tuổi tiểu học, do Lê Khuê, Thái Tú Hòa, Trầm Bồi Văn, Lý Tuyết Ánh thành lập và điều hành. Ban nhạc Tuổi Thơ gần như tập trung hầu hết thành viên có năng khiếu từ các gia đình có truyền thống âm nhạc thời bấy giờ.
Ngoài những tiết mục múa hát, ban nhạc Tuổi Thơ còn được thế hệ đàn anh luyện tập phân bè để hát hợp xướng những ca khúc nổi tiếng đương thời, có thể cho rằng đây là ban hợp xướng thanh thiếu niên đầu tiên của Hội An. Những thành viên trụ cột của nhóm Tuổi Thơ ngày đó đã trở thành quả ngọt cho phong trào văn nghệ tại Hội An những năm 1980.
…đến quán âm nhạc
Bên cạnh không gian văn nghệ gia đình, dòng chảy âm nhạc tại Hội An được nuôi dưỡng qua các quán cà phê âm nhạc. Trước năm 1975, có thể kể đến những cái tên cà phê Bố Già hay cà phê Nghệ Sĩ của nhạc sĩ La Xuân.
Mãi đến gần cuối thập niên 1990, cà phê Gạch Đỏ của ông Triệu Quốc Hưng là nơi đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện mô hình “không gian âm nhạc” theo kiểu phòng trà, nhưng thay vì chỉ có những ca sĩ biểu diễn, nơi đây còn dành thời lượng chương trình cho khách hàng giao lưu ca hát với nhau.
Không gian này cũng là nơi tập trung những tay đàn, giọng hát có tiếng của một thời như cặp vợ chồng Hồ Đình - Linh Phương, Mỹ Hiệp, Tịnh Quyên với ban nhạc Lý Hùng, Lý Dũng, Trần Ngọc Phước.
Lý Hùng, Lý Dũng con của tay trống Lý Khoa Hàn là những nghệ sĩ được biết tiếng từ lúc còn nhỏ tuổi. Khi hai anh em vừa tròn 13 tuổi, cùng với tay piano trẻ La Vĩnh Hoàng, họ chơi nhạc trong đoàn Thiếu niên Tiền phong Hội An đi dự thi tại Hà Nội. Năm đó họ đã mang về một giải A cho đoàn Hội An. Từ đó, cả ba nghệ sĩ này thành lập ban nhạc FaiFoo hoạt động cho đến bây giờ.
Tiếp nối hoạt động của cà phê Gạch Đỏ là Cung Trầm Phố. Chủ nhân của không gian này là Mỹ Phương. Từ năm 8 tuổi chị đã tham gia ban nhạc Tuổi Thơ. Đầu thập niên 1970 trong một cuộc thi “Giọng hát Thiếu nhi” Mỹ Phương giành được giải nhì.
Sau đó chị có mặt gần như hầu hết chương trình văn nghệ tại địa phương và đi dự thi toàn quốc. Chị đã góp phần không nhỏ vào những chiếc huy chương văn nghệ của Hội An. Đồng thời chị đã xây dựng nhiều chương trình biểu diễn Hoa Phượng Đỏ cho thiếu nhi Hội An đi dự thi hàng năm.
Chị Mỹ Phương chia sẻ: “Năm 1990, tôi gia nhập đoàn Ca múa Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi trở về gia nhập đoàn văn nghệ FoCo Hội An và tham gia các chương trình của đoàn Mành trúc Hội An. Thi giọng ca vàng Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi may mắn đoạt được giải A.
Sau này, khi lớn tuổi tôi lại muốn tìm về khoảng thời gian tham gia ban Tuổi Thơ, nên khi có chương trình “Hoa Phượng Đỏ” dành cho lứa tuổi thiếu niên, tôi lại cùng bố Hoàng Tú Mỹ hướng dẫn, biên đạo múa cho các cháu, cũng đoạt được nhiều giải thưởng cao cho Hội An. Bây giờ, dù đang sống với con trai ở Đà Nẵng, nhưng hằng tuần tôi vẫn chạy về Hội An để tham gia ban nhạc Cung Đàn Xưa cho thỏa đam mê”.
Còn rất nhiều quán âm nhạc không thể kể hết ở phố Hội, như Quê Nhà, DoReMi… được mở ra và duy trì trong thời gian dài. Nơi đó mỗi ngày những lời ca, giai điệu vẫn thắp lên, để thêm yêu đời, yêu người.