Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng
(QNO) - Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biên tập, xuất bản rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu lý luận có giá trị để tuyên truyền có hiệu quả cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổng kết sâu sắc thực tiễn và tham gia xây dựng, phát triển lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Năm 1967, Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Đảng là nơi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được phân công và bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc của một cán bộ biên soạn tư liệu, tiếp đó là biên tập viên nghiên cứu và viết các bài về lý luận.
Dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đồng chí đã được tổ chức tín nhiệm cử đi học lớp nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc - nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Và sau đó được cử đi làm thực tập sinh và bảo vệ luận án phó tiến sĩ nay là tiến sĩ Khoa Xây dựng Đảng tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô - thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Đây là quãng thời gian đồng chí Nguyễn Phú Trọng có điều kiện tốt nhất để học tập, nghiên cứu bài bản, chuyên sâu, có tính hệ thống về chủ nghĩa Mác-Lênin, về chủ nghĩa xã hội, khoa học triết học, các quy luật kinh tế. Qua đó củng cố, bồi đắp nhận thức, niềm tin vững chắc về vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận chính trị cũng như sự gắn kết, biện chứng giữa lý luận và thực tiễn cách mạng.
Trở về nước, tiếp tục công tác tại Tạp chí Cộng sản và ở các cơ quan Trung ương, sau đó Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng vừa công tác nghiên cứu và viết bài trên Tạp chí Cộng sản, vừa tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ. Năm 1992 đồng chí đã được Hội đồng học hàm Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư và mười năm sau - năm 2002, đồng chí được phong hàm Giáo sư chuyên ngành Xây dựng đảng.
Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, lần lượt trải qua nhiều vị trí, chức vụ công tác và sau này trên cương vị Tổng biên tập, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí đã viết biên tập, xuất bản rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu lý luận có giá trị với những thể loại khác nhau để tuyên truyền có hiệu quả cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổng kết sâu sắc thực tiễn và tham gia xây dựng, phát triển lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong bối cảnh mới của thời đại, mục tiêu, con đường và chủ thuyết phát triển là vấn đề lớn đặt ra cho nhiều nước, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình hiện thực hóa học thuyết Mác-Lênin toàn quốc gia.
Song, một sự kiện chấn động toàn cầu làm thay đổi căn bản trật tự thế giới, đó là tháng 12/1991, Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã cùng với sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Đây thực sự là một đổ vỡ to lớn, sự tổn thất nặng nề đối với những người cộng sản và nhân loại tiến bộ.
Bằng bản lĩnh vững vàng, tư duy lý luận chính trị sắc bén và tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết hết sức kịp thời và sâu sắc về lý luận và thực tiễn với tựa đề "Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã" đăng trên Tạp chí Cộng sản tháng 4/1992.
Bài viết đã có tác động rất lớn đến nhận thức chính trị, tư tưởng trong Đảng và xã hội, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô, sự tan rã của Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, kịp thời củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần vào việc giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước khi mà Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã.
Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhớ lại: "Khi Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, lúc đó cũng có nhiều ý kiến cho là nên đổi tên Tạp chí Cộng sản trở về Tạp chí Học tập. Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đang là tổng biên tập nhấn mạnh một điều: dù thời thế có thay đổi thế nào đi chăng nữa, Tạp chí Cộng sản vẫn mãi mãi là Tạp chí Cộng sản".
Sau này, khi đã đảm nhiệm những vị trí quan trọng, chủ chốt trong Đảng, Nhà nước, dù nhiều công việc quan trọng, cấp thiết và vô cùng bận rộn nhưng ở cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành thời gian nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đồng thời đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển thành lý luận, góp phần hoàn thiện chủ trương, đường lối, tư duy lý luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các tác phẩm lý luận của đồng chí, tư duy chặt chẽ, tổng kết thực tiễn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, thể hiện bản lĩnh, quan điểm lập trường kiên định, nhất quán, tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ của người chiến sĩ cộng sản và tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo xuất sắc, đặc biệt là về công tác xây dựng Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình có tầm khái quát cao, tổng kết lý luận về đường lối đổi mới và những bài học kinh nghiệm, những vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Ông Jonathan Việt Lưu - một người Mỹ gốc Việt nói: “Khi tôi chia sẻ bài viết này với bạn bè của mình thì họ đều thấy rất tâm đắc. Bài viết cho chúng tôi hình dung một xã hội tốt đẹp sẽ như thế nào và cần phải làm gì để đạt đến điều đó. Dù chúng tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng chúng tôi đều thấy tự hào về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, về sự đồng lòng phấn đấu vì những khát vọng chung lớn lao của dân tộc mình".
Trong hầu hết tác phẩm lý luận, nghiên cứu về vấn đề con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn chỉ rõ và khẳng định những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và đó cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Ông Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, nguyên Trưởng ban Văn hóa tư tưởng trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nói: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những đồng chí lãnh đạo của Đảng, đã kết hợp một cách rất nhuần nhuyễn lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Trong quá trình làm việc, đồng chí đã gắn rất chặt lý luận với thực tiễn và bao giờ cũng lấy thực tiễn như là tiêu chuẩn của chân lý. Song lý luận là ngọn đèn dẫn đường cho cái cụ thể”.
Những vấn đề mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng tổng kết đã góp phần quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn xã hội trên, dưới, đồng lòng, dọc ngang, thông suốt, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cả cuộc đời hoạt động chính trị - xã hội đều gắn liền với công tác lý luận của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại di sản lớn về lý luận chính trị. Đồng chí đã công bố hàng trăm bài báo, bài viết nghiên cứu, xuất bản gần 30 cuốn sách...
Những thành tựu lý luận của đồng chí đã đóng góp to lớn trong xây dựng cơ sở khoa học - thực tiễn cho quá trình hoạch định đường lối, chủ trương xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, và sẽ còn có ý nghĩa lâu dài trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, của dân tộc.