Hồ sơ - Tư liệu

Tướng Hoàng Đan và hai lần vào Thượng Đức

VÂN TRÌNH 07/08/2024 09:31

Chiến thắng Thượng Đức vang dội 50 năm trước gắn liền với vai trò rất quan trọng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Quân đoàn 2. Hai lần có mặt kịp thời ở mặt trận Thượng Đức vào những thời điểm ác liệt nhất, ông tỏ rõ bản lĩnh chính trị và tài thao lược của một nhà cầm quân xuất sắc.

459-202407100750581.jpg
Thiếu tướng Hoàng Đan (ngoài cùng, bên trái) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ảnh tư liệu

Chấn chỉnh tư tưởng chủ quan

Sau những giờ đầu bị bất ngờ bởi chiến dịch Thượng Đức, địch bắt đầu tổ chức lại lực lượng, ra sức chống trả quyết liệt. Khu vực mục tiêu chính do Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 đảm nhận vẫn không tổ chức xung phong được, vì cả hai hướng đều chưa tạo được cửa mở vào cứ điểm.

Địch còn cho máy bay ở Đà Nẵng liên tục xuất kích chi viện cho quân đồn trú của chúng ở Thượng Đức. Bộ đội ta bị thương vong nhiều. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cũng bị thương, phải đưa về tuyến sau.

17 giờ ngày 31/7/1974, trước diễn biến phức tạp của trận đánh then chốt, chỉ huy Sư đoàn 304 lệnh cho Trung đoàn 66 tạm ngừng tiến công, chuyển sang giữ địa bàn đã chiếm được.

Lúc này, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan đang điều hành việc tập huấn chiến thuật cho cán bộ, được lệnh vào ngay mặt trận Thượng Đức.

Sau này, tướng Hoàng Đan kể lại: “Khi đến Thượng Đức, nghe báo cáo của Sư đoàn, chúng tôi nhanh chóng thống nhất là nguyên nhân chủ yếu do chủ quan, thể hiện ở tất cả các cấp. Trường hợp nhiệm vụ không nặng nhưng do chủ quan mà không hoàn thành…”.

Về phía pháo binh, do không biết cửa mở ở đâu nên pháo binh cứ bắn khắp cứ điểm, lại không biết quá trình vận động của bộ binh để tập trung chế áp pháo cối địch vào thời điểm cần thiết.

Đối với bộ binh, lẽ ra sau khi diệt 2 cứ điểm ngoại vi, cần có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ để 2 tiểu đoàn bộ binh vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công.

Trong khi đó, các tiểu đoàn này lại cứ thế xông vào định tiến công trong lúc tiến quân. Do không nghiên cứu kỹ khu vực xuất phát tiến công, chưa đưa phương tiện mở cửa vào đầy đủ và nhất là không tập trung chế áp pháo cối địch vào thời điểm này nên bộ đội bị thương vong ngay ở cửa mở.

Khuyết điểm chủ quan khinh địch nêu trên đã được Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan yêu cầu Sư đoàn 304 nghiêm túc rút kinh nghiệm. Để chỉ huy chặt chẽ trong từng bước tác chiến, đảm bảo chắc thắng, ông chỉ đạo tăng cường chỉ huy ở tất cả các khâu, chú trọng các đơn vị trực tiếp chiến đấu.

Theo đó, Hoàng Đan cùng Phó Tư lệnh Quân khu 5 Nguyễn Chánh và Chính ủy Sư đoàn 304 Trần Bình xuống trực tiếp nắm tình hình Trung đoàn 66. Phái viên Cục Tác chiến Phan Hàm, nguyên cán bộ chỉ huy pháo binh, xuống cạnh Chủ nhiệm pháo binh để giúp điều hành bắn.

Tham mưu trưởng Sư đoàn 304 Lê Đắc Long được cử xuống trực tiếp làm chỉ huy Trung đoàn 66. Phó Trung đoàn trưởng Nguyễn Sơn Văn xuống trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 8.

Tham mưu phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ xuống làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9. Chính sự chỉ đạo sâu sát của cấp trên đã củng cố thêm quyết tâm cho toàn đơn vị nên gần một tuần, bộ đội ta vẫn bám trụ trận địa, củng cố công sự tạo thế xen kẽ, vây ép địch.

Để phát huy uy lực của pháo binh, đặc biệt là bắn các mục tiêu kiên cố trong công sự, đồng thời làm cho tinh thần địch hoang mang và hỗ trợ tích cực cho bộ binh xung phong, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan yêu cầu Trung đoàn pháo binh 68 đưa pháo 85mm từ điểm cao 118 lên điểm cao 296 ngắm bắn trực tiếp ở cự ly 700m.
Vào 6 giờ sáng ngày 6/8, Sư đoàn 304 tiếp tục tiến công chi khu quận lỵ Thượng Đức đợt thứ 3.

Đúng 8 giờ 30 phút ngày 7/8, lá cờ cách mạng do Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay, báo tin vui: Chi khu quận lỵ Thượng Đức hoàn toàn giải phóng!

Mở đợt tập huấn cấp tốc về phòng ngự

Mất Thượng Đức là một đòn nặng cả về quân sự lẫn tâm lý đối với địch. Chính vì vậy, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định điều các lữ đoàn 1 và 3 của sư đoàn dù - lực lượng tổng trừ bị chiến lược - mở cuộc hành quân đánh chiếm lại Thượng Đức.

459-202407100750582.jpg
Điểm cao 1062 trên bản đồ quân sự của địch.

Trước việc địch điều động sư đoàn dù “vào cuộc”, Bộ Tổng tham mưu quân đội ta đã giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 phải giữ vững khu vực Thượng Đức mới giải phóng, đánh bại cuộc hành quân “tái chiếm Thượng Đức” của sư đoàn dù; tuyệt đối không được để thành tiền lệ là “quân dù đi đến đâu là giải tỏa được đến đó”.

Đối mặt với lực lượng tổng trừ bị chiến lược của địch, lực lượng của ta gặp rất nhiều khó khăn: Quân số hao hụt nhiều sau chiến dịch giải phóng Thượng Đức; đạn súng lớn phải tính từng viên trong ngày.

Bộ đội ngày đêm giữ chốt không chỉ đối phó với bom đạn mà còn phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt; mưa nhiều, hầm sụt lở từng mảng, trong hầm lúc nào cũng có nước và bùn ngập tới mắt cá chân.

Đường vận chuyển, tiếp tế luôn gặp ách tắc. Ăn uống thiếu thốn lại phải chiến đấu căng thẳng khiến sức khỏe của chiến sĩ ta giảm đi rõ rệt. Thêm vào đó, chiến thuật “lấn dũi” của địch tỏ ra có hiệu quả.

Một số chốt (như 700, 109, 383) của ta bị địch chiếm đã có ảnh hưởng đến tư tưởng và tinh thần chiến đấu của một số cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, quân dù đã áp sát điểm cao 1062, từ đó chúng quan sát được quận lỵ Thượng Đức vừa giải phóng và tuyên bố việc tái chiếm Thượng Đức trong tầm tay.

Trước tình thế rất nghiêm trọng này, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan một lần nữa nhận lệnh trở lại ngay mặt trận Thượng Đức. Cùng đi với ông có Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304), hai tiểu đoàn công binh và 4.000 viên đạn pháo cối.

Trong hồi ký của mình, ông cho biết: “Vào đến Sư đoàn nắm lại tình hình, việc đầu tiên tôi đề xuất với Bộ Chỉ huy Sư đoàn là phải tiến hành tập huấn về phòng ngự ngay cho cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn”.

Thực tế cho thấy, cán bộ Sư đoàn đã học tập và biết chỉ huy phòng ngự, thế nhưng cán bộ chỉ huy phân đội lại không biết nghệ thuật phòng ngự. Hoàng Đan chỉ đạo mở ngay 2 lớp tập huấn, mỗi lớp 3 ngày. Một hình mẫu trận địa được xây dựng ngay cạnh lớp học. Các cán bộ được tự do nêu ý kiến phân tích, tranh luận đến cùng.

Kết thúc 2 lớp học cấp tốc này, Hoàng Đan nhấn mạnh: “Với hệ thống chốt được xây dựng thành nhiều tuyến, cho dù địch cứ 3 ngày lấn chiếm được một chốt của ta thì cũng phải mất 3 tháng địch mới mò tới Thượng Đức. Ba tháng nữa là đã đến mùa khô, tình hình lúc đó lại đã khác rồi”.

Nhờ tổ chức tập huấn và xây dựng trận địa làm mẫu, nội dung huấn luyện sát với thực tế đòi hỏi nên hiệu quả mang lại rất cao: Tất cả cán bộ đều biết cách xây dựng trận địa, biết cách đánh và tin tưởng ở cách đánh.

Đặc biệt, ngày 28/10/1974, Sư đoàn 304 tổ chức một trận phản kích, chiếm lại toàn bộ điểm cao 1062. Cuối năm 1974, qua 4 tháng bị giam chân ở chiến trường rừng núi, sư đoàn dù đã bị đánh quỵ và phải rút khỏi mặt trận Thượng Đức. Uy danh của những “thiên thần mũ đỏ” đã bị chôn vùi hoàn toàn.

“Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy.

Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân lịch sử năm 1975” - cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công từng khẳng định.

T.C-N.Đ

VÂN TRÌNH