Núi đồi biền bãi quanh các xã Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn (Đại Lộc) giờ thắm xanh. Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức vẫn sống cùng những chứng nhân đã dự phần vào trận đánh lịch sử Thượng Đức, sống trong trái tim di dân và lưu dân trở lại chiến trường sau giải phóng và sống cùng niềm tự hào tiếp nối, trao truyền dài theo nhiều thế hệ...
Giữa hai làn đạn
Bốn người đàn bà ngồi trước hiên nhà ông Nguyễn Hữu Phương (xã Đại Lãnh) lựa đậu xanh vừa thu hoạch. Rôm rả chuyện xóm, chuyện làng, chuyện thanh niên trai tráng mấy nay bận rộn phát quang đường sá, dọn dẹp nhà văn hóa thôn, treo cờ chào mừng “ngày giải phóng”. “Ngày giải phóng” mà họ nhắc, là 7/8/1974. Chớp mắt, đã 50 năm trôi dài...
Ông Phương nói, mười bốn tuổi, ông đi làm du kích. Đến năm 1972, chàng thanh niên vừa 18 tuổi Nguyễn Hữu Phương được giao nhiệm vụ diệt ác trong lòng địch.
Ba ngày trước trận đánh Thượng Đức năm 1974, ông vận động người dân các thôn 12, 13, 14, 15 của Lộc Bình (tên gọi cũ vùng Thượng Đức) gánh nước về trữ trong nhà, vì biết sắp cận kề ngày quân giải phóng tấn công cứ điểm Thượng Đức.
“Tôi không nói, nhưng linh tính đạn bom sắp nổ, vì đánh Thượng Đức không đơn giản. Rồi pháo bắn tới thật. Ta đánh Thượng Đức, có chủ trương đưa dân đi sang bên kia sông sơ tán.
Người già, trẻ nhỏ được ưu tiên đi trước, riêng thanh thiếu niên tầm 14 tuổi trở lên thì xung phong ở lại. Cả làng khi đó có 2 chiếc ghe. Dân được vận động đào hào hai bên sông, chuẩn bị lên đường. Tôi cùng ông Phan Thanh Minh (ông Ba Minh, xã Đại Lãnh) và hai chị em khác nhận nhiệm vụ lái ghe đưa người đi sơ tán” - ông Phương kể.
Cuộc chiến được giữ bí mật đến phút chót. Những chuyến ghe đi trong đêm, sau khi pháo súng đã rền vang trên nền trời Thượng Đức.
Ông Ba Minh nhớ lại, mỗi ghe chở chừng chục người, trồi sụt qua bên kia sông, rồi quay lại chở tiếp, rất khẩn trương. Người ta chỉ vơ vội được chút hành trang, leo lên ghe qua bên kia phía Đại Hồng, rồi được dẫn đường lên Thạnh Mỹ (Nam Giang) sơ tán.
“Chúng tôi không dám dừng. Cứ chèo liên tục như thế, đưa được nhiều người nhất có thể. Hai đêm trắng, khoảng gần một nghìn người đã rời đi. Tôi nhớ có một bà mẹ tên Bích đang mang thai, vừa qua bên kia sông, xuống được hầm trú ẩn thì đẻ rớt. Đứa đẻ rớt năm đó, mới thời thôi đã năm mươi tuổi rồi” - ông Minh nói.
Nhiều tư liệu lịch sử ghi nhận, hơn một vạn dân đã được sơ tán khi tiếng pháo nổ ra trên vùng Thượng Đức. Dân được đưa đi sơ tán lên Thạnh Mỹ (Giằng, nay là huyện Nam Giang) hoặc lên Blô Bền, Tu Núc, A Chôm của Hiên (nay là huyện Đông Giang).
Trước giờ nổ súng, quân giải phóng phải giữ gần 200 dân đi đốn củi, đốt than trước cả tuần, cán bộ địa phương phải đảm nhận việc phục vụ ăn ở, giải thích, động viên dân để giữ bí mật cho trận đánh. Những người đi sơ tán đã được đào hầm, dựng lán trại để tiếp nhận, chăm lo gạo, thuốc men.
Đoàn công tác đặc biệt đã nhanh chóng huy động mọi lực lượng, thuốc men lo cho dân khi dịch sốt rét bùng phát lúc sơ tán, nhanh chóng chi viện dập dịch, ổn định đời sống nhân dân trong giờ phút cam go nhất của cuộc chiến...
“Ngày giải phóng”
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hai (thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng), trong những ngày cờ đỏ rợp đường về khu di tích chiến thắng Thượng Đức.
Người già nhiều quên nhớ, nhưng ký ức của lửa đạn trận Thượng Đức hằn khắc rõ trong ông với quá nhiều cảm xúc, để người đàn ông đã bảy mươi tuổi nhớ mồn một từng khoảnh khắc của cuộc chiến.
Năm 1974, hai mươi tuổi, ông khi ấy là Xã đội trưởng Lộc Bình, tiếp quản lực lượng du kích địa phương sau khi vừa trở về từ lớp đào tạo ở Thạnh Mỹ.
“Trưa 7/8, tôi cùng đồng chí Trương Công Tùy, cán bộ huyện và một du kích xã chốt chặn tại trường thôn 14 khi địch thất thủ tại Thượng Đức, trong tay là khẩu B40 và 3 quả đạn. Tàn quân địch bị tiêu diệt, trong đó có cả biệt động quân, địa phương quân, nghĩa quân và cả bọn tề của địch.
Ngày 7/8 trở thành ngày giải phóng. Nhưng những ngày sau đó, bom vẫn trút xuống Thượng Đức. Ngày 10/8, bom tọa độ ném vào đò Ba Bến, một số cán bộ chiến sĩ đội công tác thu dọn chiến trường hy sinh và bị thương.
Tình hình càng quyết liệt. Không có ngày, đêm nào không có tiếng pháo rền, khi địch đưa quân chiếm điểm cao 383 và 1062 hòng tái chiếm Thượng Đức. Ba tôi là Nguyễn Giới, hồi đó đã ròng rã chèo thuyền tải thương, đưa liệt sĩ ngược lên sông Vàng của Hiên để chôn cất liệt sĩ. Cứ thế, cho đến hết chiến dịch” - ông Hai kể lại.
Những mất mát, hy sinh trong chiến tranh thi thoảng lại xuất hiện trong dòng hồi ức đan xen của ông Hai. Ở đó, có nỗi hân hoan ngày giải phóng nhưng cũng có những nỗi niềm riêng của một chứng nhân trước mảnh đất quê hương bị đạn bom cày xới điêu tàn sau trận chiến...
Trong những dòng tư liệu chúng tôi đã ghi lại được qua nhiều lần về Thượng Đức, vẫn còn câu chuyện của ông Nguyễn Trung Chính (85 tuổi, nguyên Huyện Đội trưởng huyện Đại Lộc).
Ông Chính gọi tên ký ức bằng những cuộc tản cư, bằng tiếng súng, bằng những đợt dội bom rung chuyển hầm bí mật và cả những năm tháng u hoài của một thời đói cơm.
Ông Chính kể, bao lớp người như ông đã sống với đất này từ những ngày gian khổ, hung hiểm nhất, từ hồi hạt gạo còn... “làm cố vấn” cho một mớ sắn khoai trong chung một nồi. Giá trị của ngày giải phóng, được nhìn lại từ ngày bước xuống làng chằng chịt hố bom, mịt mùng khói súng.
Họ đã ở lại từ ngày đó, 7/8/1974: ngày giải phóng. Sống, hy vọng và tiếp tục đổ mồ hôi xuống những cánh đồng, những vạt đồi loang lổ đạn bom, để đất trở mình bạt ngàn xanh...
Gió reo trên đỉnh đồi
Chúng tôi trở ngược lên đồi, nơi dựng Tượng đài chiến thắng Thượng Đức. Từ đây, phóng tầm mắt xuống là những biền bãi bạt ngàn xanh hai bên dòng Vu Gia, là đường lớn, nhà cửa nối dài xuống tít tắp phía chân cầu Hà Nha.
Nghe tiếng gió reo trên đỉnh đồi. Phía xa kia, là điểm cao 1062, “đỉnh máu” vẫn thường được nhắc trong câu chuyện của bao người về sự khốc liệt của chiến trường Thượng Đức những ngày hè 1974.
Ít phút trước, ông Phan Thanh Minh, người du kích địa phương trong trận Thượng Đức lịch sử cũng dắt tay tôi ra trước hiên nhà, chỉ về điểm cao 1062, nơi ông từng gò mình gùi đạn B40, mìn, lương khô lên cho bộ đội những ngày chiến sự ác liệt nhất.
Trong lòng người cựu binh già hẳn còn lấp lánh tự hào, khi dấu chân mình đã kịp in trong mảnh đất quê nhà, trong những ngày lịch sử...
“Đảng bộ, chính quyền nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc vô cùng tự hào khi Chiến thắng Thượng Đức diễn ra ngay trên mảnh đất quê hương mình và càng vinh dự hơn khi đã đóng góp một phần công sức vào sự kiện mang tính bước ngoặt ấy” - ông Nguyễn Hảo - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc chia sẻ.
Chiến công lớn nơi Thượng Đức, nơi “mắt ngọc của đầu rồng”, phá tan “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng của chính quyền ngụy Sài Gòn đã và sẽ được tiếp tục kể trong hôm nay, ngày 7/8 của 50 năm sau, trước lớp lớp chứng nhân đã dự phần vào trận đánh và nhiều thế hệ sau. Lịch sử sẽ còn được nhắc lại và viết tiếp, từ mạch nguồn của mảnh đất anh hùng.
Người ở đất này vẫn quyết chí bền gan với sông, với núi, như cách mà ông cha ngày trước đã cùng cách mạng đi qua tháng ngày gian khó nhất của cuộc chiến tranh, đi đến thắng lợi cuối cùng nơi Thượng Đức mùa thu năm 1974…
Tròn 50 năm sau “ngày giải phóng”, trời Thượng Đức ngày một xanh hơn...