Quảng Nam tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức thi kết hợp xét tuyển: Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục Quảng Nam kỳ vọng sẽ có thay đổi lớn về chất khi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 công lập từ năm học 2025 - 2026 chuyển sang thi kết hợp với xét tuyển.
Chuẩn bị công phu, đồng thuận cao
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1788 phê duyệt phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên biệt từ năm học 2025 - 2026.
Theo đó, kết hợp thi tuyển với xét tuyển dựa trên kết quả hạnh kiểm và học tập trong 4 năm học ở cấp THCS của học sinh (HS). Để đi đến quyết định này, Quảng Nam đã có quá trình chuẩn bị bài bản, từ nội bộ ngành GD-ĐT đến việc tổ chức lấy ý kiến của các địa phương, sở, ban, ngành, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, kể cả chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh.
Trước đó, sau thời gian dài thực hiện xét tuyển đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nên thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10 là câu chuyện được ngành GD-ĐT liên tục thảo luận.
Đơn cử, năm 2020 - tròn 10 năm tổ chức tuyển sinh theo phương thức xét tuyển (trước đó thi tuyển), Sở GD-ĐT tổ chức khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh, HS về tuyển sinh lớp 10.
Năm 2022, sở tiếp tục xây dựng phương án thi tuyển vào lớp 10, lấy ý kiến góp ý từ UBND các huyện, thị xã, thành phố. Bước vào năm học 2023 - 2024, sở tiếp tục tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của các trường THPT, phòng GD-ĐT, phụ huynh HS; đồng thời lấy ý kiến rộng rãi các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
Không dừng lại ở nội bộ ngành GD-ĐT, để góp thêm tiếng nói về phương án tổ chức tuyển sinh vào lớp 10, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện, thu hút sự tham gia của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, trường THPT, các chuyên gia trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với phương án. Phần lớn ý kiến đều bày tỏ sự đồng thuận cao với phương án kết hợp thi và xét tuyển, đó là cơ sở để UBND tỉnh ban hành quyết định thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10 từ năm học 2025 - 2026.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Lý giải việc chọn thi tuyển kết hợp với xét kết quả học tập, rèn luyện 4 năm học THCS, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho rằng, phương thức này sẽ tạo động lực cho HS học tập cũng như đánh giá toàn diện quá trình học tập của học trò, là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Theo ông Tường, xét tuyển vào lớp 10 thực tế bộc lộ nhiều hạn chế, như làm giảm ý chí học tập của HS, có tình trạng “làm đẹp” học bạ giúp HS tăng cơ hội vào lớp 10.
Vì vậy, chuyển từ xét tuyển sang thi kết hợp xét tuyển sẽ làm thay đổi cả cách nghĩ, cách dạy và học của bậc THCS. Việc ban hành quyết định phương án tuyển sinh sớm cũng giúp ngành GD-ĐT cũng như phụ huynh, HS có được sự chủ động chuẩn bị từ sớm.
Một điểm mới rất đáng chú ý trong phương án tuyển sinh năm tới đó là HS được đăng ký 2 nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT khác nhau.
Ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT giải thích thêm, trước đây HS được phân tuyến tuyển sinh vào lớp 10 theo địa bàn trường THCS (chẳng hạn Tam Kỳ được phân 4 vùng tuyển sinh vào 4 trường THPT trên địa bàn thành phố). Nhưng lần này, phân tuyến tuyển sinh theo cấp huyện, HS được quyền đăng ký bất cứ trường THPT trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Việc được đăng ký 2 nguyện vọng giúp những em có năng lực học tập tốt, sức học giỏi hơn có điều kiện thuận lợi vào lớp 10.
“Chẳng hạn, Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) có 85% HS xếp loại học lực giỏi nhưng với quy định phân tuyến hiện nay tuyển 80% vào trường THPT cố định thì mặc nhiên 5% học giỏi không được vào lớp 10 công lập. Còn nếu có 2 nguyện vọng đăng ký thì 5% đó vẫn có cơ hội để vào trường THPT công lập có chất lượng đầu vào thấp hơn nhờ đăng ký nguyện vọng 2” - ông Khôi dẫn chứng.
Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đồng tình với phương án tuyển sinh này. Thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) cho rằng, thi tuyển vào lớp 10 góp phần sàng lọc, phân hóa HS cũng như mang lại công bằng cho học trò được quyền lựa chọn học trường mình thích, góp phần nâng cao chất lượng.
“Chất lượng giáo dục nhiều năm qua của tỉnh thấp và không ổn định, lý do rất lớn là do xét tuyển đầu vào lớp 10. Thời gian đầu phương án thi và xét để ghi nhận kết quả học tập ở cấp THCS của các em nhưng tương lai chỉ nên còn thi tuyển” - thầy Tấn nêu quan điểm.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện nay trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước có đến 55 địa phương thi tuyển sinh lớp 10; trong đó 44 địa phương chỉ thi tuyển, 11 địa phương kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Chỉ có 8 tỉnh chọn phương thức xét tuyển gồm Quảng Nam, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Gia Lai và Lâm Đồng. Điều đáng nói, phần lớn các tỉnh tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét tuyển có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp thấp hơn so với điểm trung bình chung của cả nước, trong đó có Quảng Nam.
Thi kết hợp với xét tuyển như thế nào?
Phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên biệt từ năm học 2025 - 2026 là kết hợp thi tuyển với xét tuyển dựa trên kết quả hạnh kiểm và học tập trong 4 năm học ở cấp THCS của học sinh. Vậy thi kết hợp với xét tuyển như thế nào?
Theo phương án, học sinh (HS) dự thi bắt buộc 3 môn gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Điểm xét trúng tuyển là tổng điểm 3 môn thi và điểm xét kết quả hạnh kiểm và học tập trong 4 năm học ở cấp THCS (với 6 mức điểm tương ứng là 2,5 - 2,25 - 2 - 1,75 - 1,5 - 1,25) và điểm ưu tiên (nếu có). Chỉ xét trúng tuyển đối với HS dự thi đủ 3 bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0.
Về đăng ký nguyện vọng (NV), mỗi HS được đăng ký tối đa 2 NV dự tuyển vào 2 trường THPT khác nhau. Trong đó, NV1 (bắt buộc) đăng ký dự tuyển vào một trường THPT cùng địa bàn cấp huyện với trường THCS nơi HS tốt nghiệp THCS (đối với HS tốt nghiệp THCS của cơ sở giáo dục ngoài tỉnh Quảng Nam thì đăng ký dự tuyển vào một trường THPT trên địa bàn cấp huyện nơi cư trú); NV2 (không bắt buộc) HS đăng ký vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình đăng ký NV, Sở GD-ĐT thường xuyên cập nhật công khai trên cổng thông tin điện tử của sở số lượng hồ sơ đăng ký của mỗi trường THPT để HS được biết và điều chỉnh nguyện vọng vào trường THPT phù hợp.
Có hai cách thức đăng ký; cách 1: chỉ đăng ký NV1, sau khi có kết quả trúng tuyển đợt 1, nếu không trúng tuyển thì được đăng ký NV2 vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh còn chỉ tiêu để tiếp tục xét trúng tuyển đợt 2.
Cách 2: đăng ký đồng thời cả 2 NV. NV1 và NV2 của HS đăng ký cùng trường sẽ được xét theo hướng điểm trúng tuyển của NV2 cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1.
Nhằm đảm bảo cân bằng về thí sinh đăng ký dự tuyển giữa các trường và phù hợp với NV của cha mẹ HS, Sở GD-ĐT sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt một trong hai cách thức và mức điểm chênh lệch giữa xét trúng tuyển NV1 và NV2 trong kế hoạch tuyển sinh hằng năm.
Dù Sở GD-ĐT xây dựng 2 phương án đăng ký NV, song theo quan điểm cá nhân của ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT, chọn cách 2 (đăng ký cùng lần) là hợp lý hơn. Tương tự, đối với điểm chênh lệch giữa NV2 và NV1 nên là 2 điểm.
“Thực tế các địa phương khác trên cả nước cũng có mức chênh lệch là 2 điểm. Về tỷ lệ điểm thi và xét tuyển trong tổng điểm xét tuyển đáp ứng yêu cầu tối đa 75-25% cũng hợp lý” - ông Khôi nói.
Cơ bản thống nhất phương án tuyển sinh, song bà Huỳnh Thị Hường - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh băn khoăn về tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Đó là hơn 10 năm nay Quảng Nam không có luyện thi vào lớp 10 nhưng sắp tới khả năng “nóng” trở lại vì nhu cầu của phụ huynh HS.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành bày tỏ sự đồng thuận cao với phương án thi kết hợp xét tuyển và cho rằng cùng với việc có 2 NV đăng ký sẽ góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh.