Hồ sơ - Tư liệu

Lê Văn Hiến và tổ chức “Những người Việt Nam mới”

LƯU HOÀNG GIANG 13/09/2024 09:01

Nói đến công lao của Lê Văn Hiến trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Đà Nẵng nói riêng và toàn Trung Kỳ nói chung cần đề cập việc ông vận dụng chủ trương của Đảng trong việc thương lượng với quân Nhật để giành chính quyền và đề xuất Cụ Hồ thu nhận những lính Nhật thành lập nên tổ chức “Những người Việt Nam mới”.

n_0027_le-van-hien-o-tu-ve-da-nang.jpg
Lê Văn Hiến đi tù về năm 1935 (người chính giữa). Ảnh: Tư liệu

Nhạy bén ứng phó tình hình

Thời điểm tháng 8/1945, có khoảng 97.000 quân Nhật và thường dân Nhật tại Đông Dương. Tại Việt Nam, ở miền Bắc có 18.000 quân nhân, 1.500 thường dân; riêng Quảng Nam - Đà Nẵng có khoảng 15.000 quân Nhật.

Từ thực tiễn cách mạng tại Hà Nội, Trung ương Đảng chỉ đạo các địa phương nên thuyết phục quân Nhật án binh bất động, bàn giao cho ta vũ khí và ta cung cấp lương thực cho chúng.

Tại Đà Nẵng, Mặt trận Việt Minh thành phố Đà Nẵng do ông Lê Văn Hiến đứng đầu, đã chủ động thương lượng với quân Nhật, cử ông Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh) vào đại bản doanh của Nhật tại Đà Nẵng để thương lượng; riêng Lê Văn Hiến trực tiếp vào Quảng Ngãi thương thuyết với quân Nhật để chúng không làm khó việc giành chính quyền ở các tỉnh miền Trung.

Trên đường về, khi ông vừa đến trú tại trụ sở ủy ban khởi nghĩa của một xã tại Quảng Ngãi thì quân Nhật dùng xe quân sự ập đến bắn phá nơi này, nên Việt Minh của Quảng Ngãi nghi Lê Văn Hiến là “Việt gian”, suýt hành hình ông. Sau nhờ biết ông là tác giả của sách “Ngục Kon Tum” nên Tỉnh ủy Quảng Ngãi kịp thời can thiệp thả ông ra.

Việc chủ trương thương lượng với phát xít Nhật để chúng đồng ý án binh bất động nhằm thực hiện giành quyền tại Đà Nẵng, cũng là cơ sở để Lê Văn Hiến tham mưu cho Chính phủ Cụ Hồ thu dung những người Nhật tại Việt Nam và lập nên tổ chức “Những người Việt Nam mới” rất độc đáo sau này.

Theo ông Nguyễn Dược - nguyên Thư ký cố Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, chủ trương này đã giúp cho bản thân các tù hàng binh đó thoát khỏi sự xử lý tùy tiện của một số địa phương xa xôi chưa quán triệt chính sách nhân đạo của Đảng và Chính phủ đối với tù hàng binh.

Đồng thời cũng là cơ hội tốt để bổ sung thêm cho các ngành nhiều chuyên gia giỏi thuộc các lĩnh vực quân sự, kinh tế, kỹ thuật, y tế… mà buổi đầu chúng ta đang còn rất thiếu. Số người này được gọi với cái tên chung là “Những người Việt Nam mới”.

thiep-tet-bac-ho-gui-bo-truong-le-van-hien-nam-1946.jpg
Thiệp chúc tết Bác Hồ gửi Bộ trưởng Lê Văn Hiến năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Tinh thần nhân đạo

Theo ước tính của Christopher E. Goscha, từ năm từ 1945 đến năm 1950, có khoảng 2.000 người Nhật đã theo Việt Minh. Lý do quan trọng nhất đã thúc đẩy những binh lính Nhật sang hàng ngũ Việt Minh là thái độ cởi mở chân tình của người Việt Nam, coi họ như “những người Việt Nam mới”, đối xử với họ ân cần, biết tin dùng họ theo khả năng chuyên môn của mỗi người, nhất là những sĩ quan, hạ sĩ quan đã được đào tạo qua Trường Nakano ở Nhật, hoặc những người có chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật.

Nhiều sĩ quan Nhật đóng góp cho cách mạng Việt Nam như: Nakahara Mitsunobu, Ishii, Saitoh, Mukaiyama...; nhiều người giảng dạy, huấn luyện cho bộ đội ta ở Thái Nguyên hay tại Trường Trung học lục quân Quảng Ngãi…

Là người tham mưu cho Chính phủ Cụ Hồ về sử dụng “những người Việt Nam mới”, Lê Văn Hiến là người đi đầu gương mẫu, trong các chính sách đãi ngộ đối với họ.

Theo ông Hồ Tế - nguyên Bộ trưởng Tài chính, chính Bộ trưởng tiền nhiệm Lê Văn Hiến đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ Cụ Hồ buổi đầu lập nước và chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế, tài chính và khéo vận dụng cán bộ, trưng dụng nhân tài, trí thức, nhân sĩ, kể cả “những người Việt Nam mới”…

Riêng tại Bộ Tài chính, Lê Văn Hiến đã trực tiếp sử dụng một số “người Việt Nam mới” gốc Nhật vào các việc như kỹ thuật, y tế… và đã trả cho họ một mức lương rất hấp dẫn 600 đồng/người/tháng, tương đương với mức lương bộ trưởng của ông. Có thời gian, một số trong “những người Việt Nam mới” ấy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong đời sống đã được Lê Văn Hiến giải quyết trợ cấp nhiều lần.

Lê Văn Hiến có vai trò rất lớn với phong trào cách mạng Trung Kỳ nói chung và Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Bằng tinh thần yêu nước, dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông đã vượt qua bao nhiêu gian lao, khổ ải để cùng các đồng chí của mình đưa phong trào cách mạng Đà Nẵng - Quảng Nam tiến lên cho đến ngày nước nhà được độc lập.

Quãng thời gian đó, đã trui rèn ở ông phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một trí thức đáng trân trọng của Đảng, được Bác Hồ hết mực yêu quý.

Chính những kinh nghiệm hoạt động cách mạng tại quê nhà đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm và đề xuất thiết thực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc sau này.

Không phải ngẫu nhiên khi Cụ Hồ giao cho ông trọng trách Bộ trưởng Bộ Lao động, rồi Bộ trưởng Bộ Tài chính (từ kinh nghiệm xây dựng tài chính đảng trước đó) và đồng ý đề xuất của ông về xây dựng đội ngũ “những người Việt Nam mới” (từ chủ trương thương lượng với Nhật để giành chính quyền tại miền Trung và Đà Nẵng trước kia).

Mặc dù đồng chí Lê Văn Hiến đã qua đời từ lâu song con cháu “những người Việt Nam mới” hằng năm đều từ Nhật qua thăm gia đình ông. Việc được Chính phủ Cụ Hồ giao những trọng trách quan trọng ngay những ngày đầu lập quốc càng cho thấy tầm vóc, uy tín, đức độ, tài năng, tinh thần dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của ông.

Lê Văn Hiến sinh ngày 15/9/1904 tại Phước Ninh, Đà Nẵng, nguyên quán thôn An Nông, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc TP.Đà Nẵng.

Học tiểu học và trung học tại Huế, sau thi ngạch bưu điện và được tuyển làm nhân viên bưu điện ở Đà Nẵng. Có nhiều dịp tiếp xúc với các phong trào yêu nước và các nhà yêu nước, tham gia quyên tiền cho phong trào bãi khóa, cho cán bộ xuất dương học tập, rải truyền đơn. Năm 1927 cùng một số đồng chí thành lập chi bộ đầu tiên của Hội Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí, tổ chức tiền thân của Đông Dương cộng sản Đảng, tại Đà Nẵng.

Từ tháng 11/1930 đến tháng 5/1945, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam 3 lần và bị kết án hơn 10 năm tù. Đã trải qua nhiều nhà tù khét tiếng tàn ác của thực dân Pháp, trong đó có nhà ngục Kon Tum mà sau này ông viết thành cuốn sách “Ngục Kon Tum” để tố cáo chế độ ngục tù vô nhân đạo của chính quyền thuộc địa Pháp.

Tháng 5/1945, ông tham gia vào việc tổ chức khởi nghĩa và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Đà Nẵng. Sau khi giành chính quyền, được cử làm Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, một tuần sau, được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời ra Huế dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Sau đó ông được giao nhiệm vụ ở lại để thay mặt Chính phủ tiếp nhận tài sản của Nam triều và đưa Bảo Đại ra Thủ đô nhận chức Cố vấn Chính phủ.

Đầu tháng 12/1945, ông được cử làm đặc phái viên của Chính phủ đi kiểm tra chỉnh đốn các cơ quan chính quyền địa phương, kinh lý các mặt trận ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong đợt công tác này, ông đã phát hiện và đề xuất giải pháp được Trung ương chấp nhận, là thu nhận những tù binh và hàng binh của Nhật muốn đem kỹ thuật chuyên môn đóng góp cho chế độ mới của Việt Nam. Hàng trăm chuyên gia Nhật thay vì bị bắt bớ, xử lý, đã được sống và làm việc bình đẳng trong các đơn vị quân đội và các cơ quan chính quyền của ta với tên gọi chung là “những người Việt Nam mới”.

Từ tháng 3/1946 đến tháng 10/1958, ông được giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời là Bí thư “Việt Minh đoàn” của các cơ quan Chính phủ. Từ tháng 10/1958 đến tháng 9/1962 làm Bộ trưởng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Từ tháng 9/1962 đến năm 1976 là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào.
Ông là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

T.B (tổng hợp)

LƯU HOÀNG GIANG