Du lịch

Homestay bây giờ còn không?

Phóng sự của CẨM PHÔ 05/10/2024 09:11

Có một giai đoạn khách thập phương tìm tới Hội An, mong muốn trải nghiệm đời sống bản địa, ăn ở trong nhà như một người Hội An. Nhưng, cách làm thiếu chiều sâu, thị trường lưu trú cạnh tranh khốc liệt khiến homestay bây giờ chủ yếu dành cho khách ít chi tiêu.

ha8.jpg
Các khu dân cư mọc san sát các homestay ở Cẩm Thanh, Hội An.

“Trước đây ngôi nhà cũ của tôi luôn có 2-3 khách ăn ở, trải nghiệm trong gia đình. Họ như một người phương xa về quê cũ để tìm lại ký ức thân quen nhưng giờ đây nhà phải nâng cấp lên biến thành dạng lưu trú cho thuê đơn thuần” - anh H.Q.K (cán bộ một cơ quan Nhà nước tại Hội An) nói.

Trải nghiệm nhạt nhòa

Ở Hội An, vùng Thanh Đông, Thanh Nhất, Thanh Nhị… xã Cẩm Thanh và An Mỹ (Cẩm Châu) là các nơi dịch vụ homestay nở rộ nhất. Những năm 2017, đi vào các con hẻm, khu dân cư đâu cũng nhìn thấy các biển hiệu homestay.

Nhiều chủ nhà thường ngày ra đồng làm lúa, trồng rau cũng học cách cười, cách nói, học cả tiếng Anh để chào mời khách nước ngoài vào nhà ăn ở.

Chủ một homestay ở thôn Thanh Nhất, xã Cẩm Thanh thời điểm 2017 giới thiệu với chúng tôi rằng mỗi tháng 3 căn phòng ở gác hai của gia đình cho khách vào trải nghiệm cũng tạo được thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Đó là giai đoạn... nhà nhà mở homestay ở Hội An. Du lịch Hội An ở thời kỳ “đỉnh cao” này đón bình quân 4-5 triệu lượt khách/năm, dẫn đến nhu cầu lưu trú, trải nghiệm đời sống cư dân bản địa tăng cao.

Nhưng, giờ đây khi trở lại ngôi nhà của gia chủ ở thôn Thanh Nhất ngày nào thì mọi thứ đã khác. Nhà vẫn được dùng để cho thuê, căn nhà hai tầng bê tông kiên cố nằm sâu trong con hẻm dày đặc bảng hiệu homestay, bình yên dưới hàng cau. Chỉ có điều là khách thì ít hơn xưa nhiều.

ha4.jpg
Khách Châu Âu yêu thích trải nghiệm đời sống, văn hóa tập tục người bản địa Hội An.

Thỉnh thoảng mới có người ghé, thói quen trải nghiệm khách cũng đã thay đổi. Không phải là “Tây sang trọng” như xưa nữa mà giờ chủ yếu khách du lịch “bụi”, tài chính eo hẹp. Việc chọn nơi ở cũng không mục đích tìm hiểu đời sống, văn hóa cư dân bản địa nữa mà chỉ là chỗ lưu trú.

“Khách tới ở hầu như họ ít tiếp xúc với chúng tôi. Mình mở phòng cho họ thuê rồi dọn dẹp, mướn xe máy cho họ. Chỉ đơn giản vậy chứ không vui như trước đây” - bà H.K.L - chủ một homestay nhỏ ở Thanh Đông, Cẩm Thanh nói.

Đi vào những khu dân cư trước đây dày đặc các homestay ở Hội An cũng thấy cảnh ảm đạm như vậy. Vì nhiều nguyên do, nên trải nghiệm của khách đã dần nhạt nhòa dẫn đến các homestay ít khách hơn trước.

Người dân vẫn đón khách vào ở, nhưng không còn là homestay nữa mà chỉ là phòng ở, nhà cho thuê. Người dân không là chủ thể dịch vụ, là sản phẩm du lịch nữa mà đóng vai trò là người chủ cho thuê cơ sở.

Thử nghiệm homestay từ nhà cổ

Với đô thị cổ Hội An và cộng đồng cư dân với tín ngưỡng, nền nếp, tính cách và văn hóa đặc trưng, homestay ở Hội An là lựa chọn đúng nhằm phát huy giá trị văn hóa bản địa nâng cao đời sống người dân. Đây chính là một phần nguyên nhân của việc mới đây TP.Hội An muốn đưa những ngôi nhà trong phố cổ Hội An vào thử nghiệm lưu trú.

Ý tưởng này được kỳ vọng sẽ mang tới trải nghiệm du lịch riêng có, khai thác thêm giá trị của không gian di sản, giúp các gia đình sinh sống nhiều đời ở phố cổ có thêm niềm vui và thu nhập. Tuy nhiên, khi vừa đưa ra thí điểm đã lập tức nhận những ý kiến trái chiều.

Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng mục đích của Hội An là phát huy các giá trị của di tích, đặc biệt các nhà cổ trong hẻm, kiệt. Trải nghiệm ăn, ở cùng cư dân trong quần thể phố cổ cũng là sản phẩm chưa có ở nơi đâu. Dù vậy trước những góp ý của dư luận thì cần thiết sẽ có những điều chỉnh linh hoạt để tạo ra một nơi hình mẫu về homestay ở Hội An.

Homestay trên đà biến dạng

Thống kê của UBND TP. Hội An, hiện toàn thành phố có khoảng 300-400 homestay. Năm 2017, số homestay tại Hội An là 297. Sau 7 năm, so với con số cũ thì số lượng tăng không đáng kể.

Trong vai một người khách đến Hội An để tìm nơi lưu trú, chúng tôi tới khu vực An Hội nằm bên kia sông Hoài. Đây là một “phiên bản của phố cổ”, từng là khu dân cư nhưng được quy hoạch để tạo thành khu vui chơi giải trí về đêm cho khách.

ha9.jpg
Các khu dân cư mọc san sát các homestay ở Cẩm Thanh, Hội An.

Khá choáng ngợp khi được một chủ homestay mời vào lưu trú và nói rằng homestay của ông có tới… hàng chục phòng, dù khuôn viên đất chỉ loanh quanh chừng 100m2.

“Khu vực này gần phố cổ nên khách đến thường xuyên. Chúng tôi làm lưu trú từ hồi xưa tới chừ, khách đến thì mình đón tiếp. Vừa có thu nhập lại có niềm vui” - chủ homestay nói.

Ở các trục đường bên kia cầu An Hội có không ít homestay quy mô hàng chục phòng, thuê cả nhân viên phục vụ. Dù tên gọi là homestay nhưng thực tế chẳng khác gì căn hộ cho thuê theo ngày, một khu lưu trú cho ngành du lịch ở hạng bình dân.

Một nam du khách Ireland từng tới Hội An du lịch và phàn nàn với chúng tôi rằng ông có chút thất vọng khi chọn homestay ở Hội An để trải nghiệm.

“Tôi và vợ đặt một tuần để lưu trú, tham quan Hội An. Khi xem trên mạng thì rất thích thú về văn hóa, con người ở Hội An nên chúng tôi chọn một homestay tại Cẩm Nam để ở.

Nhưng thực tế thì ít khi gặp được chủ nhà, họ cũng không biết nói tiếng Anh, yêu cầu gì thì họ tới trợ giúp như một người phục vụ. Chúng tôi quyết định rời đi sớm vì không trải nghiệm được thứ gì về văn hóa, con người trong ngôi nhà mình nán lại” - vị khách Ireland nói trong thất vọng.

Bà Phạm Thị Linh Chi, chi hội trưởng Chi hội Homestay & Villa Hội An, cũng bày tỏ sự thất vọng về hình thức homestay ở Hội An. Bà Chi cho rằng rất nhiều homesay trên giấy phép “từ đời đầu” nhưng tới nay thực tế đã biến đổi qua dạng phòng lưu trú bình dân cho khách du lịch thuê.

ha10.jpg
Các khu dân cư mọc san sát các homestay ở Cẩm Thanh, Hội An.

“Có nhiều homestay chúng tôi tới mà… bất ngờ. Khuôn viên đất chừng 100m2 nhưng người ta xây tới 20 phòng san sát nhau. Thử hỏi với số lượng đó thì khách làm sao trải nghiệm với gia chủ? Hiện tượng này nhiều lắm, chính vì thế mà bây giờ homestay không còn hấp dẫn nữa” - bà Chi nói.

Theo bà Chi, nếu hiểu cho đúng thì homestay là loại hình trải nghiệm có chiều sâu. Biết cách làm, cách khai thác thì sẽ giá trị thậm chí không thua kém villa, resort.

“Khách châu Âu họ rất thích trải nghiệm văn hóa, đời sống, con người ở nơi họ tới. Chủ nhà cứ sống như vốn có, mộc mạc, thuần hậu và chỉn chu sạch sẽ niềm nở là được. Tới giờ nấu cho họ bữa cơm với cá đồng, rau vườn thôi cũng trọn vẹn lắm rồi. Nhưng đằng này chỉ đón khách vào rồi không tương tác, tách rời khách với chủ nhà thì đó không còn là homestay nữa” - bà Linh Chi nói.

Một nguyên nhân khác cũng khiến homestay ít hấp dẫn hơn, theo bà Chi, đó là việc villas mọc như nấm sau mưa ở Hội An. Các biệt thự này giá không chỉ tốt mà sạch sẽ, riêng tư, có hồ bơi, sân vườn nên khách rất thích. Trong khi điểm yếu về hạ tầng của homestay là không có hồ bơi, khách đến trong thời tiết nóng nực sẽ bị thiếu dịch vụ.

Nhiều hội thảo, các chính sách nắn chỉnh và những động thái tăng cường quản lý, hạn chế cấp phép từ chính quyền nhưng tới nay homestay ở Hội An vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Phóng sự của CẨM PHÔ