Khoảng trống… cải cách
(QNO) - Chủ một doanh nghiệp nhỏ gặp tôi than phiền, tỉnh liên tục đốc thúc giải ngân đầu tư công, nhưng thủ tục lắm thứ nhiêu khê, chỗ nào cũng phải chờ, phải… chạy toát mồ hôi. Công trình làm xong, nộp hồ sơ quyết toán gần cả năm vẫn chưa được phê duyệt. “Hồ sơ nộp cho phòng chuyên môn. Chờ mãi. Sốt ruột tìm cách liên hệ “xin” thẩm định thì lúc họ chỉ ông này, hôm khác lại chỉ ông khác, lòng vòng. Mình thấp cổ bé họng, kêu không thấu”.
Trong một bài viết gần đây trên báo Quảng Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (bài “Đừng để doanh nghiệp nản chí”), Giám đốc một hợp tác xã thẳng thắn: “Chạy theo cơ chế là chết. Rách việc lắm. Ở trên nói rất hay, nhưng nếu trực tiếp xuống chứng kiến con đường tiếp cận vốn từ cơ chế, rồi các thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy, thanh tra, kiểm tra, sẽ thấy doanh nghiệp khổ thế nào”.
Không chỉ doanh nghiệp kêu mà cán bộ nhà nước cũng than. Trên các diễn đàn của các cấp, không ít ý kiến nói đến những “mỏi mòn chờ đợi”. Doanh nghiệp chờ đợi các cơ quan nhà nước; xã chờ huyện; huyện chờ các sở, ngành; cấp tỉnh thì chờ bộ ngành Trung ương… Mới đây, lãnh đạo một địa phương thông tin, gửi văn bản đề nghị góp ý dự thảo quy hoạch, chờ đến… 8 tháng mới nhận được vài ý kiến phản hồi!
Chậm trễ, vướng mắc do pháp luật quy định rườm rà, phức tạp, chồng chéo đã đành; nhưng sự “ì ạch” trong các thủ tục hành chính còn ở những nguyên nhân khác, có khi quan trọng hơn, quyết định hơn!
Trong các báo cáo định kỳ của các cơ quan, đơn vị về kết quả thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, chưa thấy nói nhiều đến những lãng phí (cả nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội) do các công trình bị Trung ương rút vốn, hay có những dự án đã được bố trí vốn nhưng xin được… thoái lui; dự án làm mãi không xong, gia hạn nhiều lần; thủ tục hành chính “qua lại” giữa các cơ quan công quyền; quy hoạch treo hay chậm quy hoạch; các khu dân cư, khu đô thị làm xong hạ tầng nhưng hoang hóa theo mưa nắng; có cả những thủ tục đấu thầu kéo dài do thiếu minh bạch, cài cắm lợi ích riêng… Bảng xếp hạng về cải cách hành chính, hay đánh giá xếp loại cán bộ cuối năm của các cơ quan, đơn vị nhà nước, đáng tiếc gần như “bỏ lọt” các nội dung này.
Tuy nhiên, trong bài viết mới đây về chống lãng phí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ ra rất rõ: “Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công…”
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nghiêm khắc yêu cầu họp phải đúng thành phần, “triệu tập giám đốc sở, trưởng ngành thì không được cử cấp phó dự thay”; đồng thời ra hạn định, trong vòng 7 ngày khi nhận được văn bản thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan chức năng phải phản hồi, nếu không thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm.
Đó là những “tuyên bố” quyết liệt về chống tiêu cực, lãng phí. Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ để lấp đầy “khoảng trống” .