Kinh tế

Doanh nghiệp, doanh nhân xứ Quảng: Cùng nhau vượt chông gai

VĨNH LỘC - PHAN VINH - GIA KHANG - MỘC MIÊN13/10/2024 07:28

Dự báo cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, nội lực của doanh nghiệp, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn.

z5916028454425_462000c989715204bb73e95ba7c7beb3.jpg

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đây cũng là điều Quảng Nam đang nỗ lực để tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

TƯ DUY DOANH NGHIỆP THỜI HỘI NHẬP

Cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Quảng Nam đang từng bước tạo diện mạo riêng với những tư duy kinh doanh, sản xuất sáng tạo. Đối mặt thách thức, bản sắc của người xứ Quảng biểu hiện trong câu chuyện kinh doanh được bộc lộ.

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Là doanh nghiệp sản xuất gạch nung lâu nay, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh (Duy Xuyên) chú trọng cải tiến công nghệ nhằm hạn chế tối đa lượng phát thải ra môi trường.

z5916163651637_087df4e9246ff0e9a411756a59af233c.jpg
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội và đóng góp ngân sách địa phương. Ảnh: K.L

Năm 2008, từ mô hình thủ công, công ty này đã chuyển đổi sang hệ thống dây chuyền sản xuất gạch tuynel bán tự động. Sau đó, đơn vị tiếp tục đầu tư hệ thống robot (gần 100 tỷ đồng) thay thế công nhân trong các phân đoạn tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.

Ông Phan Ngọc Minh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh cho biết, từ việc chuyển đổi công nghệ nói trên và thay thế nguyên liệu đốt bằng than đạt chuẩn đã giúp công ty hạn chế tối đa việc phát thải trong quá trình sản xuất gạch. Đây là vấn đề được công ty quan tâm và lên kế hoạch bố trí kinh phí từ rất sớm bởi muốn phát triển phải hướng đến quy trình sản xuất bền vững.

“Chương trình chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững đang được Chính phủ phát động với mục tiêu đưa lượng phát thải tại Việt Nam về 0 vào năm 2030 - Net to zero. Đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đây là vấn đề khó. Tuy nhiên, đơn vị cũng cố gắng xây dựng môi trường xanh để chuyển hóa năng lượng. Cụ thể, chúng tôi đã và đang “xanh hóa” công ty bằng cây xanh hấp thụ carbon và chuẩn bị tiến tới việc kiến cố hóa toàn bộ mái nhà xưởng và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để giảm lượng tiêu thụ đặc biệt” - ông Minh nói.

Việc xây dựng nguồn nguyên liệu nông sản giúp tạo sinh kế, thu nhập cho người dân. Ảnh: D.O

Chuyển đổi xanh - phát triển bền vững cũng đang được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng. Công ty TNHH Triết Minh chuyên sản xuất sản phẩm từ dược liệu Quảng Nam đầu tư xây dựng nhà máy tại Cụm công nghiệp Chợ Lò (xã Tam Thái, Phú Ninh), hướng đến các tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường và năng lượng tái tạo.

Quan tâm đến môi trường lao động của công nhân và đưa thang điểm đánh giá về phát thải carbon của nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đang là tiêu chí để nhiều doanh nghiệp áp dụng. Trong đó, các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu đặc biệt quan tâm đến vấn đề này bởi hiện nay, nếu quy trình sản xuất hoặc nguyên liệu đầu vào đánh giá có lượng phát thải cao thì nhiều khả năng, sản phẩm đó sẽ không được nhập khẩu vào các nước tiên tiến trên thế giới.

Ở lĩnh vực du lịch - lĩnh vực thế mạnh của Quảng Nam, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú càng cho thấy “cá tính” kiên trì đeo đuổi mục tiêu phát triển xanh. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, trách nhiệm với cộng đồng đang được một số doanh nghiệp du lịch địa phương thực hiện hiệu quả, nhất là với các mô hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng…

x2.jpg
Quảng Nam có nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển du lịch xanh. Ảnh: V.LỘC

Tại Công ty Emic Hospitality Hội An, thông qua việc thuê lại ruộng lúa của người dân địa phương để tổ chức những bữa tiệc trên đồng đã giúp nâng cao giá trị gấp nhiều lần cho ruộng lúa. Cạnh đó, sự tham gia của người dân vào các hoạt động trải nghiệm của khách trong các sự kiện ẩm thực do công ty tổ chức cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương. Điều này cũng được thấy rõ tại các mô hình du lịch cộng đồng như Triêm Tây, Cẩm Phú, Bhờ Hôồng, hay các mô hình du lịch làng nghề Hội An như gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, Cù Lao Chàm, rừng dừa nước Cẩm Thanh…

Doanh nhân Quảng nỗ lực tạo thương hiệu

Thương hiệu của doanh nhân xứ Quảng được hình thành từ chính cách họ quyết liệt vận hành doanh nghiệp dựa trên nền tảng bản địa lẫn việc nắm bắt thời cơ ở thương trường. Tròn 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), doanh nhân xứ Quảng đã định hình vị thế của mình trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Một cuộc gặp mặt để tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, hỗ trợ an sinh xã hội, vừa được UBND tỉnh tổ chức. Đây được xem là sự động viên, cổ vũ kịp thời cho những đóng góp của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội Quảng Nam năm 2024.

Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Thaco hưởng lợi lớn từ việc gia hạn thuế TTĐB.

Sự đóng góp của doanh nghiệp và doanh nhân xứ Quảng thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ giải quyết công ăn việc làm, lao động địa phương, tạo sinh kế, thu nhập người dân, đóng góp vào ngân sách nhà nước, triển khai các hoạt động xã hội, hỗ trợ dân sinh… đặc biệt góp phần hình thành đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế vươn mình ra thế giới. Những cái tên như THACO, Hoiana, Vinpearl Nam Hội An hay các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Quảng Nam chính là những điển hình thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm xã hội.

Xu hướng phát triển mới dựa trên nền tảng bản địa, mô hình gắn kết 3 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp) đã được Quảng Nam triển khai từ rất lâu với những giải pháp, định hướng cụ thể. Điều này nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp, thu nhập ổn định người dân… Khảo sát cho thấy, phần lớn doanh nghiệp sản xuất nông sản, OCOP Quảng Nam đều có ký kết hợp tác liên kết nguồn nguyên liệu với người dân. Mô hình liên kết này cũng được mở rộng đến nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ nhằm tạo chuỗi giá trị cung ứng ổn định, hiệu quả dựa trên nguyên tắc Win – Win cả hai cùng thắng, cùng hưởng lợi.

Doanh nhân trẻ Quảng Nam nhiệt huyết, tử tế vì quê hương

Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Quảng Nam đang nỗ lực xây dựng tập thể cộng đồng doanh nhân năng động, nhiệt huyết, sống tử tế vì quê hương Quảng Nam. Đây là tổ chức trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam và là thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với gần 130 hội viên. Song hành với hoạt động sản xuất kinh doanh, hơn 5 năm hoạt động, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, đồng hành, cũng như huy động sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội ý nghĩa, thiết thực. (TÂM ĐAN)

454851989_7849034715194754_4030280968052724074_n.jpg
Anh Phan Hoàng Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thịnh Phan (Quảng Nam) nhận danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2024. Ảnh: NVCC

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, trong sự phát triển vượt bậc của Quảng Nam từ ngày tái lập tỉnh đến nay, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân hết sức quan trọng. Đặc biệt, ở các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hoạt động thiện nguyện... đã nhờ những bàn tay góp lại của cộng đồng doanh nghiệp xứ Quảng.

“Quảng Nam sẽ quyết tâm đồng hành, tích cực hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, giành nhiều thắng lợi, đóng góp vào sự phát triển vững bền của Quảng Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết.

CHUYỆN “TRỞ VỀ” CỦA DOANH NHÂN NGƯỜI QUẢNG

Từ hội đồng hương, các doanh nhân xa quê gặp gỡ, giao lưu và tạo nên những diễn đàn chia sẻ cơ hội đầu tư. Đặc biệt, từ đây, họ cùng hướng về hỗ trợ các doanh nhân, chủ thể khởi nghiệp ở quê nhà tiếp cận thị trường mới.

Kết nối đầu tư

Tháng 7 vừa qua, Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bà con xa xứ. Càng ý nghĩa hơn khi trong lễ hội này, Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam - QNB đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư về Quảng Nam với sự tham gia của gần 200 doanh nhân và bà con đồng hương ở khu vực phía Nam.

Hội thảo xúc tiến đầu tư về Quảng Nam do UBND tỉnh phối hợp với Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam QNB tổ chức vào tháng 7/2024. Ảnh: PHAN VINH

Ông Huỳnh Văn Cửu - Tổng Thư ký QNB cho biết, sự kiện đã tạo diễn đàn kết nối đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh. Việc lãnh đạo tỉnh vào miền Nam gặp gỡ và kêu gọi các nhà đầu tư về với Quảng Nam thể hiện sự hoan nghênh và tinh thần chào đón doanh nghiệp của tỉnh.

“Với những thế mạnh về điều kiện tự nhiên và môi trường đầu tư của Quảng Nam, ngay tại hội thảo, đã có rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn về đầu tư dự án ở các lĩnh vực dược liệu, du lịch, bất động sản... Và gần đây, chúng tôi được biết, các doanh nghiệp này đã chủ động về địa phương để khảo sát, làm việc với cơ quan chuyên môn để nắm rõ thông tin và lên kế hoạch đầu tư” - ông Cửu nói.

Cũng tại hội thảo này, ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch QNB đã kêu gọi các doanh nghiệp về với Quảng Nam để đầu tư. Theo ông, quê nhà còn dư địa lớn, hội tụ đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại. Sau hội thảo đó, ông Diện cũng tiên phong về khảo sát tại xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn để đầu tư dự án trang trại sản xuất heo giống.

Ông Đỗ Xuân Diện (người chỉ tay) trình bày dự án trang trại sản xuất heo giống ở Nông Sơn với Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: VINH ANH

Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn chia sẻ, quy mô dự án này rộng khoảng 350ha với kinh phí đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ chăn nuôi tuần hoàn. Ngoài sản xuất heo giống, dự án sẽ cung cấp heo thịt, thức ăn chăn nuôi dựa trên nông sản địa phương và một số nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

“Hiện nay, dự án trong giai đoạn khảo sát lập hồ sơ, chủ đầu tư báo cáo với lãnh đạo tỉnh sẽ triển khai vào năm 2025. Nếu dự án đi vào sản xuất sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực miền Trung và sẽ là đòn bẩy kinh tế cho địa phương” - ông Lanh nói.

Hỗ trợ kinh doanh

Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư về quê nhà, các doanh nghiệp Quảng Nam khu vực phía Nam cùng lợi thế hoạt động ở đô thị lớn và vị trí cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa đi các nước nên thường xuyên kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp ở quê nhà. Hệ thống nhà hàng Bê thui Ông Bê của doanh nhân Nguyễn Bằng (quê Duy Xuyên) có 3 cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh, với lượng khách khá lớn. Hệ thống này chỉ dùng các sản phẩm ở quê, đặc biệt là sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp như nước mắm, mắm nêm Duy Hải và bánh tráng Đại Lộc.

“Ngoài việc muốn giữ gìn đặc sắc ẩm thực xứ Quảng thì điều mình muốn là hỗ trợ bà con ở quê. Dù giá cả có chênh một chút so với giá phổ thông trên thị trường nhưng mình và nhiều anh em quê Quảng Nam mở nhà hàng ở miền Nam đều trung thành với sản phẩm quê” - anh Bằng chia sẻ.

Những doanh nhân Quảng Nam phía Nam hỗ trợ các doanh nhân ở quê nhà phát triển thị trường tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PHAN VINH

Doanh nhân Trần Ngọc Đính - Phó Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, ông đang xúc tiến việc đầu tư Trung tâm trưng bày - thương mại các sản phẩm OCOP và khởi nghiệp Quảng Nam nhằm mục đích “gom” sản phẩm và trưng bày quảng bá, marketing cho người tiêu dùng ở TP.Hồ Chí Minh. Dự án này là bước đệm trong việc hình thành hệ thống thương mại đa quốc gia dành cho các sản phẩm Quảng Nam nói riêng và đặc sản của Việt Nam nói chung.

Với mô hình vận chuyển tương tự như các hãng “xe ôm công nghệ” hiện nay, ông Đính sẽ tổ chức cho đội ngũ shipper vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng thông qua ứng dụng riêng. Tận dụng đội ngũ này, truyền thông quảng cáo thực hiện trực quan trên đồng phục, phương tiện và tiếp thị trực tiếp sản phẩm đặc sản địa phương tới khách hàng qua quá trình giao tận tay.

Ông Đính cũng hợp tác với ứng dụng Hahalolo - một ứng dụng thương mại điện tử tại Mỹ, nhằm đưa những sản phẩm OCOP, khởi nghiệp của Việt Nam lên sàn giao dịch này. Ông cũng vừa thành lập công ty và xây dựng trung tâm thương mại sản phẩm Việt Nam tại TP.Okland (bang California, Mỹ).

“Chúng tôi sẽ lo tất cả thủ tục, quy trình xuất khẩu, tiếp cận đại lý bán lẻ và hệ thống logistics đưa sản phẩm Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung đến tận tay người tiêu dùng trên khắp đất nước Mỹ và các quốc gia lân cận trong thời gian tới” - ông Đính cho biết thêm.

HỆ SINH THÁI TỪ DOANH NGHIỆP NHỎ, SIÊU NHỎ

Từ phong trào khởi nghiệp, những năm gần đây Quảng Nam ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, góp phần hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Đưa sản phẩm đi xa

Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đã tạo động lực, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, đưa sản phẩm vươn tầm thế giới, góp phần định hình thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

dn1.jpg
Sản phẩm bánh dừa nướng Quý Thu giới thiệu đối tác doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: C.T

Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quý Thu (Quế Sơn) xuất 1,5 tấn bánh dừa nướng sang thị trường Hà Lan (qua trung gian nhà phân phối). Đây cũng là đơn hàng thứ 5 Quý Thu cung cấp đối tác, mở đường cho sản phẩm doanh nghiệp vào thị trường châu Âu. Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan trở thành thị trường nước ngoài tiếp theo mà sản phẩm bánh dừa nướng Quý Thu hiện diện.

Từ câu chuyện “vươn khơi” của sản phẩm bản địa này sẽ là cơ hội tốt để các sản phẩm nông sản, OCOP của doanh nghiệp Quảng Nam vào các thị trường khó tính châu Âu và thế giới.

Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 407 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP của 325 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hầu hết nhỏ và siêu nhỏ (43 doanh nghiệp, 118 tổ hợp tác, hợp tác xã, 164 hộ sản xuất).

Từ sau đại dịch COVID-19, một số sản phẩm OCOP Quảng Nam từng bước tiếp cận thị trường thế giới, thậm chí xuất khẩu với số lượng lớn như cá nục rim, mỳ Quảng ếch, bánh chưng Bà Ba Hội (Tam Kỳ). Xu hướng này dần phổ biến khi các chương trình xúc tiến thương mại diễn ra rộng khắp, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp sản xuất nông, thủy sản, doanh nghiệp OCOP đưa hàng hóa, sản phẩm đi xa.

Nhân viên Công ty CP Giống thủy sản Kim Hoàng Quảng Nam chuẩn bị lô hàng tôm xuất khẩu. Ảnh: Công ty cung cấp

Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, do phần lớn doanh nghiệp Quảng Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương mại được đơn vị ưu tiên tập trung, từ đó giúp doanh nghiệp tăng cường tiếp cận đối tác, kết nối giao thương. Hầu như sau mỗi sự kiện quảng bá xúc tiến, hội chợ… doanh nghiệp Quảng Nam đều tiếp cận thêm những khách hàng mới.

Bên cạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hàng hóa doanh nghiệp Quảng Nam còn có cơ hội vươn ra thị trường thế giới thông qua việc tận dụng những lợi thế ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do FTA, nhất là với các hàng nông, lâm, thủy sản.

Đồng hành với doanh nghiệp

Nhiều năm liền, Quảng Nam ban hành cơ chế tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy giao thương, tạo điều kiện kết nối thị trường cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Đại diện Sở Công Thương cho biết, hằng năm đơn vị này tổ chức khoảng 10 chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để các doanh nghiệp tham gia. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, làng nghề, hàng nông sản…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, trong cơ cấu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngoài các nhóm hàng công nghiệp, cơ khí chế tạo… nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản có vị trí khá quan trọng. Quảng Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản đạt 300 triệu USD, đến năm 2030 chiếm khoảng 6% trong GRDP cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Sản phẩm được vận chuyển lên tàu xuất khẩu cho đối tác Kia Ấn Độ. Ảnh: P.T

Để hiện thực mục tiêu này, thời gian qua Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp như quy hoạch các vùng nguyên liệu cây ăn trái, trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng hàng năm (khoảng 30.400ha); duy trì mức sản lượng thủy sản khai thác (khoảng 100 nghìn tấn/năm), nuôi trồng (25 nghìn tấn, bao gồm tôm nuôi 19 nghìn tấn)…

Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hình thành nên các doanh nghiệp đầu tàu với các sản phẩm thương hiệu, khẳng định vị thế, chỗ đứng trên thị trường.

Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, hiện các doanh nghiệp cần sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa, bởi hầu hết sản phẩm nông sản của doanh nghiệp Quảng Nam tiêu thụ nhỏ lẻ hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Vì chưa đáp ứng những quy định về pháp lý (từ khâu sản xuất đến khâu chứng chỉ vùng trồng) cho đến quy mô doanh nghiệp sản xuất phần lớn là nhỏ hoặc siêu nhỏ, ứng dụng khoa học công nghệ, vốn liếng đầu tư còn hạn chế, trong khi chưa hình thành doanh nghiệp phân phối kết nối cung cầu; thiếu tính liên kết, sức cạnh tranh thấp... là những yếu tố quan trọng cần khắc phục để doanh nghiệp đưa sản phẩm vươn xa...

ĐỪNG ĐỂ DOANH NGHIỆP NẢN CHÍ

Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận (thôn Thuận An, xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam mua bảo hiểm chỉ số bão để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra đối với diện tích rừng trồng trong mùa mưa bão.

Chuyện tiên phong để giảm thiểu rủi ro đó, báo chí nói đã nhiều. Bữa tôi ngồi hỏi ông Nguyễn Hữu Dương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiệp Thuận, chuyện để có được lễ ký kết là hành trình dài, nhưng tôi nhớ nhất ông nói: “Nông dân không cần biết ký với ai, ra sao, họ chỉ tin tôi”.

tap-huan-ngay-tai-rung.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận tập huấn cho bà con ngay tại rừng.

Làm để nông dân tin

Không dễ nói được câu đó. Nó như “ách giữa đàng”. Làm được như ông Dương, ngoài quyết tâm, thì còn có tình yêu công việc, trách nhiệm và tấm lòng với bà con, bởi được thì tốt, không thì “trăm dâu đổ đầu tằm”.

Ngó vô thấy bề thế, tên tuổi, nhưng không chỉ có thế, mà nói như ông là “trả lời báo chí thì phải nói trơn tru chữ nghĩa, chứ thực ra lắm thứ mệt mỏi”.

Doanh nghiệp như HTX của ông là thuộc loại vừa và nhỏ. Khi tôi nói lâu nay các gói hỗ trợ, phần lớn đến doanh nghiệp lớn, chứ nhỏ và vừa thường ít được. Ông gật.

“Vốn ưu đãi không dễ tiếp cận đâu. Tôi vay của Liên minh HTX, tuy nhiên hạn mức thấp, tiền giải ngân chia ra không nhiều, nhưng phân kỳ thu hồi lại nhanh. Tôi muốn vay thế chấp cho HTX thì không biết lấy chi mà vay” - Nguyễn Hữu Dương nói.

“Tại sao?” - tôi hỏi.

“Toàn vốn tư nhân, nên tôi chỉ biết lấy bìa đỏ của cá nhân. Bên cho vay quan tâm đất rừng, mức cho vay 30 triệu đồng/hecta. Tôi có 15 bìa với diện tích 15ha. Họ thẩm định được 1 tỷ đồng, nhưng khi đi vay thì chỉ được 500 triệu”.

“Lý do?” - tôi nói.

“Không biết! Sau đó họ giải ngân được 200 triệu thôi. Khi HĐND tỉnh lên làm việc, tôi trình bày, thế là 6 tháng sau họ cho vay thêm 300 triệu nữa. Không lẽ không nhận. Trong khi đó, nếu tôi vay của WB3 thì được 20 triệu/ha, hồ sơ thủ tục đơn giản, lại được hưởng lãi suất hộ nghèo” - Nguyễn Hữu Dương trả lời.

Tức là ở đây câu chuyện thủ tục và cơ chế đã quá rườm rà. “Vậy cơ chế có giúp chi được không, nhất là như HTX của anh đang canh tác và chế biến theo chuỗi kinh tế tuần hoàn, quy trình xanh?” - tôi lại hỏi.

Ông Dương trả lời một hơi: “Tôi nói thiệt, chạy theo cơ chế là chết. Rách việc lắm. Ở trên nói rất hay, nhưng nếu trực tiếp xuống chứng kiến con đường tiếp cận vốn từ cơ chế, rồi các thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy, thanh tra, kiểm tra, sẽ thấy doanh nghiệp khổ như thế nào. Nếu nhà nước thực sự hiểu doanh nghiệp đang khổ sở trong môi trường đất - vốn - thủ tục ra sao, sẽ thấy lắm khi tiền nhà nước bỏ ra để hỗ trợ vô ích, tác dụng lan tỏa trong xã hội kém. Cho nên tôi có đồng nào làm đồng đó, không dựa vào nhờ cơ chế chính sách. Cơ chế nhà nước chỉ có tác dụng tiếp sức mà thôi”.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Nói lại chuyện vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ khó tiếp cận bởi nguồn lực, vật lực, nhân lực nhỏ. Mà nhỏ thì tiếng nói giữa thời buổi này khó có trọng lượng.

Bên cho vay là ngân hàng luôn “ngó mặt” để giảm rủi ro, dù cho vay thì được lãi, dù chính sách từ trên xuống là tạo điều kiện này kia.
Mà để được vay, nói như ông Dương là phải tốn… nước, tức là tiền, tốn nhiều cửa chứ không phải một cửa cố định. Ai nói cơ chế thông thoáng một cửa này nọ thuận lợi, nhanh chóng, thì đó là nói trên giấy.

rung-trong-cua-htx-nn-hiep-thuan (1)
Rừng trồng của HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận.

Ông Dương tiếp tục chia sẻ: “Cơ chế hiện nay với doanh nghiệp nhỏ và vừa, y như bỏ hột bắp (cơ chế) vô cái chai và dắt con gà (doanh nghiệp) đi quanh để mổ”.

Nhiều năm qua, các nguồn vốn cho vay ưu đãi chưa bao giờ được giải ngân như kỳ vọng, mà câu kết luận “siêu quen”: Thủ tục rườm rà! Biết bịnh đó mà không có thuốc đặc trị, hoặc trị không tới nơi, cho nên con bệnh “lờn” thuốc, người bệnh chán không thèm chữa nữa.

Về phía người dân, như HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận, bà con chỉ quan tâm lợi nhuận mà thôi, họ không cần biết con đường anh đi ra sao, vấn đề sau cùng là họ lợi gì?

Khi người cầm chịch chứng minh được, có được cái cụ thể, họ mới tin. Tin rồi, họ sẽ nhìn ngược trở lại, sẽ thấy đó là con đường đi đúng. Có vốn hỗ trợ. Có kỹ thuật canh tác kèm hướng dẫn. Có bảo hiểm rủi ro. Có đầu ra ổn định về cả nguồn sản phẩm được bán lẫn giá cả. Có nguồn nguyên liệu dồi dào. Họ sẽ tin tưởng và đi cùng với mình. Như ở HTX này, bà con đồng thuận rất cao. Đó là thuận lợi để mọi người cùng nhau gắng sức làm ăn.

nguon-tai-tro-cua-cac-to-chuc-nuoc-ngoai-ve-phat-trien-xanh-gop-phan-tao-moi-truong-da-dang-sinh-hoc.jpg
Nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài về phát triển xanh góp phần tạo môi trường đa dạng sinh học.

Nhìn vô doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ thấy sự mệt mỏi khó giấu đằng sau sự vui vẻ, rộng rãi. Họ gánh trọng trách dẫn dắt lắm khi tưởng chừng quá sức. Phải đối mặt với đủ thứ nhiêu khê, nhưng không thể không làm, bởi chính đồng tiền họ bỏ ra, không thể đứng nhìn nó… bốc hơi. Họ phải thiết lập được quy trình đúng và khả năng chịu đựng được áp lực không ngừng giáng xuống, nếu không sẽ phá sản.

Sau dịch COVID-19 đến nay, việc doanh nghiệp hoạt động khó khăn đã ảnh hưởng đến nội lực của nền kinh tế ra sao, khỏi cần phải nói lại. Hiểu được giá trị của doanh nghiệp và thực sự mở cánh cửa làm ăn dễ dàng, đúng pháp luật, tôn trọng lợi ích của họ, không lợi dụng nhãn mác nhà nước để trục lợi họ… Làm cho được - đúng - đủ những điều đó, may ra không còn những tiếng kêu triền miên.

Nội dung: VĨNH LỘC - PHAN VINH - GIA KHANG - MỘC MIÊN

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp, doanh nhân xứ Quảng: Cùng nhau vượt chông gai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO