Xã hội

Tháp Bằng An trong bóng thời gian

QUỐC TUẤN 19/10/2024 09:50

(QNO) - Rêu phong qua gần nghìn năm tồn tại cộng với việc chưa thu hút được khách du lịch khiến tháp Chăm Bằng An (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) khẽ khàng và ngày một xuống cấp theo thời gian.

dji_0670.jpeg
Tháp Bằng An nằm trên tỉnh lộ ĐT609 cách đô thị cổ Hội An khoảng 14km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam. Ảnh: Q.T

Tháp Chăm Bằng An là một trong những tháp Chăm cổ còn sót lại trên địa bàn tỉnh, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII và được coi là một tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn trong lịch sử điêu khắc Chămpa và là di tích có giá trị cao về lịch sử và tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm.

Trải qua thời gian cũng như chiến tranh tàn phá, tháp Chăm Bằng An hiện còn lại một tháp thờ chính có mặt bằng hình bát giác cao khoảng 21m. Cấu trúc tháp Bằng An được chia làm hai phần tiền sảnh và điện thờ. Phần tiền sảnh khá dài, cửa ra vào ở hướng Đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa ra vào phụ (năm 1940 được trùng tu lại thành 2 cửa sổ). Toàn bộ tiền sảnh còn lại đến nay khá nguyên vẹn, tuy rằng phần đỉnh đã sạt lở và mất các chi tiết trang trí ở các cạnh.

bằng an 5
Trải qua thời gian cũng như chiến tranh tàn phá, tháp Chăm Bằng An hiện còn lại một tháp thờ chính có mặt bằng hình bát giác cao khoảng 21m. Ảnh: Q.T

Phần điện thờ của tháp Bằng An có mặt bằng bát giác. Nhìn xa, Điện thờ của Bằng An được phân ba phần rõ rệt: Đế, thân bát giác và mái hình chóp tạo bởi tám mặt cong dần về phía đỉnh. Hình dáng của điện thờ như một khối Linga khổng lồ cao gần 21m, còn mặt bằng của toàn bộ tháp lại gợi lên hình ảnh Yoni.

Bên ngoài tháp hiện nay còn 2 pho tượng Gajasimha bằng sa thạch, chiếc vòng lục lạc của Gajasimha Bằng An giống như vòng lục lạc của Gajasimha Chánh Lộ và Chiên Đàn, bộ lông gáy được cách điệu, các móng chân được thể hiện rõ, chiếc vòi ngắn và cong lên.

Tháp Bằng An là di tích văn hóa Chămpa (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) nằm trên tỉnh lộ ĐT609 cách đô thị cổ Hội An khoảng 14km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam. Di tích tháp Chăm Bằng An được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1989.

Do nằm gần khu dân cư tại phường Điện An mà không có các biện pháp ngăn cách, bảo vệ nên hiện trạng cảnh quan xung quanh tháp hiện nay khá lộn xộn, điều kiện môi trường kém, gây mất mỹ quan, tình trạng gần như hoang phế làm giảm giá trị ngôi tháp.

bằng an 4
Bên ngoài tháp hiện nay còn 2 pho tượng Gajasimha bằng sa thạch. Ảnh: Q.T

Trước thực trạng này, tháng 12/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích tháp Chăm Bằng An. Cuối tháng 9/2024, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có tờ trình gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị bộ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Theo Sở VH-TT&DL Quảng Nam, tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 8,3 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Mục tiêu của dự án là bảo tồn, tu bổ tháp Chăm Bằng An nhằm phục hồi, ổn định lâu dài cho các cấu trúc của di tích; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

bằng an 2
Tình trạng của tháp Bằng An hiện tại gần như hoang phế nên UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích tháp Chăm Bằng An với tổng mức đầu tư dự án hơn 8,3 tỷ đồng. Ảnh: Q.T

Dự án sau khi được đầu tư được ký vọng sẽ ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ, mất mát, tăng cường độ bền vững, ổn định lâu dài cho cấu trúc di tích có giá trị văn hóa nghệ thuật cao, góp phần bảo tồn địa chỉ văn hóa có giá trị lớn và độc đáo của tỉnh và khu vực trong chuỗi hình thành và phát triển của văn hóa Chăm trong lòng văn hóa Việt. Đồng thời, cũng tạo tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch của địa phương.

QUỐC TUẤN