Lâm nghiệp

Phước Sơn tập trung phát triển kinh tế từ cây dược liệu

PHAN VINH - LÊ MỸ 27/11/2024 13:48

(QNO) – Từ định hướng quy hoạch vùng trồng, huyện Phước Sơn đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực.

dsc01223.jpg
Vườn ba kích của chị Nguyễn Thị Hằng. Ảnh: Q.V

Chủ động tham gia

Khoảng 5 năm trước, khi xem qua một chương trình truyền hình về mô hình kinh tế tiêu biểu miền núi, chị Nguyễn Thị Hằng (xã Phước Năng, Phước Sơn) ấn tượng với mô hình trồng ba kích ở Tây Giang. Sau đó, chị tìm đến tận nơi, tham quan và học hỏi mô hình. Khi thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở đó có nét tương đồng với Phước Sơn, chị Hằng đã nhập giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 500m2 đất của gia đình.

Tiếp đó, chị di thực cây ba kích tím bản địa từ rừng về vườn trồng, nhân giống. Cả hai loại ba kích đều sinh trưởng, phát triển tốt. Chỉ sau 3 năm, chị bắt đầu thu hoạch và được khách hàng đến hỏi mua với giá khá cao.

"So với cây keo trước đây, trồng 5-6 năm nhưng mỗi cây giống chỉ bán được 15-20 nghìn đồng. Còn ba kích không tốn công chăm sóc, chỉ trồng 3 năm nhưng mỗi gốc nặng 1,5kg, người mua giá thấp nhất cũng hơn 100 nghìn đồng/kg. Trồng ba kích tỷ lệ rủi ro thấp hơn các cây khác, vì tài sản của mình nằm ở dưới đất, không sợ gió bão" - chị Hằng nói.

dsc01226.jpg
Cây ba kích sinh trưởng, phát triển tốt trên đất Phước Sơn. Ảnh: Q.V

Sau thành công bước đầu, chị Hằng thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng, mở rộng diện tích trồng ba kích lên hơn 3.000m2. Đồng thời liên kết với 30 hộ dân thâm canh trồng khoảng 5ha. Chị Hằng cho biết, HTX đang cải tạo đất, tiếp tục trồng thêm 5ha tại xã Phước Hiệp trong thời gian tới. Loại giống chủ lực để phát triển, liên kết là ba kích tím Phước Sơn.

Năm 2022, Phước Sơn thử nghiệm di thực giống sâm Ngọc Linh về trồng tại khu vực thôn 3, xã Phước Lộc. Trong đó, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh được 1.000 cây giống, UBND huyện Phước Sơn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn 500 cây trồng ở khu vực có độ cao 1.200m so với mực nước biển; giao cho nhóm hộ 500 cây trồng ở độ cao 1.400m.

Kết quả cho thấy, giống sâm Ngọc Linh do người dân trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Do đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn đã di dời vườn trồng lên cùng độ cao với nhóm hộ. Đến nay, sâm đều phát triển tốt, song do chưa đủ thời gian thu hoạch nên việc kiểm định chất lượng còn phải chờ đợi thêm.

[VIDEO] - Vườn ba kích tím của chị Nguyễn Thị Hằng:

Linh hoạt...

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, địa phương có đề án quy hoạch diện tích khoảng 1.000ha trồng dược liệu giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, do địa hình đặc thù với nhiều vùng núi cao, vực sâu nên vùng dược liệu không nằm tập trung mà phân bố rải rác các xã.

Trong đó, có vùng rộng khoảng 590ha ở xã Phước Công và Phước Chánh được quy hoạch chuyển đổi từ cây keo sang các cây trồng gỗ lớn, xen canh dược liệu. Cạnh đó, có một doanh nghiệp cũng đang làm thủ tục xin giấy phép đầu tư trồng 130ha cây sa chi trên địa bàn huyện Phước sơn.

3.jpg
Người dân chủ động phát triển mô hình xen canh cây gỗ lớn với ba kích. Ảnh: Q.V

Theo ông Trung, để nâng cao giá trị kinh tế, việc thay thế diện tích trồng keo qua rừng trồng gỗ lớn và xen canh cây dược liệu nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài là phương án sẽ mang lại hiệu quả và bền vững. Trong khi chờ rừng gỗ lớn phát triển, việc trồng xen các loại cây dược liệu như ba kích, đẳng sâm, sa chi, sa nhân... sẽ tạo ra nguồn thu nhập ngắn hạn.

Tuy nhiên, để làm được điều này, người dân phải thay đổi tư duy trông chờ, thụ động như giai đoạn trồng keo. Bởi họ sẽ phải lao động nhiều hơn, bỏ công sức chăm bón để thu hoạch được kết quả như mong muốn.

"Việc phát triển cây dược liệu ở Phước Sơn không thể thành lập vùng rộng lớn do điều kiện thổ nhưỡng khác biệt, vì vậy, người dân phải hoàn toàn chủ động quyết định giống cây trồng và trồng ở đâu. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ về cây giống, trang thiết bị, cơ sở vật chất và các cơ chế, chính sách. Mặc khác, người dân chủ động trồng sẽ gần hơn với nhu cầu thị trường. Bởi, trong việc phát triển dược liệu bền vững, đầu ra sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành bại của mô hình kinh tế" - ông Trung nói.

[VIDEO] - Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn chia sẻ về định hướng phát triển dược liệu của địa phương:

PHAN VINH - LÊ MỸ