Chủ động ứng phó với mưa lớn từ ngày 23 - 26/12
(QNO) - Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với phần xa phía bắc rãnh thấp qua Nam Bộ, từ ngày 23 đến 26/12 các địa phương của tỉnh Quảng Nam có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, dự báo tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía tây bắc phổ biến 50 - 100mm, có nơi cao hơn 150mm; vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía tây nam phổ biến 100 - 200mm, có nơi hơn 300mm. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định đợt mưa này còn diễn biến phức tạp, đề nghị các cấp, ngành, địa phương theo dõi liên tục các tin cảnh báo.
Dự báo trong ngày và đêm 21/12, vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 5, giật cấp 6, đêm có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 1,5-3m. Vùng biển ngoài khơi gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, đêm mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3,5m.
Ngày và đêm 22/12, vùng biển Quảng Nam có mưa, mưa rào rải rác, gió Bắc đến Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng cao 2-4m. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng biển cao.
Để chủ động ứng phó mưa lớn và thời tiết nguy hiểm trên biển, ngày 20/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra từ ngày 11/12 đến 16/12. Kiểm tra, thống kê đánh giá, báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại đảm bảo theo quy định.
Chủ động sử dụng nguồn lực của cơ quan, đơn vị, địa phương để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của thiên tai. Trường hợp vượt quá khả năng cân đối, đề xuất nhu cầu hỗ trợ cụ thể theo mức quy định hiện hành và thực tế thiệt hại, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh, sóng lớn trên biển. Thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Chủ động rà soát, kiểm tra các khu dân cư ven sông suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh. Tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
Rà soát, chủ động bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, cắm biển cảnh báo, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông suối, hồ chứa nước. Kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.
Thông báo cho chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó. Có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình, thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ diện tích nông nghiệp đã gieo trồng. Tổ chức khơi thông dòng chảy, kênh tiêu, chuẩn bị sẵn sàng phương án bơm tiêu úng để tăng cường tiêu, thoát nước, hạn chế ngập úng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
Thông báo đến người dân về tình hình mưa lũ để chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp, đặc biệt là các khu vực trũng thấp, bãi bồi ven sông. Chủ động phương án để hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp tiêu úng, thoát nước, bảo vệ sản xuất; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du. Chủ động xây dựng phương án điều tiết vận hành cụ thể theo các kịch bản mưa. Căn cứ diễn biến mưa để tính toán vận hành đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ hợp lý cho vùng hạ du, đồng thời đảm bảo đủ nước phục vụ dân sinh, sản xuất năm 2025. Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Sở GD-ĐT triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, sạt lở đất.