Thách thức trong phòng chống gian lận thương mại
(QNO) – Năm 2024, mặc dù số vụ vi phạm gian lận thương mại giảm 13,81% so với cùng kỳ nhưng tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, kinh doanh trốn thuế thương mại điện tử.
Sáng nay 9/1, diễn ra Hội nghị tổng kết chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Nam (Ban Chỉ đạo 389) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389.
Diễn biến khó lường
Theo ông Lương Viết Tịnh – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ở hầu hết các địa bàn từ tuyến biên giới đất liền, địa bàn nội địa đến tuyến cảng biển.
Cụ thể, trên tuyến biên giới đất liền, năm 2024, nổi lên hoạt động của tội phạm ma túy, các lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang với số lượng lớn (39 vụ với 62 đối tượng, thu giữ 1 xe ô tô và 196,151kg ma túy các loại).
Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về vận chuyển trái phép pháo (thu giữ 104kg pháo các loại); vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm; hàng hóa nhập lậu; mua bán lâm sản trái pháp luật…
Riêng với địa bàn nội địa, mặc dù tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả diễn ra có quy mô, số lượng nhỏ lẻ, tuy nhiên, các phương thức, thủ đoạn gian lận thương mại có xu hướng phức tạp khi dịch chuyển sang môi trường kinh doanh trên nền tảng số, ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook...) gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.
“Các đối tượng kinh doanh online lập nhiều tài khoản trên các ứng dụng xã hội hoặc mở gian hàng điện tử trên các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử, chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm giới thiệu nhưng không công khai địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung. Đồng thời, sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh giao hàng gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm” – ông Tịnh dẫn chứng.
Năm 2024, các đơn vị, lực lượng chức năng thông qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện, bắt giữ 1.585 vụ việc (giảm 13,81% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, bắt giữ 472 vụ việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 47,5% so với cùng kỳ), 1.084 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 27,59% so với cùng kỳ năm 2023), 29 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 31,82% so với cùng kỳ 2023). Xử lý vi phạm hành chính 1.820 vụ việc (tăng 9,24% so với cùng kỳ). Thu nộp ngân sách nhà nước gần 163,6 tỷ đồng (tăng 8,01%). Khởi tố hình sự 285 vụ với 568 đối tượng.
Tăng cường phối hợp
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 diễn ra hôm nay 9/1, đại diện một số sở ngành nhìn nhận, tuy kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý hoạt động kinh doanh, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm đạt được kết quả tích cực, nhưng việc xử lý gian lận thương mại, gian lận thuế... nhất là trên môi trường thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội còn ít so với diễn biến thực tế.
Nguyên nhân do việc xác định địa điểm, nơi các đối tượng vi phạm trên môi trường thương mại điện tử rất khó khăn. Chưa kể, việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán hàng trên các trang mạng xã hội có chủ thể quản lý ở nước ngoài như Facebook, Twitter, Tiktok... khá dễ dàng, dẫn đến việc khó truy xuất dữ liệu, thu thập thông tin đối tượng vi phạm.
Cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các quy định pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của các ngành, lực lượng chức năng còn trùng lặp, chồng chéo, chưa thông nhất, đồng bộ…
Thượng tá Hà Thế Xuyên - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam thông tin, tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng lậu, chủ yếu diễn ra khu vực đồng bằng (Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành…) hoặc qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang và trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quốc lộ 1... Phương thức thủ đoạn chủ yếu mua nhập lậu hàng hóa từ các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh nên tình hình rất phức tạp.
“Tại Khoản 5a, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trừ các trường hợp như động vật, thực vật sống; hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng khó bảo quản theo quy định của pháp luật, nhưng thực tế khó áp dụng với nhiều trường hợp như gỗ, đất san lấp, cát đá, máy xúc, tàu thuyền… nên cần có quy định mở hơn đối với những trường hợp không thể niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Chưa kể, không ít hàng hóa tịch thu nhiều năm vẫn không đấu giá thanh lý được gây lãng phí tài sản và tốn chi phí lưu giữ” – ông Xuyến nói thêm.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam, bên cạnh bám sát, thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong năm 2025, thời gian tới cần tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các lực lượng chuyên trách (công an, biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường…) trong phòng chống gian lận thương mại để nâng cao tính hiệu quả.
Trước mắt thực hiện kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Ất Tỵ 2025. Đặc biệt, sắp tới khi quốc lộ 14D được đầu tư mở rộng, lưu lượng xe từ cửa khẩu Nam Giang về sẽ tăng cao nên cần tăng cường các giải pháp, phương tiện chuyên dụng, hiện đại nhằm phòng chống gian lận thương mại hiệu quả và toàn diện.