Chàng trai 9X Tiên Phước khởi nghiệp từ gỗ địa phương
(QNO) - Tận dụng nguồn gỗ địa phương, anh Võ Văn Hoài (SN 1990, thôn Thanh Bôi, xã Tiên Châu, Tiên Phước) đã biến đam mê thủ công mỹ nghệ của mình thành mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Chén đĩa gỗ của chàng trai Tiên Phước nay đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, xuất khẩu sang Hàn Quốc.
![img_5610.jpg](https://bqn.1cdn.vn/2025/02/10/img_5610.jpg)
Khởi nghiệp từ gỗ làng
Từ khi còn là một cán bộ đoàn, anh Võ Văn Hoài đã trăn trở làm sao phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Năm 2015, anh vào tỉnh Bình Dương học làm nút áo bằng vỏ ốc xà cừ. Sau đó anh ra Bắc học nghề khảm ngọc trai lên gỗ, rồi quay lại Bình Dương tiếp tục học làm sơn mài.
Thành thạo nghề trong tay, anh Hoài cùng những người đồng chí hướng hợp tác mở xưởng gia công gỗ sơn mài tại khu đô thị Tân Phú, tỉnh Bình Dương. “Công việc ổn định, có lượng khách hàng lớn, tìm được thị trường xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, tôi muốn về quê khởi nghiệp, thực hiện mơ ước của mình từ chính nghề mình học được để góp phần vào sự giàu đẹp của quê nhà” - anh Hoài nói.
![img_5573.jpg](https://bqn.1cdn.vn/2025/02/10/img_5573.jpg)
Mang hoài bão lớn, năm ngoái chàng trai ấy tìm về xứ Tiên. Tận dụng gỗ địa phương, anh Hoài sản xuất chén, bát, dĩa từ gỗ keo lá nhỏ, gỗ xà cừ; làm muỗng, xẻng xào bằng gỗ cây nhãn lồng; tạo đũa gỗ bởi cây bòn bon, làm đồ thờ cúng bằng gỗ mít, cây lạc mất…
![img_5584.jpg](https://bqn.1cdn.vn/2025/02/10/img_5584.jpg)
Võ Văn Hoài chia sẻ: “Những mùa lạc mất bung hoa, mùa bòn bon sai quả, mùa mít thơm ngát vườn nhà… là tuổi thơ, là quê hương của tôi. Nhất là những cây bòn bon, mỗi năm nhà tôi thu được hơn 30 tấn vậy mà khi gặp gió, bão ngã đổ cây lại chỉ làm củi đốt. Nó trở thành nỗi trăn trở của tôi suốt thời niên thiếu. Vì thế tôi muốn về quê sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ chính những loài cây địa phương này”.
[VIDEO] - Anh Võ Văn Hoài chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình:
Sau hơn 1 năm khởi nghiệp, nay Tổ hợp tác sản xuất - thương mại - dịch vụ Tân Nhật Sơn của chàng trai 9X đã giải quyết việc làm cho 6 nhân công địa phương. Những đồ gia dụng bếp làm từ gỗ Tiên Phước sau khi hoàn thiện được đóng gói mang vào Bình Dương, đặc biệt được ưa chuộng sử dụng tại Hàn Quốc.
Chén đĩa Tân Nhật Sơn
Mong muốn xúc tiến thương mại mạnh mẽ, phát triển sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong tương lai, anh Hoài nỗ lực mang chén đĩa Tân Nhật Sơn của mình đến với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Cuối năm 2024, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự ủng hộ từ người dân địa phương và sự tâm huyết đặt vào từng sản phẩm, chén đĩa từ gỗ keo, gỗ xà cừ của chàng trai Tiên Châu đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
![5(2).jpg](https://bqn.1cdn.vn/2025/02/10/5(2).jpg)
Để hoàn thiện một bộ chén đĩa đạt chuẩn, anh Hoài đặt đội thu mua cây, lấy nguyên liệu từ các loại cây trồng trên địa bàn huyện Tiên Phước. Anh đầu tư cho xưởng gỗ của mình gần 250 triệu đồng với các loại máy móc như máy cắt phôi, máy lọng, máy tiện chép hình, chà nhám đánh bóng… Mỗi tháng Tổ hợp tác sản xuất - thương mại - dịch vụ Tân Nhật Sơn trung bình tạo ra 1.000 bộ chén đĩa với giá thành 55.000 đồng/bộ.
“Bên cạnh yếu tố nguồn nguyên liệu gỗ địa phương, sản phẩm mỹ nghệ Tân Nhật Sơn của mình còn mang đặc trưng về loại sơn thực vật độc quyền. Mình luôn ưu tiên an toàn sức khỏe do sản phẩm của mình dùng để ăn uống. Mình đã tìm hiểu kỹ càng về sơn gốc thực vật chiết xuất từ thiên nhiên như lá rau lang, quả gấc… và đem sản phẩm kiểm định kỹ càng an toàn thực phẩm”
Anh Võ Văn Hoài
![6(2).jpg](https://bqn.1cdn.vn/2025/02/10/6(2).jpg)
Cũng theo anh Hoài, vì là sơn từ thực vật nên sau khoảng 1 năm sử dụng sản phẩm sẽ phai màu. Do vậy trong vòng 1 năm, khách hàng có thể mang sản phẩm đến cơ sở của anh bảo hành hoặc khi bán sản phẩm sẽ kèm theo cho người dùng một bình sơn để lau màu sản phẩm cho mới.
Tuy nhiên, chàng trai 9X vẫn trăn trở về sản phẩm của mình làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng bản địa bởi giá thành còn khá cao. Anh mong muốn: “Người dân nào có gỗ sẽ đem đến gia công tại xưởng của mình. Những loại gỗ như bòn bon, keo, xà cừ… ở Tiên Phước rất nhiều, người dân có thể dùng sản phẩm từ cây mình trồng, sử dụng lại thành quả lao động của chính mình”.
[VIDEO] - Anh Võ Văn Hoài chia sẻ về phẩm chén đĩa OCOP 3 Tân Nhật Sơn:
Điều đáng mừng là những bộ chén đường kính 11cm, đĩa đường kính 16cm được chế tác tỉ mỉ từ công đoạn chọn gỗ, đến từng đường cắt, loại màu sơn an toàn đang được ưa chuộng tại xứ sở kim chi...