Nguồn nước bị suy giảm khiến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Ngược lại, mặt trái của các hoạt động kinh tế - xã hội càng khiến cho tài nguyên nước thêm biến động. Vậy, Quảng Nam cần phải thực hiện những gì để ổn định tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững?
Nuôi tôm sát nhà gây tác hại lớn đến nguồn nước.Ảnh: QUANG VIỆT |
BÀI 1: SUY THOÁI NƯỚC NGẦM
Nguồn nước ngầm bị thoái hóa, suy kiệt là nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt đến đỉnh điểm ở các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này.
Tiết kiệm nước
Tháng 6, đến các địa bàn thuộc vùng đông nam của tỉnh, chúng tôi cận cảnh chứng kiến nỗi vất vả của người dân vì thiếu nước sinh hoạt. Tại thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành), các hộ phải tiết kiệm từng ca nước sạch cho các sinh hoạt thường nhật. Chị Phạm Thị Phượng (tổ 1, thôn Hòa Bình) nhễ nhại mồ hôi, quệt tay lau trán rồi chia sẻ: “Tôi đã phải dùng nước rửa rau sạch để tận dụng giặt áo quần. Chừ giặt xong rồi, chỉ cần ít nước sạch để làm sạch xà phòng mà chực chờ cả tiếng đồng hồ cũng chưa được”. Nói đoạn, chị Phượng vặn đi vặn lại vòi nước được kết nối với đường ống dẫn nước sạch vào nhà, bất lực vì không một giọt nước nhỏ rỉ ra. Từ năm 2004, gia đình chị Phượng đầu tư hệ thống nước sạch, nối với đường dẫn nước chung dành cho các hộ dân ở tổ 1, thôn Hòa Bình, nhưng vài năm trở lại đây thì hệ thống nước này xảy ra sự cố. “Tôi đã dậy thật sớm, chọn thời điểm ít hộ sử dụng nước sạch nhất để mở nước, giữ lại trong bể dùng cho cả gia đình. Do nguồn nước quá ít ỏi nên hầu như cả khu vực này đều lâm vào cảnh thiếu nước” - chị Phượng nói.
Khan hiếm nước sinh hoạt trên diện rộng Theo UBND xã Bình Phú (Thăng Bình), hiện tại trên địa bàn có 2 công trình nước sạch, bố trí tại thôn Phước Hà và Lý Trường. Trên địa bàn có 1.200 hộ dân nhưng lượng nước sinh hoạt mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Riêng ở thôn Linh Cang, do không có công trình nước sạch nên người dân phải tự lo liệu nguồn nước sinh hoạt lấy từ các sông suối trên địa bàn. “Nguồn nước chủ yếu được người dân Linh Cang sử dụng là tự nhiên từ Hố Thác. Nguồn nước này vốn rất sạch, trong, uống rất ngon nhưng do thiên tai và từ các hoạt động của con người nên đã nhiễm bẩn trong thời gian gần đây. Rất lo khi sử dụng nguồn nước không đảm bảo” - ông Đoàn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú nói. Theo ông Hùng, thời gian gần đây, trên địa bàn có nhiều hộ dân tự đào giếng tìm nguồn nước ngọt. Tuy nhiên, một số giếng đào có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các hoạt động nông nghiệp như sử dụng thuốc trừ sâu, các nguồn chất thải của người và động thực vật. Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, việc sử dụng thường xuyên và lâu dài nguồn nước không đảm bảo này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân như dễ gây dịch bệnh, khả năng mắc các bệnh về đường ruột, tiêu hóa là rất cao, thậm trí còn có thể gây ung thư. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Viết Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hòa (HTX Tam Hòa) cho biết, cứ hễ đến mùa khô là nhiều khu vực của xã Tam Hòa thiếu nước sạch, đặc biệt là thôn Hòa Bình và thôn Bình An. Theo ông Hoàng, từ năm 2004, tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã đến đầu tư tại địa phương công trình nước sạch tập trung gồm 5 bể chứa, bố trí ở các thôn Đông Thạnh, Nam Sơn, Hòa Xuân và Bình An. Thời điểm đó, nước rất sạch, khi hút lên có thể uống ngay mà không cần phải xử lý. Nguồn nước dồi dào khiến cho người dân ở cả 8 thôn trên địa bàn đều thoải mái sử dụng. Đến năm 2012, khi phong trào nuôi tôm trên cát nở rộ ở địa phương thì nguồn nước trở nên khan hiếm. Hiện công trình nước sạch này được bàn giao cho HTX Tam Hòa quản lý nhưng nguồn cung nước không đủ để cấp cho các hộ dùng vì nước ngầm suy kiệt. Các bể chứa nước cũng lần lượt hư hỏng, hiện tại chỉ còn bể duy nhất ở thôn Bình An. Không chỉ thiếu, chất lượng nước đã giảm sút thấy rõ. Chỉ cần vốc nước vào tay đưa lên mũi thì có thể nhận biết mùi hôi. Nước đổi màu nhanh chóng, màu trắng trong chuyển qua vàng đục. Ông Hoàng nói: “Khi mới đầu tư hệ thống nước sạch, không ai nghĩ cần phải có hệ thống lọc nước. Vậy mà chừ nước nhiễm phèn quá, không lọc được nước tại công trình thì người dân phải tự đầu tư lọc khi dẫn nước về nhà. Phèn thì có thể lọc được, có điều là nguồn nước ngày càng nhiễm mặn, người dân bất lực vì không lọc được”. Cũng theo ông Hoàng, mặc dù nước không đảm bảo chất lượng nhưng người dân vẫn sử dụng vì họ không có lựa chọn nào khác.
Theo ông Nguyễn Quang Diệu - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa, trên địa bàn 8 thôn của xã có tổng cộng 2.400 hộ dân. Nhiều hộ dân phải mua nước đóng bình về uống. Mọi sinh hoạt hằng ngày liên quan đến nước, người dân chỉ có thể dùng một nguồn từ công trình nước sạch tập trung do HTX Tam Hòa quản lý. Điều đáng nói là nguồn nước sinh hoạt mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sử dụng. Theo UBND xã Tam Hòa, trước đây có nhiều hộ tự đóng giếng, dùng mô tơ hút nước để sử dụng nhưng nhiều giếng khoan không hút được vì nguồn nước ngầm suy giảm. “Rất mong các ban ngành của huyện, tỉnh về khảo sát, đánh giá nguồn nước ngầm trên địa bàn để xem xét, có thể đầu tư công trình nước sạch, đảm bảo về lượng và chất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân” - ông Diệu nói.
Quá bức bách
Theo UBND huyện Núi Thành, nước sạch là vấn đề khá bức bách của người dân toàn huyện. Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, hiện tại, trên địa bàn huyện Núi Thành có tổng cộng 29 công trình nước sạch, trong đó tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đầu tư 23 công trình, còn lại là các công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch. Những công trình kể trên đã phần nào đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân nhưng thiếu ổn định. Nguyên nhân là nguồn nước ngầm bị cạn kiệt. Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn ngày càng lớn nhưng lượng nước sạch cung cấp còn hạn chế. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm không hợp lý dẫn đến tình trạng nước bị nhiễm mặn khá phổ biến. Người dân không đủ nước sạch để sử dụng nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe.
Công trình nước sạch chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân xã Tam Hòa. Ảnh: QUANG VIỆT |
Tại các xã ven biển của huyện Thăng Bình như Bình Nam, Bình Hải, người dân cũng đang điêu đứng vì thiếu nước sạch. Điểm chung là khu vực này bị giới hạn bởi sông Trường Giang và biển. Nuôi tôm trên cát bắt buộc phải hút nguồn nước ngọt tại chỗ để điều hòa độ mặn nguồn nước được lấy từ biển về, làm suy kiệt nguồn nước ngầm. Theo nguyên tắc thẩm lậu, nước từ nơi nhiều thấm đến nơi ít, nước lợ từ sông Trường Giang cũng như nước biển ngấm vào đất khu vực này gây nhiễm mặn. Ông Trần Ngọc Văn - Trưởng phòng Nước & khí tượng thủy văn (Sở TN-MT) khẳng định, nguồn nước ngầm ở các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh ngày càng bị suy kiệt, nhiễm mặn. Ông Văn ước tính, bình quân mỗi 1ha nuôi tôm trên cát thải ra môi trường hơn 3.000m3 nước thải/năm, tương đương tổng lượng thải toàn tỉnh là 6 triệu mét khối/năm. Hàng năm, lượng bùn lắng đọng dưới đáy ao nuôi có độ dày khoảng 0,1 - 0,3m thải ra môi trường trong quá trình cải tạo ao nuôi. Cũng phải kể đến chất thải của tôm, thức ăn thừa bị thối rữa, các chất tồn dư hóa chất, vôi, khoáng chất, lưu huỳnh, các chất độc hại có trong đất phèn cũng sẽ làm xấu đi chất lượng các nguồn nước ngầm.
Trong ký ức của nhiều người, sông Trường Giang từ những năm 2000 trở về trước, nguồn nước trong xanh, có thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cư dân ven sông. Từ khi nuôi tôm trên cát ồ ạt đã làm thay đổi chất lượng nước sông, rong tảo phát triển mạnh, dòng chảy hạn chế dần. Nước biển cũng bị biến động. Người dân xã Bình Hải khẳng định khu vực nước biển tại thôn Phước An luôn gây ngứa, có mùi khó chịu và đặt nghi vấn là do ô nhiễm nguồn nước thải quá lớn từ nuôi tôm xả ra.
_______
Bài 2: Khô hạn, xâm nhập mặn
NGUYỄN QUANG VIỆT