(VHQN) - Du khách đến Huế, sau khi thăm những thắng cảnh nổi tiếng và thưởng thức các món đặc sản của cố đô, còn muốn được nghe ca Huế - thú vui tao nhã và đầy quyến rũ ở chốn kinh kỳ xưa.
Thực ra thì phải gọi là ca nhạc Huế mới đúng, bởi môn nghệ thuật này bao gồm cả ca và nhạc. Đó là một hệ thống gồm hơn 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc, thuộc hai nhóm: điệu Bắc và điệu Nam.
Nương dòng lịch sử
Thuộc về điệu Bắc (còn gọi là điệu Khách) là những nhạc khúc mang âm hưởng tươi vui, thanh thoát, nhịp điệu nhanh, như Phú lục, Cổ bản, Long ngâm, Lộng điệp, Lưu thủy và 10 bài liên hoàn khúc là: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.
Thuộc về điệu Nam là những bản nhạc mang âm hưởng buồn, chất nhạc dàn trải, sâu lắng, trữ tình như Hành vân, Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Quả phụ, Tương tư khúc, Tứ đại cảnh… Ngoài ra còn có những bài bản hơi dựng, nghĩa là dựng lời ca lên khác với hơi ca bình thường, với các làn điệu Cổ bản dựng, Nam bình dựng…
Không ai rõ ca Huế ra đời từ bao giờ, nhưng thời Tự Đức (1848 - 1883) ở Huế đã lưu hành ít nhất 25 bản nhạc, trong đó có 10 bản có lời (9 bản viết bằng chữ Hán, 1 bản viết bằng chữ Nôm).
Lời thơ trong ca Huế rất trí tuệ, mang tính bác học; ngôn từ được trau chuốt hoàn mỹ. Có điều này vì ca Huế là một loại ca nhạc thính phòng của tầng lớp quý tộc. Họ là vua chúa, quan lại, nho sĩ có tài thi phú và học vấn uyên thâm nên đã soạn những lời ca hàm súc và trau chuốt.
Những thi sĩ nổi tiếng đương thời như vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, các công chúa Trọng Khanh, Thúc Khanh, Quý Khanh (hoàng nữ của vua Minh Mạng), đều là những người đã từng sáng tác lời thơ cho ca Huế.
Xứ Huế có những làn điệu dân ca như hò mái nhì, hò mái đẩy… khoan thai, dàn trải, đầy thương cảm, ngọt ngào; có các điệu hò bài thai, hò đưa linh… độc đáo, đầy sáng tạo; có những kiểu hò giã gạo, giã vôi, giã điệp (để làm tranh Sình) dồn dập, nao nức, cùng những điệu lý con sáo, lý hoài xuân, lý hoài nam, lý tình tang… huê tình, gợi nhớ, gợi thương.
Ngoài dòng âm nhạc dân gian này, Huế còn có dòng âm nhạc cung đình trang trọng, kiêu sa. Đó là nhã nhạc - nhạc lễ cung đình triều Nguyễn - uy nghi và phong phú, với giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc, tế nhạc, cung trung nhạc...
Ca Huế nằm ở giữa hai dòng nhạc đó. Đó không phải là một phiên bản của âm nhạc dân gian, cũng chẳng là dị bản của nhã nhạc cung đình. Ca Huế có đặc trưng riêng, thần thái riêng của một loại nhạc thính phòng sang trọng, về sau đã lan xa tới vùng đất Nam Bộ, phát triển thành nhạc tài tử miền Nam, tiền thân của nhạc cải lương.
Phẩm chất ca Huế
Ca Huế có chất trữ tình, sâu lắng; có cái ngọt ngào, duyên dáng làm xao động lòng người; có buồn thương, luyến tiếc; có trong sáng, vui tươi. Lời ca trí tuệ, nhịp điệu bình thản, ung dung như nhịp sống của con người xứ Huế.
Ca Huế không phải là lối giải trí mang tính khoa trương, xô bồ. Nó có sự chọn lựa khán giả. Đêm ca Huế có thể được tổ chức trong một thính phòng nho nhã, xinh xắn với ban nhạc gồm 5 - 6 nhạc công và 4 - 5 ca nhi, với 5 -7 thính giả thưởng thức. Ở đó có hoa, có rượu, có chậu cây, bể cá, có cả những tấm lòng nặng ân tình với lời ca, điệu nhạc của con người xứ Huế.
Nhưng thú vị nhất, hấp dẫn nhất là được nghe ca Huế trong một đêm trăng sáng trên sông Hương. Bồng bềnh, chơi vơi trên sông nước mênh mông trong một khung cảnh diễm lệ, nên tâm hồn của thính giả; lời ca của ca sĩ; tiếng đàn, tiếng sáo, nhịp phách của nhạc công như cùng hòa quyện và thăng hoa.
Mở đầu một đêm ca Huế, nhạc công và ca sĩ thường biểu diễn những bài bản điệu Bắc với âm điệu rộn ràng, tươi vui. Tiếp đến là những bài bản trang trọng, uy nghiêm như Long ngâm, Tứ đại cảnh… Đêm càng về khuya, không gian càng yên tĩnh, sâu lắng cũng là lúc những điệu Nam ai, Nam bình, Quả phụ, Tương tư khúc... ai oán, buồn thương và gợi tình, được cất lên giữa trời đêm lồng lộng trăng thanh.
Dàn nhạc ca Huế gồm đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tam (gọi là ngũ tuyệt). Ngoài ra còn có đàn bầu, sáo và cặp sanh để gõ nhịp. Trong nghệ thuật ca Huế, nhạc công rất chú trọng đến việc khai thác tính năng của nhạc cụ và nâng thành kỹ xảo. Cùng một loại nhạc cụ nhưng có nhiều ngón đàn khác nhau đòi hỏi nhạc công phải khổ luyện, trau chuốt.
Tất cả hòa cùng tiếng sáo, tiếng phách, tiếng trống giữ nhịp, làm giàu thêm sức truyền cảm của lời ca. Tiếng đàn lúc khoan, lúc nhặt với những bậc 1/4, 1/8 cung lơ lửng rơi trên thang âm ngũ cung quen thuộc đã làm nên những tiết tấu độc đáo trong ca Huế, khiến thính giả như chìm trong tiếng nhạc với những mộng tưởng của họ.
Cùng với sự tuyệt xảo của các ngón đàn là sự phong phú của cách thể hiện lời ca. Tùy vào nỗi niềm và sự hứng khởi, ca sĩ có những cách thức luyến láy diễn tả theo cảm xúc thể hiện qua nhịp và hơi nhạc. Nhịp có các thể thường, sắp, dựng, nhanh, chậm. Hơi nhạc có hơi dựng, hơi xuân, hơi ai, hơi oán, hơi đảo, hơi thiền... diễn tả một sắc thái tình cảm, một phong cách và nhạc cảnh khác nhau.
Trước đây, ca Huế là hình thức sinh hoạt/ thưởng thức âm nhạc thính phòng, do các nhóm bằng hữu văn nghệ trình diễn. Ngày nay, ca Huế là loại hình diễn xướng lan tỏa mạnh mẽ, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của xứ Huế, là “đặc sản tinh thần” được du khách yêu thích và chọn lựa để thưởng ngoạn khi họ thăm miền đất sông Hương - núi Ngự. Nhờ vậy mà ca Huế có chỗ đứng xứng đáng trong diễn xướng cộng đồng ở vùng đất được vinh danh là “miền di sản” của Việt Nam và thế giới.