(QNO) - Từ hình ảnh Mười Chấp trong dân gian “thoắt ẩn thoắt hiện” ly kỳ đến nhân vật Mười Chấp - người anh hùng quê Quảng Nam đã trụ lại trong những ngày ác liệt nhất của cách mạng Quảng Nam sau Hiệp định Genève 1954, cuốn ký sự đặc biệt của nhà văn Hồ Duy Lệ đã chạm tới những tầng cảm xúc sâu thẳm của thầy giáo Võ Văn Vân.
Ban Tổ chức Cùng đọc sách giới thiệu cùng bạn đọc một tác phẩm văn học Quảng Nam, được viết, đọc và chia sẻ bằng một tinh thần rất Quảng.
...............................
Như một cơ duyên, lúc còn nhỏ tôi nghe ba kể: Ông Mười Chấp búng gậy tầm vông nhảy qua mái nhà tranh dì Mười, ôm cối đá quẳng xuống giếng, rồi men theo bụi trảy tầm vông mà trốn thoát. Chuyện thật như đùa, chuyện thế gian mà ngỡ như là thần thánh.
Lớn lên, có vợ có con lại về sống chính tại quê ông - xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, sực nhớ lại chuyện xưa. Rồi cũng lại duyên trời sắp tính mê đọc sách, tôi gặp được cuốn "Mười Chấp, và một thời..." - ký sự của Hồ Duy Lệ, đọc ngấu nghiến, càng đọc càng say. Tam Xuân, mảnh đất nghèo lại sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt, trong đó có người anh hùng Mười Chấp.
1. Mười Chấp - Chín cộng một bằng mười. Mười ngón tay trong đôi bàn tay của mười anh em thời ấy.
Đó là những cái tên có thứ tự trước sau: Hai Mạnh, Ba Phước, Tư Thuận, Năm Công (tức Võ Chí Công), Sáu Bạc, Bảy Hữu, Tám Tú, Chín Liêm ... và cuối cùng là Mười Chấp. Cái tên Mười Chấp bắt đầu từ đó. Tên thật ông là Đỗ Điện. Khi đi làm cách mạng lấy tên là Đỗ Thế Chấp. Lên công tác ở Khu ủy khu 5, sống trong gia đình mười anh em, thứ vị mười nên có tên là Mười Chấp.
Đọc “Mười Chấp và một thời...” là đọc một người để biết thêm nhiều người, biết được lịch sử một thời, biết mảnh đất "Ngũ phụng tề phi" anh hùng dệt nên trang sử. Đó là câu chuyện của rất nhiều cái tên mà tính cách họ, cuộc đời họ hấp dẫn qua từng trang sách: Đỗ Thế Chấp, Ngô Độ, Vũ Ngọc Hải (Tư Chuyển), Nguyễn Mậu Đông, Võ Chấn, Phạm Quảng, Lê Cảnh Tuân, Đinh Học Ích, Đoàn Hồng (Ba Vi), Nguyễn Xuân Cúc (Vọng), Nguyễn Mại, Huỳnh Hà (Thọ), Bùi Khánh, Hồ Truyền...
Viết về cốt cách của người Quảng Nam thẳng thắn thật thà không úp mở, Hồ Duy Lệ kể chuyện Tư Chuyển và Mười Chấp ăn thịt gà giấu Ba Đông dẫn đến chuyện hiểu nhầm. Mười Chấp bày tỏ: "Nói thật với các đồng chí, tôi coi hai đồng chí như anh em ruột thịt, gian khổ sống chết có nhau. Tôi nghĩ mình chưa làm điều gì không tốt, chưa làm hại ai, nhất là sinh mạng của Đảng, không hiểu sao, trong những ngày dân tình bị bão lụt, anh Tư Chuyển đi công tác về, hai anh em nghi ngờ gì tôi mà gặp nhau bàn riêng không cho tôi biết? Tôi đau lòng lắm!". Rồi từ đó biết thêm triết luận về cuộc đời "Để thật sự yêu thương và tin cậy nhau thì dù chuyện lớn hay chuyện nhỏ cũng không giấu nhau. Đồng thời, xảy ra chuyện gì thì phải nhanh chóng làm sáng tỏ, đừng để hiếu sai...".
2. Mười Chấp - Chín cộng một bằng mười. Mười địa danh với mười cái tên trên từng con đất.
“Mười Chấp và một thời...” gắn với các địa danh như Tam Kỳ, Tam Tiến, Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Nghĩa, Tam Anh, và Tam Xuân - nơi sinh ra Mười Chấp. Hẳn nhiên còn nhiều địa danh khác, như Tam Giang, Tam Thạnh (Kỳ Thạnh) nhưng mỗi vùng đất, mỗi cái tên lại như một lời nguyền khó quên.
Bắt đầu từ Tam Kỳ, nơi khởi đầu cho sự nghiệp cách mạng của Mười Chấp. Bị bắt ở tù, rồi ra tù. Từ đây, ông hiểu thêm về cách mạng rồi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam. Ở giữa Tam Kỳ mà mẹ mất lại không về được để để tang mẹ. Trong ông mãi mang theo một dáng hình người mẹ già lẽo đẽo theo cha.
Rồi đến câu chuyện vùng giữa Tam Xuân và Tam Tiến có khu đất rộng chừng 50 mẫu, dân gọi là Cồn Dài - Phú Hưng. Quanh Cồn Dài sông nước bao vây, lửa vẫn lóe lên từ sự nhanh trí, vác cuốc chạy theo đập con rắn lãi... tưởng tượng mà qua mặt địch. Chuyện Lê Đạt bị trói trong bó rạ bị kiến cắn không kêu, ngứa không gãi dẫu cho ở ngoài nói oang oang: bắt được Lê Đạt thưởng cho hai bao gạo và 2.000 đồng! (Lúc ấy, lạng vàng chỉ hơn 4.000 đồng). Chuyện Mười Chấp vác bó hom tre, qua mặt bọn dân vệ vẫn bình thản nghiêng nón nhìn, nói:
- Ủa, chớ Mười Chấp đâu mà nhiều rứa, ở trên Tam Dân cũng nghe vây bắt Mười Chấp, xuống đây cũng vây bắt Mười Chấp!
Với mức giá bắt sống 800 cây vàng, chỉ điểm 500 cây vàng, bắn chết 300 cây vàng, ảnh Mười Chấp dán khắp nơi. Nguyễn Đình Hòe - dân thầu khoán xách cáo thị đưa cho Mười Chấp xem. Mười Chấp cười, nói với Hồng Châu: Sao không bắt tôi nộp lấy đống vàng làm cái nhà mới ở. Hồng Châu cười: Tiền, vàng, tất cả mất hết, trừ danh dự!
Thế đó. Thời chiến tranh, danh dự làm nên cốt cách của con người!
*
* *
...Tôi sinh ra Tam Anh, lớn lên từ Tam Thạnh. Đi học nhiều nơi rồi về dạy học vùng Tam Nghĩa, Tam Anh, Tam Phú, Tam Kỳ. Tôi đã từng đi qua Tam Trà, Tam Sơn, Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang, Tam Tiến... Giờ đọc được Ký sự "Mười Chấp và một thời..." của Hồ Duy Lệ, nhớ lời cha kể thời thơ ấu: "Giếng nước nhà mình là nơi Mười Chấp thả cối đá, bỏ lại đôi dép, nhảy qua bụi tầm vông, lũi theo ruộng tranh mà chạy thoát".
Lòng bồi hồi. Làm sao có thể hình dung hết những gì đã xảy ra trên đất này, nếu không có dịp nghe ai đó kể lại rằng, nơi ấy, một thời, ngày xưa...
....................
Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử.
Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giao-duc/to-chuc-cuoc-thi-cung-doc-sach-tren-bao-quang-nam-dien-tu-111333.html
Text