Quảng Nam quyết định sẽ tiến hành thanh tra các dự án đầu tư công. Động thái này được xem là phương sách hữu hiệu để chấn chỉnh tình trạng “không xài hết vốn đầu tư” diễn ra hết năm này đến năm khác, chưa có cách gì khắc phục.
Vẫn ì ạch giải ngân
Khoảng 2km bờ biển từ UBND phường Cẩm An đến An Bàng (Hội An) lộ những hốc cát sâu hoắm, bên cạnh móng, tường các khu du lịch nứt toác, đổ sụp. Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn nói dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển này (210 tỷ đồng) đã được phê duyệt, nhưng chưa thấy động tĩnh gì, dù người dân, chính quyền kiến nghị nhiều lần.
Mùa mưa bão sắp đến, không biết có kịp xây dựng công trình để người dân địa phương bớt lo lắng? Dự án kè chống xói lở bờ biển này là một trong 5 dự án vốn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ mới giải ngân 6% (hơn 37,3 tỷ đồng).
Theo Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, công trình, dự án nào cũng cho là cần thiết. Tại sao có tiền lại không làm? Cam kết giải ngân từ 95 – 100%, giờ nằm trong tốp chót cả nước. Tiền có không giải ngân được, điều chuyển cũng không xong. Nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân sẽ điều chuyển các giám đốc, lãnh đạo.
Sở KH-ĐT thống kê, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/6/2023 chỉ đạt 20,6%, thấp so cả nước (28,2%). Kế hoạch vốn 2023 chỉ mới giải ngân 19,3% và kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 27,5%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói áp lực giải ngân rất lớn khi tổng nguồn vốn đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng (kể cả chuyển nguồn từ năm 2022 sang). HĐND tỉnh đã quyết danh mục rất sớm (từ tháng 7 hoặc tháng 9 năm 2022), nhưng các chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ chậm, dẫn đến thẩm định chậm. Có dự án đến 30/6/2023 mới phê duyệt dự án, bố trí, phân bổ vốn thì không thể giải ngân được. Chủ đầu tư khoán trắng cho tư vấn, chất lượng hồ sơ yếu, phải trả đi, trả lại nhiều lần...
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói nguyên nhân giải ngân thấp không mới. Tại sao đã chuẩn bị đủ các thủ tục, từ danh mục đến thời gian mà các dự án không thể kịp phê duyệt hoặc giải ngân tốt? Không thể “đổ thừa” cho giải phóng mặt bằng hoặc thiếu nguyên liệu hay giá cao. Hiện có nhiều dự án không vướng mặt bằng vẫn giải ngân thấp...
Theo kế hoạch, đến hết quý III/2023 giải ngân đạt trên 60%, hết quý IV trên 90%. Riêng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân đạt 100% và đến hết ngày 31/1/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.
Các chủ đầu tư, địa phương đều cam kết sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư. Tuy nhiên, với tỷ lệ giải ngân thấp như hiện tại, lại đứng trước “muôn trùng” khó khăn về thủ tục, cơ chế và thời gian còn lại của năm 2023 rất ít thì có thể hiểu nền kinh tế khó có thể hấp thụ hết vốn đầu tư.
Thiết lập trật tự
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói ba chương trình mục tiêu quốc gia còn đến 714 tỷ đồng chưa phân bổ, chỉ mới giải ngân 546/2.295 tỷ đồng thì bao giờ mới tiêu hết vốn được? Các địa phương khẩn trương phê duyệt, phân bổ hết vốn, có kế hoạch thi công, giải ngân cụ thể.
Riêng dự án 76 trạm y tế có thể tách ra nhiều gói thầu. Công trình nào chưa thực hiện để lại, còn tập trung cho các công trình không điều chỉnh. Ông Quang cho rằng các chủ đầu tư đừng căn cứ vào kế hoạch vốn, chỉ tập trung đẩy mạnh thi công các công trình. Có khối lượng sẽ bổ sung hoặc cấp vốn ngay.
Ông Nguyễn Đức cho rằng giải ngân phải đi liền với chất lượng, hiệu quả chương trình, dự án, kịp thời điều chuyển các dự án không giải ngân cho các dự án khác có nhu cầu giải ngân.
Tuy nhiên, giải pháp tình thế, kỹ thuật điều chuyển vốn là “phao cứu sinh” tăng tỷ lệ giải ngân các năm lại không hiệu quả cho năm này. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT nói giải pháp điều chuyển vốn không tác dụng gì vì đâu có dự án nào đẩy nhanh khối lượng, cần vốn để bổ sung?
Tình trạng “không tiêu hết vốn đầu tư” như một con bệnh đã lờn thuốc. Nhiều người đã “hiến kế”. Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm nói một trong những vướng mắc là hồ sơ thủ tục rườm rà, nên cần có chế tài quản lý, siết chặt kỷ cương, ấn định thời gian rõ ràng. Chứ cứ lặp đi lặp lại thế này thì đầu tư công sẽ không bao giờ hết vướng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, giải phóng mặt bằng khó, nhưng các địa phương, sở, ngành, chủ đầu tư không thể cứ đổ lỗi cho nhau. Nên phân định cụ thể trách nhiệm ai nấy làm, ra thời hạn hoàn tất cụ thể, nếu không hoàn thành sẽ phải nhận trách nhiệm, thì đó sẽ là giải pháp căn cơ để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Một trong những kế sách có thể đưa tỷ lệ giải ngân cao là ngoài chủ động danh mục đầu tư, giao, phân bổ vốn sớm, chuẩn bị sẵn giải phóng mặt bằng... thì việc khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án cần được đặt lên hàng đầu. Việc này kèm theo chế tài kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói tỷ lệ giải ngân thấp xảy ra nhiều năm không giải tỏa nổi. Chính quyền quyết định sẽ giao cho Thanh tra tỉnh tiến hành tổ chức thanh tra công tác xây dựng. Từ khâu chuẩn bị dự án cho đến triển khai đầu tư. Vướng đâu, vì lý do gì sẽ được mổ xẻ, đánh giá đúng, xác thực. Không thể để tình trạng giải ngân vốn đầu tư công yếu, lặp đi lặp lại và kéo dài nhiều năm không giải quyết được.