Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng trong tái cơ cấu, phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Quảng Nam đã gặt hái được nhiều thành quả bước đầu, tạo tiền đề phát triển trong thời gian đến.
HTX Bình Tú liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa giống ở thôn Phước Cẩm. Ảnh: V.QUANG |
Xu hướng sản xuất
Tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất là định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa của xã Bình Tú (Thăng Bình). Để đảm nhận việc này, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Tú (HTX Bình Tú) đã được thành lập vào tháng 11.2017. Đến nay, HTX Bình Tú đã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Thái Bình và Công ty Giống cây trồng trung ương Quảng Nam, triển khai trên tổng diện tích 52ha, gồm 25ha trên đồng lúa tích tụ ruộng đất ở thôn Phước Cẩm và 27ha ở khu vực liền kề vào vụ đông xuân. Theo hợp đồng, doanh nghiệp cung cấp lúa giống cho HTX Bình Tú sản xuất rồi thu mua lại lúa khi đã thu hoạch với giá cao hơn 20% so với thị trường.
Là thành viên của HTX Bình Tú, bà Phạm Thị Nguyệt (thôn Phước Cẩm) trồng lúa giống trên 1ha ruộng. Bà Nguyệt cho biết, bình quân canh tác trên 1 sào đất cho thu hoạch 350kg lúa giống, bán lại cho doanh nghiệp thu được 2,5 triệu đồng. Sản xuất trên 1ha, bà Nguyệt thu được tổng cộng 50 triệu đồng, trừ chi phí xong cho lãi khoảng 30 triệu đồng. Trồng lúa giống chỉ diễn ra ở vụ đông xuân nên vào vụ hè thu, bà Nguyệt phải canh tác lúa thông thường. “Lúa giống không thích hợp với vụ hè thu, cho chất lượng không tốt nên doanh nghiệp không ký hợp đồng sản xuất. Sản xuất lúa thông thường, bán ra thị trường, tôi chỉ thu được lợi nhuận tối đa là 10 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 khi liên kết sản xuất với doanh nghiệp” - bà Nguyệt nói. Điều này cho thấy liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đem lại lợi nhuận lớn cho người nông dân.
Ông Nguyễn Đình Yến - Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho rằng, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị là tất yếu vì nông dân không thể đứng ngoài quy luật vận động của thị trường. Họ không thể tùy thích sản xuất mà phải theo “đơn hàng” của thị trường, qua đó cung ứng những sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng nếu không muốn đầu ra ế ẩm. “Người nông dân thông qua hợp tác xã ký hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp rồi đầu tư sản xuất chuyên nghiệp, đúng quy trình, được doanh nghiệp đón nhận sản phẩm là yêu cầu cấp thiết của sự phát triển. Vấn đề cốt lõi ở đây là lợi nhuận, giá trị kinh tế người nông dân nhận được khi liên kết sẽ cao hơn họ tự sản xuất, tự cung, tự cấp ra thị trường” - ông Nguyễn Đình Yến nói.
Vận động nhanh
Theo Sở NN&PTNT, để liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, phối hợp thực hiện của doanh nghiệp, người sản xuất. Trong đó, hệ thống khuyến nông, từ tỉnh đến cơ sở phải tiên phong, đóng vai trò cầu nối, chuyển giao chính sách, cơ chế, kỹ thuật, khoa học - công nghệ, qua đó thiết lập liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp. |
Theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT), đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6.000ha bắp, đậu xanh, ớt, dưa hấu được sản xuất theo chuỗi từ canh tác đến tiêu thụ sản phẩm. Liên kết sản xuất lúa giống tại Quảng Nam đạt 4.000ha vào thời điểm này. Liên kết trong trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông hộ 20 - 30% so với trước đây. Về chăn nuôi, toàn tỉnh có 60/130 trang trại được liên kết với doanh nghiệp. Từ chỗ chỉ có vài doanh nghiệp liên kết với nông hộ, đến nay đã phát triển rộng khắp trên mọi lĩnh vực. Hoạt động xúc tiến đầu tư ghi nhận các thành quả bước đầu. Ngành nông nghiệp hỗ trợ Công ty Dâu tằm Mỹ khảo sát chọn địa điểm đầu tư ở Đại Hiệp (Đại Lộc). Ngành khuyến nông đã phối hợp với doanh nghiệp, ngành chức năng liên quan tổ chức tập huấn cho 40 hợp tác xã về startup, tem điện tử và xác thực nguồn gốc hàng hóa. Trung tâm Khuyến nông cũng đã hỗ trợ cho Công ty CP Hưng Trung Việt xây dựng, cấp mã QRCode cho sản phẩm lúa đen sản xuất hữu cơ tại xã Bình Quý (Thăng Bình).
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành chức năng đang hỗ trợ các địa phương, người nông dân, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nhãn hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm để khẳng định vị thế trên thị trường. Đó là nền tảng để mời gọi doanh nghiệp cùng phối hợp, liên kết sản xuất theo chuỗi. “Cùng với quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại thì công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Mục đích là khi thương hiệu nông sản được xác lập thì sản phẩm sẽ đến với thị trường được dễ dàng” - ông Lê Muộn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, muốn nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đi vào chiều sâu thì bắt buộc phải tạo điều kiện cho nông hộ liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, ổn định từ đầu vào cho đến đầu ra. Bởi vậy, tỉnh quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong liên kết sản xuất với nông dân thông qua vai trò tổ chức của thành phần kinh tế tập thể. Ngành nông nghiệp và các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, trung ương, đặc biệt là chính sách tín dụng và thị trường xuất khẩu. “Các địa phương của tỉnh cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất công, đất sạch rộng lớn, mời gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư sản xuất, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu quy mô lớn cần được tập trung xây dựng, tạo sản phẩm đồng chất, tăng hiệu quả trong liên kết sản xuất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
VIỆT QUANG