Mưu sinh mùa biển động

NGUYỄN QUANG VIỆT 21/12/2016 11:10

Mùa biển động vào thời điểm cuối năm, ngư dân vẫn ra lộng đánh bắt hải sản ven bờ. Cuộc mưu sinh gian khó vì thời tiết khó lường mà nguồn lợi lại suy giảm…

Ngư dân Đỗ Tây chuẩn bị ngư cụ đi “săn” ghẹ. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân Đỗ Tây chuẩn bị ngư cụ đi “săn” ghẹ. Ảnh: N.Q.V

1. Những ngày này, nhiều phương tiện công suất nhỏ của ngư dân trên địa bàn tỉnh xuất hiện trên các vùng biển ven bờ để “săn” ghẹ. Điều đáng nói là thời điểm này không phải là mùa ghẹ “rộ” mà từ tháng 3 - 7. Quãng đầu tháng 8 cho đến hết tháng 2 năm đến, ghẹ cái “ẩn” đi để tiết trứng, vì thế ghẹ đực cũng lánh đi. “Gia đình tôi có cả thảy 6 thành viên, kinh tế chưa thong thả. Biết rất vất vả, hiểm nguy nhưng không thể chờ đến lúc biển êm mới ra khơi” - ngư dân Đỗ Tây (khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại, TP.Hội An) nói. Cũng theo ông Tây, ngư trường sản xuất quen thuộc là xung quanh vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) với bán kính 10km2 nhưng địa phương mới có quyết định thu hẹp phạm vi khai thác hải sản nên sản xuất khó khăn.

Hỗ trợ ngư dân

Theo Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, Quảng Nam thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh về hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn sản xuất xa bờ. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các nghề có hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh tích cực hỗ trợ ngư dân trang bị các thiết bị hiện đại về hàng hải, thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời triển khai các chính sách về cho vay vốn ưu đãi, nhất là hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, ngư dân cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ngành thủy sản cũng sẽ chú trọng cập nhật thông tin dự báo, phân tích thị trường cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại hải sản, từng thị trường cụ thể để tạo mối liên hệ chặt chẽ, giúp ngư dân ổn định hơn việc đảm bảo đầu ra hải sản.

Thông thường, trên mỗi phương tiện nhỏ có 3 vàn lưới bé tẹo do chủ thuyền cùng 2 người “bạn” đảm trách. Chiều dài của mỗi vàng lưới dài chừng 5km, có thể thả sâu nhất là 30m. “Khoảng 3 giờ chiều thì chúng tôi xuất bến. Từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối là thả xong lưới. Lúc đêm về sáng là thu lưới cho đến tinh mơ thì thu xếp chạy vô bờ bán ghẹ” - ông Ngô Quốc Hưng (thôn Đồng Trì, xã Bình Hải, Thăng Bình), ngư dân có thâm niên 20 năm đi lưới ghẹ cho biết. Công cụ thiết thực hỗ trợ nghề lưới ghẹ là máy định vị. Nghề này đặc biệt ở chỗ, mỗi chuyến biển từ đêm cho đến sáng của ngư dân chỉ thực hiện một lần thao tác thả lưới, thu lưới. Nếu “trật” thì toi công nên bắt buộc họ phải tự đánh dấu ngư trường có thể cho sản lượng cao. Trái vụ, ghẹ thu được chủ yếu chỉ là ghẹ 3 khoang - sản phẩm có giá trị thấp nhất so với các loại ghẹ ngư dân Quảng Nam bắt được - bên cạnh ghẹ nhím và ghẹ nhàn. Thông thường với ghẹ nhím và ghẹ nhàn, ngư dân bán được tương ứng là 100 và 170 nghìn đồng/kg thì ghẹ 3 khoang chỉ bán được 20 nghìn đồng/kg. “Vì sinh kế nên phải lam lũ thôi. Chỉ sợ dông gió thất thường nổi lên thì nguy hiểm đến tính mạng anh em chúng tôi. Được đồng nào hay đồng đó, đi biển có thu là vui rồi” - ông Hưng nói.

2. Nghề câu cá hố quen thuộc với ngư dân Quảng Nam từ vài chục năm nay thế nhưng đã không còn rộng rãi ở cả 6 địa phương ven biển. Hầu như nghề này chỉ nổi bật ở TP.Hội An trong vụ cá bắc này. Ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, toàn địa bàn có 90 phương tiện công suất nhỏ thì có đến 4/5 theo nghề câu cá hố. Trong vòng 3 năm trở lại đây, phần lớn các nghề giã cào, lưới kéo đã tự xóa sổ vì không phù hợp. Chỉ duy nhất nghề câu cá hố là phát triển vì phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Theo ngư dân Phạm Văn Trung (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An), chủ tàu cá QNa-92106 nghề câu cá hố tạo sinh kế ổn định cho ngư dân. Câu cá hố vào vụ sản xuất chính kéo dài 10 - 15 ngày, chủ yếu ở tuyến lộng thì trong mùa biển động này, ngư dân rút gọn từ 2 - 3 ngày ở ngư trường ven bờ. Trước lúc ra khơi, chủ tàu mua cá kiếm đông lạnh được bố trí trong thùng xốp loại 10kg có giá 400 nghìn đồng/thùng. Một thùng như vậy có thể cung ứng đủ mồi câu cho 16 nệp câu gồm 100 lưỡi câu/nệp. Ra khơi cách bờ cỡ 10 hải lý là có thể buông câu cá hố. Khi tàu cá vào bờ, chỉ cần liên hệ qua điện thoại là thương lái đến đón thu mua ngay với giá cả đã thống nhất từ trước. Bán cá hố không qua đầu nậu nên ngư dân không phải chịu phí “hoa hồng” như các nghề khai thác hải sản khác. “Một ký cá hố loại 1 bán được 200 nghìn đồng. Cá hố loại 2 bán được 100 nghìn đồng/kg. Có chuyến biển cá biệt, chủ tàu thu được 50 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia 10 triệu đồng” - ông Trung nói.

Bà Nguyễn Thị Lý, thương lái thu mua cá hố trên địa bàn TP.Hội An cho biết, cá hố càng nhiều thì càng ổn định đầu ra. Cá hố càng lớn thì ngư dân càng thu được giá trị kinh tế cao. Thay vì phải điều xe đi thu mua cá hố với chi phí cao, thương lái đã hỗ trợ ngư dân bằng cách khuyến khích tăng giá khi thu mua nhiều. Nghề câu cá hố ở TP.Hội An lớn mạnh trong thời gian gần đây là nhờ ổn định đầu ra. Tuy nhiên, nghề này đang gặp khó ở chỗ lao động thiếu hụt. “Chỉ các ngư dân là chủ tàu câu cá hố trên địa bàn Cửa Đại mới gắn bó với nghề còn phần lớn ngư dân đi “bạn” đã chuyển nghề sang làm du lịch, dịch vụ. Cái khó nữa là nguồn lợi ngày một suy giảm mà phần đông tàu cá nhỏ nên rất cần các cấp có cơ chế hỗ trợ để ngư dân có nguồn lực cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn hoạt động hiệu quả hơn và ít phải lo chết máy, chìm tàu trong mùa biển động” - ông Lê Công Sỹ cho biết thêm.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mưu sinh mùa biển động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO