Nâng cao giá trị cây quật

26/01/2016 10:09

Lần đầu tiên, một sự kiện văn hóa du lịch liên quan đến cây quật đã được TP.Hội An phối hợp cùng UBND xã Cẩm Hà tổ chức nhằm đưa Cẩm Hà trở thành một điểm du lịch nông thôn, góp phần nâng giá trị cây quật lên thành một sản phẩm du lịch độc đáo, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.Nghề truyền thốngThú chơi quật từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong mỗi dịp tết đến xuân về. Bởi, cây quật với nhiều trái trĩu nặng, chín vàng tượng trưng cho sự may mắn, bội thu, sung túc trong một năm. Ngoài ra, quật còn trồng để trang trí trong nhà, trong vườn, làm bonsai, lấy trái làm thuốc cũng như chế biến các loại mứt….  Tại Quảng Nam, quật được trồng chủ yếu ở một số xã, phường ở Hội An như Thanh Hà, Cẩm Châu, Tân An, tuy nhiên nhiều nhất phải kể đến Cẩm Hà. Hiện toàn xã có hơn 455 hộ trồng hoa cây cảnh với hơn 53 nghìn chậu quật cảnh và hơn 155 cây quật đất, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, riêng năm 2015 thu nhập kinh tế ước đạt 26 tỷ đồng. Cây quật đã thật sự góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo cũng như tạo cơ hội làm giàu cho một bộ phận người dân trên vùng cát này. Theo ông Nguyễn Kìm (thôn Đồng Nà, Cẩm Hà), nhờ trồng quật nên đa số người dân trong làng đã có thêm khoản tiền sắm sửa mỗi khi tết đến xuân về. Tuy vậy, điểm hạn chế của trồng quật là thời tiết; chỉ cần trời lạnh, mưa bão sẽ dẫn đến trái hư vì bị nấm hoặc cây gãy đổ. “Đây là cái nghề của làng bao đời nay nên phải duy trì liên tục, đó không chỉ là công việc làm ăn mà còn là nét văn hóa của mình. Nếu năm nào trời thương thì được hưởng còn mưa gió hư hại đành chịu, nên bây giờ phải làm sao nâng giá trị cây quật lên để người nông dân yên tâm duy trì phát triển làng nghề” - ông Kìm nói.Cây Quật sẽ là một sản phẩm du lịch của Hội An. Ảnh: V.LÔng Mai Kim Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, từ lâu Cẩm Hà đã được xem là xuất xứ của nghề trồng quật của miền Trung với lịch sử gần trăm năm. Để có được một chậu quật xanh tốt, thắm tươi, trĩu quả ít nhất phải mất thời gian 1 - 2 năm. Đặc biệt, quật trồng chủ yếu được chiết từ cành (không trồng bằng hạt vì lâu ra quả) nên phần lớn các gia đình trồng quật chuyên nghiệp tại Cẩm Hà đều có 2 - 3 cây quật lớn trồng lâu năm để chiết nhánh nhân giống. Ngoài quật cảnh, vài năm trở lại đây việc phát triển quật thế cũng đã được nhiều hộ tập trung đầu tư với giá bán mỗi chậu có khi lên đến 30 triệu đồng. “Với giá trị văn hóa và giá trị kinh tế cao nên hiện nay cây quật đã được chính quyền và nhân dân địa phương đặt lên hàng đầu trong mục tiêu chuyển đổi cây trồng trên đất cát để hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho cây quật Cẩm Hà” - ông Phương nói.Xây dựng sản phẩm du lịchMới đây, một lễ hội cây quật cảnh đã được xã Cẩm Hà tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu nét đặc trưng về văn hóa làng nghề trồng hoa, cây cảnh, nhất là cây quật đến với khách hàng và du khách gần xa, hướng đến quy hoạch xây dựng Cẩm Hà trở thành điểm đến du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND TP.Hội An, đã đến lúc biến các chậu quật trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, để người dân không chỉ sống vì cây quật mà còn có thể giàu lên từ nghề trồng quật. Đặc biệt, ở đó du khách có thể cùng trải nghiệm các quy trình từ chiết cành, ươm trồng, chăm sóc cũng như tự tay chế biến và thưởng thức các sản phẩm được làm từ trái quật như bánh, mứt, nước uống từ quật…. “Thời gian đến các làng trồng quật ở Cẩm Hà sẽ được quy hoạch trở thành một điểm du lịch sinh thái bên ngoài phố cổ như là một sản phẩm du lịch mới ở Hội An, nhằm mang đến sự đa dạng cho du lịch Hội An, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho người dân nơi đây” - ông Dũng khẳng định.Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, để phát triển du lịch tại làng trồng quật Cẩm Hà, trước mắt phải khắc phục được một số vấn đề về sản xuất hoa cây cảnh nơi đây do hiện tại việc sử dụng thuốc trong chăm sóc quật được người dân sử dụng khá nhiều, từ  phòng trừ sâu bệnh đến ép quả chín, giữ quả lâu trên cây…, điều này chắc chắn sẽ tác động không tốt đến du khách khi phát triển du lịch. Ngoài ra, việc khoanh vùng chuyên canh phục hồi cây quật tổ (đã bị đốn) cũng cần phải tính tới để mang đến cho khách một câu chuyện hấp dẫn khi đến thăm làng. “Sắp tới phòng sẽ hỗ trợ người dân trong vấn đề phòng trừ sâu bệnh theo mô hình sinh thái hữu cơ và sẽ được áp dụng vào trình diễn cũng như hướng dẫn khách du lịch thực hành khi đến thăm làng” - bà Vân thông tin.Thực tế, thời gian qua việc xây dựng sản phẩm du lịch từ các sản phẩm nông nghiệp không phải là điều mới mẻ tại Hội An. Trong đó, sự thành công của các sản phẩm làng nghề sinh thái như rau Trà Quế hay bắp nếp Cẩm Nam đã tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, giúp khách có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ bên ngoài phố cổ. Ông Nguyễn Văn Dũng  – Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Trong những năm đến chúng ta cần tập trung hơn nữa trong việc định hướng cho nông dân Cẩm Hà trồng cây quật thật sự có chất lượng, tính kỹ thuật cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Cần phải quy hoạch những vườn hoa cây cảnh để xây dựng thương hiệu cây quật cảnh Cẩm Hà ngày càng mang tính độc đáo, là sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân và là một sản phẩm du lịch đặc trưng của du khách khi đến với Hội An”.VĨNH LỘC
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao giá trị cây quật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO