Do nhầm lẫn trong phân cấp quản lý nên việc đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương tại phường Điện An (Điện Bàn) bị trì trệ, dẫn đến nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang do thiếu nước.
Kê khai “lộn”
Bà Lê Thị Hường (khối phố Phong Nhị, phường Điện An) cho biết, nhiều năm qua 2 sào ruộng lúa của gia đình tại cánh đồng cây Đa Gò, khối phố Phong Nhị luôn trong tình trạng thiếu nước, năng suất sụt giảm, bình quân chưa đến 40 ang/sào. “Vụ đông xuân còn đỡ chứ hè thu thì nước không đủ cấp, có đám mới sạ 20 - 30 ngày đã phải bỏ hoang cỏ mọc do không có nước. Một số gia đình cuối kênh cũng đã bỏ ruộng mấy vụ rồi vì chi phí công, phân, giống cao nhưng hiệu quả không bao nhiêu” - bà Hường phản ánh.
Theo các hộ dân, hầu hết ruộng lúa nơi đây dùng nước tưới từ hệ thống kênh KN5 được đắp từ năm 1985, tuy nhiên do kênh đất, nhiều hang hốc khiến nước thẩm thấu, hao hụt cao. Ông Trần Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường Điện An thừa nhận, hệ thống kênh mương nội đồng của phường đã xuống cấp nghiêm trọng do được đào đắp lâu năm và chưa được bê tông hóa hoặc bê tông nhưng đã lâu ngày dẫn đến thẩm thấu. Ngoài kênh KN5 có thể kể đến kênh KN4 và kênh chính KN2…, nước cấp không đảm bảo.
Theo Quyết định 3989/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành năm 2012 về phân cấp, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh quy định, kênh mương KN4 cung cấp trên 30ha lúa do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý; kênh KN5 cung cấp nước dưới 30ha giao địa phương quản lý. Tuy nhiên, theo ông Sơn, qua kiểm tra thực tế kênh KN4 chỉ cung cấp nước cho gần 18ha, ngược lại KN5 tưới trên 49ha, việc phân cấp “lộn” này khiến địa phương không thể đầu tư nâng cấp dù nguồn kinh phí đã được bố trí.
“Địa phương đã kiến nghị lên thị xã, lên tỉnh về việc hoán đổi lại cách thức quản lý. Cụ thể, hệ thống kênh KN5 sẽ phải bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý, ngược lại giao kênh KN4 cho địa phương nhằm có cơ sở pháp lý đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa thấy hồi đáp. Người dân rất bức xúc, họ nói làm lúa đã khó khăn, bây giờ lại thiếu nước nữa thì chắc bỏ ruộng, hiện hơn 1ha đất ở cánh đồng này đã bị bỏ hoang” - ông Sơn dẫn chứng.
Chờ hoán đổi
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho rằng, mấu chốt vấn đề hiện nay là chưa thống nhất về cách thức quản lý 2 con kênh KN4 và KN5 giữa Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam và phường Điện An. “Trước đây kênh KN4 do công ty quản lý, còn KN5 dưới 30ha giao phường quản lý. Nhưng sau đó do thuận về nước tưới nên mình lấy nước của kênh KN5 tưới cho diện tích của KN4 nên diện tích thực tế kênh KN5 tưới lớn hơn 30ha, bây giờ sẽ phải chuyển giao ngược lại” - ông Chơi giải thích.
Cũng theo ông Chơi, mỗi năm Điện Bàn đầu tư cho nông nghiệp gần 20 tỷ đồng cả về nông thôn mới, bê tông hóa kênh mương và giao thông nội đồng. Riêng hệ thống kênh mương thủy lợi, Điện Bàn được đánh giá là địa phương đầu tư nhiều nhất tỉnh với trên 75% kênh mương đã được bê tông hóa. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm thị xã tiến hành làm 10km kênh mương, tổng kinh phí khoảng 9 tỷ đồng. “Kinh phí nâng cấp bê tông hóa kênh mương thị xã không thiếu, kể cả kênh KN5 cũng đã được bố trí vốn rồi, nhưng khi kiểm tra lại diện tích thấy không đúng thực tế nên thị xã không thể giải ngân, bây giờ phải có quyết định phân cấp của tỉnh mình mới làm dự án đầu tư được” - ông Chơi nói.
Ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho rằng, trong khi chờ tỉnh điều chỉnh lại việc quản lý, nếu Điện Bàn có kinh phí thì vẫn đầu tư bình thường. “Ban đầu công ty cũng có kế hoạch sửa chữa kênh KN5 nhưng do hệ thống kênh KN2 bức xúc hơn nên chuyển sang cho kênh KN2 (kênh chính), bởi kênh nào quan trọng hơn thì ưu tiên trước. Tất nhiên, về nguyên tắc khi chưa có quyết định mới thay thế thì kênh KN5 vẫn của địa phương quản lý, còn bao giờ chuyển thì công ty sẽ đầu tư” - ông Hải nói.
Theo ông Hải, hiện công ty quản lý hơn 800km kênh mương trên địa bàn tỉnh, trong đó khoảng 70% kênh mương đã được bê tông, đồng nghĩa khoảng 30% chưa được bê tông. Do đó, đơn vị không thể nào cùng một lúc đầu tư toàn bộ bê tông hóa kênh mương, vì mỗi năm chi phí sửa chữa kênh mương chỉ 10 tỷ đồng, nên cái gì địa phương làm được cứ làm, không thể trông chờ đơn vị.