Với không ít người, lương y Bùi Quang Nhẫn là ân nhân. Bởi, ông là thầy thuốc mát tay, chữa khỏi nhiều bệnh với mức chi phí thấp hoặc miễn phí, ngay cả với những bài thuốc bí truyền...
Lương y Bùi Quang Nhẫn đang khám bệnh.Ảnh: CHÂU NỮ |
Dụng tâm phục dược
Nhà của lương y Bùi Quang Nhẫn (SN 1967, ở thôn An Thọ, xã Tam An, Phú Ninh) không phải dễ tìm. Từ quốc lộ 1, phải qua một con đường nhỏ, loằng ngoằng mới đến. Ngôi nhà nép mình sau bờ tre ken dày, lặng lẽ và khiêm nhường như chính chủ nhân của nó. Đó là nơi ông khám chữa bệnh hằng ngày, nhưng không hề có bảng chỉ dẫn, không biển hiệu và cũng không có vẻ là một phòng khám thường thấy. Nhưng bệnh nhân tìm đến nơi này khá đông, trung bình 50 - 60 người mỗi ngày; có ngày lên đến cả trăm người. Có nhiều người ở các tỉnh, thành phố xa như Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai; cả những người ở Quảng Bình, Quảng Trị... cũng tìm đến; còn người trong tỉnh thì khá nhiều.
Sinh ra trong một gia đình 4 đời làm nghề y, lương y Bùi Quang Nhẫn làm quen với nghề thuốc từ khi mới 12 tuổi. Trong môi trường ấy, ông vừa học nghề vừa chứng kiến và “học” được nhiều điều từ những cảnh huống, từ những câu chuyện đời thường. Ông vẫn nhớ như in, ngày ấy, có những bệnh nhân nằm bất động, người thân phải khiêng tới tận nhà ông và được cha ông - lương y Bùi Phong điều trị, châm cứu miễn phí, một thời gian sau thì cử động, rồi đi lại được. Có những người bị bệnh viện “trả về”, cũng tìm đến nhà ông, xem đó như là niềm hy vọng cuối cùng, dù mong manh, và cha ông không ngần ngại nỗ lực giúp họ vượt qua cửa tử... Một chuyện khác, không liên quan đến nghề thuốc, nhưng ông nhớ mãi: Có một người ăn xin, quê ở ThừaThiên Huế, cha ông gặp ngoài quốc lộ, dẫn về nhà, mời cơm, rồi cho gạo, tiền để làm vốn. Sau, người này có cuộc sống ổn định, một lần vào chợ Quán Gò bán dầu tràm đã sửng sốt đánh rơi giỏ đồ và òa khóc nức nở giữa chợ khi hay tin cha ông qua đời...
Tận mắt chứng kiến những câu chuyện như thế, y sinh Bùi Quang Nhẫn càng đam mê nghề thuốc hơn, dốc tâm đeo đuổi, nối nghiệp nghề y gia truyền, chữa bệnh cứu người theo gương cha. Vừa được đào tạo bài bản, có năng lực về học thuật vừa được chân truyền (điều này trong Đông y rất chú trọng), lại say mê nghiên cứu nên tay nghề của ông ngày càng tiến bộ. Đặc biệt, ông được học kỹ thuật châm cứu, từ cha, từ thầy của cha và từ giáo sư Nguyễn Tài Thu. Ông học cả cái đức khiêm tốn, cũng từ những người thầy này.
Lương y Bùi Quang Nhẫn chứng kiến biết bao chuyện vui buồn trong nghề. Vì vậy, ông lập hẳn cuốn sổ theo dõi tình trạng và cả gia cảnh của từng bệnh nhân. Có trường hợp người nhà bệnh nhân mất niềm tin, hết kiên nhẫn và không chịu hợp tác, ông đã thuyết phục “còn nước còn tát” và rốt cuộc, bệnh nhân sống thêm được vài năm nữa. Có người hàng xóm không chịu chạy chữa vì thiếu tiền, ông phải đến tận nhà để khám và điều trị. Tất cả trẻ em nghèo, người khuyết tật, đến với phòng khám của ông đều được miễn phí. Quan điểm, cũng là tâm niệm làm thuốc bao đời nay của gia đình ông là giúp được người bệnh càng nhiều càng tốt. Bệnh nhân không có tiền được ông chữa miễn phí là chuyện thường. Thế nên có trường hợp, sau khi được chữa khỏi bệnh, một vài năm sau người ta mới đem tiền đến trả, cũng có khi bệnh nhân trả ơn ông bằng con gà, hay thúng khoai... Không chỉ bản thân ông chữa bệnh miễn phí mà ông còn khuyến khích mỗi hội viên của Hội Đông y huyện Phú Ninh - nơi ông đang giữ cương vị chủ tịch - cố gắng hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân nghèo, ít nhất 2 tuần/1 thang. Ông tâm niệm, trong khám chữa bệnh, đặc biệt là đối với Đông y, sự tâm tình, gắn gó của người thầy thuốc với bệnh nhân, để người bệnh gửi gắm niềm tin, giúp họ giải tỏa lo lắng trong lòng cũng được xem là liệu pháp. Ông đúc kết: “Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng!”.
Bí truyền nhưng không... bí mật
Gia đình lương y Bùi Quang Nhẫn có nhiều bài thuốc bí truyền, đặc biệt là thuốc trị rắn độc cắn, tắc tuyến sữa, hoạt thai, hiếm muộn... Dẫu vậy, lương tâm của một người thầy thuốc không cho phép ông lợi dụng yếu tố bí truyền, hiệu quả của các bài thuốc ấy để moi tiền bệnh nhân. Nhiều trường hợp bị rắn cắn, khi chở đến nhà ông thì đã tím tái, được ông cho uống thuốc giải độc, chừng một tuần sau thì khỏe hẳn. Nhiều bà mẹ khổ sở vì sau sinh không có sữa cho con bú, đã rỉ tai nhau tìm đến thầy Nhẫn, thì mối lo lắng vì thiếu sữa được giải tỏa. Với bài thuốc này, chỉ cần bệnh nhân đến kịp thời là ông điều trị thành công.
Điều trị một số bệnh lý phụ nữ cũng là sở trường của lương y Bùi Quang Nhẫn. Bài thuốc chữa hoạt thai (sẩy thai liên tiếp) của ông khá hiệu nghiệm và là bí truyền, nhưng tại một cuộc hội thảo chuyên ngành, ông đã không ngần ngại chia sẻ. Đối với phụ nữ đau bụng kinh, lương y Bùi Quang Nhẫn chữa dứt điểm chỉ sau một liều thuốc viên (khoảng 200 nghìn đồng). Mấy năm qua rồi, ông Nhẫn còn nhớ rõ nụ cười hạnh phúc và cái ôm của anh V.T. ở xã Bình Phục (Thăng Bình) vào báo tin vợ anh mang thai sau khi chạy chữa hiếm muộn nhiều năm nhưng không có kết quả cho đến khi uống thuốc của ông.
Là thầy thuốc Đông y nhưng ông đánh giá rất cao Tây y, đặc biệt đề cao phương pháp điều trị Đông - Tây y kết hợp. Ông cho rằng chính Tây y đã hỗ trợ tích cực trong chẩn đoán cận lâm sàng thông qua kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, xét nghiệm...), giúp Đông y điều trị hiệu quả hơn. Ông cho biết việc ông điều trị một số trường hợp hiếm muộn thành công cũng nhờ vào xét nghiệm cận lâm sàng của Tây y.
Trăn trở với nghề
Ngoài giờ làm nghề, việc yêu thích của lương y Bùi Quang Nhẫn là chăm sóc cây cảnh, cây thuốc trong vườn và đọc sách, nghiên cứu y thuật. Đó là cách để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày làm việc và cũng là cách để “sống” trọn vẹn với nghề. Rượu, bia, thuốc lá... ông tránh xa, cốt để giữ tinh thần luôn luôn tỉnh táo. Ông quan niệm, làm nghề thuốc, một sai sót, dù nhỏ, cũng ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân, có khi là cả tính mạng. Phòng khám của ông từ lâu đã không có khói thuốc lá. Ông cũng vận động anh em hội viên Hội Đông y huyện Phú Ninh “nói không” với thuốc lá, để làm gương cho bệnh nhân và cũng để giữ sức khỏe cho bản thân.
Yêu nghề, quý từng cọng thuốc, nên nhiều lúc lương y Bùi Quang Nhẫn không khỏi cảm thấy chạnh lòng vì những xô tạp trong và ngoài nghề thuốc cao quý. Ông nói, nhiều loại cây cảnh, lá, rau... ở xứ Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung có vị thuốc, có thể điều trị được một số bệnh thông thường nhưng ngày càng hiếm người biết sử dụng. Nhiều bài thuốc đơn giản từ các cây thuốc trong vườn nhà cũng đã và đang bị lãng quên... Ngay với bài thuốc bí truyền chữa rắn cắn của gia đình ông, nguy cơ thất truyền cũng hiển hiện trước mắt. Ông nói tưởng bâng quơ mà đầy ưu tư: “Thuốc trị rắn cắn không dễ tìm, vì nó chỉ mọc trong rừng nguyên sinh, mà rừng thì càng ngày càng bị tàn phá...”. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, thuốc nam đang bị bỏ quên do tâm lý sính ngoại, đồng thời có nhiều loại thuốc ngoại nhập bị giả hoặc làm kém chất lượng. Ông ví dụ, cam thảo, có loại hơn 200 nghìn đồng/kg thì cũng có loại 130 nghìn đồng/kg; thông thảo có loại 2 triệu đồng/kg, cũng có loại 400 nghìn đồng/kg... Mà, với thầy thuốc Đông y, chất lượng dược liệu rất quan trọng. Để chọn được dược liệu tốt, cần phải có kinh nghiệm trong dụng dược, chọn dược. Trong khi những thứ này, học từ sách vở, trường lớp là chưa đủ mà phải lăn lộn nhiều năm trong nghề mới nhận biết.
Theo lương y Bùi Quang Nhẫn, truyền nhân nghề Đông y hiện nay không thiếu, vì các trường đại học y, dược đều có khoa đào tạo Đông y bài bản, chính quy. Tuy nhiên, việc gìn giữ, phát huy các bài thuốc hay, quý, bí truyền thì xem ra ngày càng khó. Nhiều lương y chân chính không tìm được người truyền nghề, không hẳn do họ ích kỷ mà vì họ chưa tìm được người đủ tâm đức để truyền dạy. Họ sợ người đời sau dùng bài thuốc của mình để “làm tiền” người bệnh. Những thông tin tiêu cực liên quan đến người làm nghề thuốc Đông y thỉnh thoảng lại xuất hiện trên mặt báo, như những nhát dao cứa vào lòng những người thầy thuốc chân chính, tận tụy với nghề như ông. Ông tâm niệm: “Muốn làm thầy thuốc giỏi, phải có năng lực, thông thạo y lý, phương thang, vận dụng thực tế và biết dụng dược; biết cách làm cho bệnh nhân tuân thủ lời khuyên của mình. Đặc biệt, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu”.
CHÂU NỮ