Cơn bão số 9 vừa qua khiến hơn 2.000ha vườn cây ăn quả trên địa bàn Tiên Phước bị hư hại, hàng loạt cây bị trốc gốc, gãy đổ.
Khu vườn hơn 1ha của ông Đặng Công Dung và ông Nguyễn Văn Truyền (thôn Thanh Tân, xã Tiên Châu) có hơn 100 cây sầu riêng, măng cụt gần 12 năm tuổi đang trong giai đoạn cho quả. Nhờ được đầu tư chăm sóc, khu vườn phát triển xanh tốt, cho thu nhập khá ổn định. Vụ mùa vừa qua, sầu riêng cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên bão số 9 càn quét khiến cả 60 cây sầu riêng bị trốc gốc, ngã đổ. Ông Dung nói: “Vườn sầu riêng đang trong độ sung sức cho ra quả sai nhất. Trung bình mỗi cây sầu riêng hái được khoảng 100kg, nhưng bão số 9 đi qua khiến toàn bộ bị ngã đổ hư hỏng”.
Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Ngọc Lương ở thôn Mỹ Thượng Tây (xã Tiên Mỹ) là chủ nhân khu vườn rộng 5.000m2 , trồng 45 cây măng cụt, 20 cây sầu riêng, 100 cây lòn bon và nhiều loại cây ăn quả khác… Thu nhập bình quân mỗi năm từ khu vườn khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, cơn bão số 9 gần như phá hết công sức của vợ chồng ông gầy dựng trong nhiều năm qua.
Nhìn vườn cây ăn quả xơ xác, ông Lương đau xót nói: “Khu vườn này tôi phải mất trên dưới 10 năm chăm bón, gầy dựng. Năm nay vợ chồng tôi mừng thầm khi thấy cây măng cụt, sầu riêng, lòn bon đều trĩu quả, tưởng được mùa để tết bán, vậy mà giờ nhiều cây trốc gốc, gãy đổ”.
Tiên Mỹ có tổng diện tích vườn trồng cây ăn quả gần 600ha, người dân tập trung đầu tư trồng măng cụt, tiêu, sầu riêng, lòn bon với quy mô lớn. Bão số 9 vừa qua gây thiệt hại hơn 70% diện tích vườn, trong đó nhiều khu vườn mẫu, khu vườn được huyện hỗ trợ theo Đề án 03 đang giai đoạn cho hiệu quả kinh tế bị hư hại hoàn toàn. Bão số 9 không chỉ làm thất thu từ nguồn kinh tế vườn của nông dân mà còn ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới của xã.
Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ nói: “Địa phương là một trong 5 xã của huyện đang chạy nước rút về đích nông thôn mới cuối năm 2020. Ngoài 600ha vườn bị thiệt hại gây ảnh hưởng đến thu nhập của bà con, các tiêu chí cứng như hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, trường học, nhà văn hóa thôn... cũng bị bão tàn phá, mất rất nhiều thời gian, nguồn lực để khôi phục”.
Toàn huyện Tiên Phước có gần 5.600ha vườn cây ăn quả. Trong đó, có gần 300 mô hình kinh tế vườn quy mô lớn và hàng trăm mô hình vườn - nhà đạt tiêu chí xanh sạch đẹp, hiệu quả. Doanh thu mỗi năm của người dân hàng trăm tỷ đồng từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Bão số 9 đã khiến hơn 2.000ha vườn cây ăn quả bị hư hại. Ngay sau khi bão số 9 đi qua, lãnh đạo huyện Tiên Phước đã đi kiểm tra các khu vườn cây ăn quả bị thiệt hại nặng và động viên, chia sẻ khó khăn với nhân dân, đồng thời chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, khôi phục.
Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Trước mắt, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn đến từng khu dân cư kiểm tra tình hình thực tế, cùng với người dân khắc phục thiệt hại kinh tế vườn, kinh tế trang trại, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Huyện tiếp tục tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sớm khôi phục các vườn cây ăn quả”.