Đời sống

Thách thức việc nâng chất lượng dân số: Vẫn gập ghềnh vùng cao

THIỆN TÙNG 07/07/2024 08:27

Tảo hôn, sinh đông con, tự sinh tại nhà… là thực trạng đáng báo động ở miền núi. Nhận thức của đồng bào chưa đầy đủ, lại thêm những bất cập về chính sách, khiến những rủi ro từ hủ tục cứ như vòng xoáy đeo bám phụ nữ ở vùng cao.

118850928c942eca7785.jpg
Phụ nữ vùng cao gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận y tế. Ảnh: THIỆN TÙNG

“Cô đỡ 6 tháng”

Chạng vạng tối, tôi nhấc máy gọi hỏi thăm thông tin từ chị Hồ Thị Hiếu – Trưởng trạm y tế xã Trà Cang (Nam Trà My). Đầu dây bên kia, chị kể những câu chuyện khó tin nhưng lại xảy ra “như cơm bữa” của đồng bào Xê Đăng.

Mọi việc diễn ra cầm chừng năm này qua năm khác, và không ổn, theo lời chị Hiếu. “Bà con giờ tự sinh ở nhà nhiều lắm, mấy ca sinh thường, mẹ tự cắt dây rốn cho con”.

“Chớ y tế thôn bản không nắm à chị?”.

“Có, có vận động ra trạm, nhưng họ không ra”. “Không, đỡ đẻ ấy”, tiếng đôi đũa buông xuống mâm đầu dây bên kia, nghe cái cạch, xen tiếng thở dài: “Đâu biết đỡ đâu”.

Chuyện này nghe lạ đời, xưa nay ai nấy cũng biết tới khái niệm “cô đỡ thôn bản”, rồi sau này có cái tên sang hơn: “y tế thôn bản”. Cũng đâu phải đôi ba người, mà cả một đội ngũ, chứ không ít.

“Xã chị 5 thôn, mỗi thôn hai người, một đỡ đẻ, một cộng tác viên dân số”. “Vậy là có đỡ đẻ đó chứ!”. “Họ không có chuyên môn, đưa đi học 6 tháng, nhưng chỉ xử lý ban đầu thôi. Như tụi chị đây, học trường lớp mất hai năm rưỡi mới ra nghề, rứa mà còn chưa sành đỡ, họ đi học có chừng ấy thời gian, sao đỡ được”.

Y tế thôn bản, theo lời chị Hiếu, hỗ trợ vận động, tuyên truyền, thu thập số liệu cho cán bộ của trạm y tế. “Phụ cấp 800 nghìn đồng một tháng, khó để họ tâm huyết lắm, họ cũng đi làm nương, làm rẫy kiếm sống nữa” - chị Hồ Thị Hiếu nói.

Đến đây tôi lại nhớ, có lần vào thôn 2 xã Trà Tập (Nam Trà My), hỏi thăm quanh quẩn có biết ai làm y tế thôn bản không, dân làng chỉ ngay ông trưởng thôn: “Ổng đó”. Đang xởi lởi nói chuyện, tôi bỗng cứng họng, giờ hỏi ông ấy chuyện sinh nở thì kỳ quá, mà vừa đề cập chuyện phụ cấp, ông cũng nói như chị Hiếu: “Tám trăm nghìn, thấp quá…”.

Thay đổi thói quen

Nói vậy chứ đa số người trẻ giờ họ ý thức hết rồi, mấy trường hợp chị kể, đa số là phụ nữ trung niên trở lên, nhưng vỡ kế hoạch, mà tập quán sinh đẻ của họ không đổi được”.

Lại thêm câu chuyện vỡ kế hoạch…

“Họ không dùng biện pháp à chị?”. “Có, nhưng xui rủi, như có chị ở thôn 1 quyết tâm chỉ nuôi hai đứa, dùng thuốc hằng ngày, mà lỡ uống sai giờ, giờ bầu đứa thứ ba đó” - giọng chị bắt đầu chùng xuống.

danso.jpg
Thay đổi nhận thức là cách làm để nâng cao chất lượng dân số ở vùng cao. Ảnh: THIỆN TÙNG

“Xưa tiêm thuốc tránh thai miễn phí, họ còn mặn mà, giờ không miễn phí nữa, mỗi mũi trăm ngàn, họ nói không có tiền” - chị Hồ Thị Hiếu phân bua.

Số liệu báo cáo thực hiện công tác dân số 6 tháng đầu năm 2024 của Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, phần lớn phụ nữ Nam Trà My tránh thai bằng viên uống. Số người tiêm mới chỉ đạt 50% kế hoạch. Trong khi đó hồi cùng kỳ năm 2023, số người tiêm vượt kế hoạch đến 18%. Việc dùng thuốc, thì như chị Hiếu nói, người dùng phương pháp này cũng nhiều, nhưng họ hay quên, nên vỡ kế hoạch.

“Bây giờ lo ngại nhất là chị em ít chịu khó ra sinh ở trạm. Có người sáng lên rẫy, trưa đẻ luôn trên rẫy” - chị Hiếu chia sẻ thêm. Họ cũng không khám trong thai kỳ.

Hiện tại có trường hợp mẹ con còn nằm ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, khi có thai sinh đôi nhưng không biết, do không đi khám thai. Đẻ non, một đứa mất, giờ hai mẹ con nằm điều trị tại Tam Kỳ.

Năm 2023, Tổ chức Nơ xanh - tổ chức phi lợi nhuận về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tử cung phụ nữ tại Việt Nam thực hiện khám sức khỏe miễn phí cho phụ nữ Trà Cang. Khi ấy, đông đảo chị em phụ nữ Trà Cang, già trẻ, lớn bé đều tham gia.

Chị Chung Thúy Linh - sáng lập Tổ chức Nơ xanh, chia sẻ: “Mình thấy đời sống sức khỏe của chị em ở đây vẫn còn thiếu thốn về tiếp cận y tế. Họ vẫn chưa thực sự quan tâm khi mình đặt những câu hỏi liên quan về vấn đề phụ khoa, nhiều chị em vẫn có những bỡ ngỡ, vẫn chưa thực sự có những khái niệm và quan điểm rõ ràng…”.

Dự kiến tháng 10 này, họ sẽ trở lại Nam Trà My, trao tủ thuốc điều trị phụ khoa cho phụ nữ vùng cao. Những hoạt động đầy tâm huyết với câu chuyện ấy, cho tôi niềm tin đối với một cộng đồng đang trách nhiệm. Và cũng mong, không chỉ phụ nữ vùng cao mới cần phải thay đổi thói quen…

THIỆN TÙNG