Y tế

Thách thức việc nâng chất lượng dân số: Thay đổi cách tiếp cận

TRINH-MINH-LỆ 07/07/2024 08:23

Nâng cao chất lượng dân số nhằm đóng góp cho sự phát triển xã hội, cần tăng cường các chính sách và kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhiệm vụ này không còn của riêng ngành y tế.

bqn.1cdn.vn-2024-07-02-_btm3.jpg
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Trà My tuyên truyền trong hội viên về chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Ảnh: S.L

Vẳng lời ru buồn

Em Ng.T.T.N. (sinh năm 2006, thôn 4, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) làm mẹ khi đang là học sinh lớp 10 Trường PTDTNT Nước Oa. Đang đi học thì Nhược có thai phải bỏ học giữa chừng về quê lấy chồng và bắt đầu hành trình làm mẹ khi mới 16 tuổi.

“Nếu bây giờ con chưa lấy chồng thì con được đi học, được vui chơi với bạn bè, được tìm hiểu nhiều thứ và khi đi học thì sẽ có một công việc mới. Bây giờ có gia đình thì ở nhà chăm con sẽ không biết những thứ bên ngoài, sẽ không biết gì cả. Lúc đi học lớp 10 con cũng như các bạn có rất nhiều ước mơ, nhưng giờ thì không còn mơ nữa” - N. nói.

Cũng tại xã Trà Bui, một hoàn cảnh tảo hôn khác là em Đ.T.P.U. (dân tộc Mơ Nông). Đang là học sinh lớp 8 thì U. có thai dẫn đến bỏ học giữa chừng. Đứa con của U. đành giao ông bà ngoại cưu mang, còn em phải xuống phố đi làm kiếm tiền gửi về nuôi con.

Nói về con gái mình, bà H.T.T (mẹ của U.) than thở: “Nó sinh con nó chưa biết chăm, chưa biết chi hết luôn. Thằng cu ngủ nửa đêm thức giấc khóc mà nó không dỗ dành được, từ khi sinh thằng cu ni vào năm 2020 thì nó khổ lắm. Chừ nó đi làm, hồi nhớ thằng cu thì nó chạy về thăm, rồi cũng tôi nuôi thôi chứ biết sao chừ”.

Hiện nay Bắc Trà My không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn. Đây cũng là rào cản cho sự phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Bà Đinh Thị Hồng Thủy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Trà My cho biết: “Hội LHPN huyện đã triển khai thực hiện dự án 8, thực hiện bình đẳng giới, tham gia giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, đối với các em nhỏ trong độ tuổi 14 - 16 tuổi cần được giáo dục giới tính để nâng cao hiểu biết, nhận thức”.

Cùng với tập tục, các huyện miền núi còn đối diện với khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Ông Trần Tấn Tài - Trưởng phòng Dân số - Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Nam Giang chia sẻ: “Mặc dù đã tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ tuổi sinh đẻ về vấn đề tầm soát trước sinh, sơ sinh nhưng người dân ở đây chủ yếu là dân tộc thiểu số, dân trí thấp nên chưa nhận thức được.

Phụ nữ không xem trọng việc khám thai định kỳ và thực hiện tầm soát trước sinh. Cũng có nhiều người chọn sinh tại trạm y tế thì lại không thực hiện tầm soát được do quá trình bảo quản mẫu, gửi mẫu không đảm bảo”.

Đẩy mạnh truyền thông

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đóng vai trò quan trọng. Các chuyên gia nhận định, đẩy mạnh truyền thông về dân số và phát triển thông qua các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Youtube cũng như thay đổi cách tiếp cận cần được đặt ra.

Phổ biến các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cũng như cung cấp các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với các nhóm đối tượng: vị thành niên, thanh niên, người lao động, phụ nữ và nam giới độ tuổi sinh sản hay mãn kinh...

Kiến thức về tình dục và sức khỏe sinh sản phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù (vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất…) cần phải cung cấp, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số. Đây cũng là các hoạt động được Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thực hiện trong nhiều năm nay.

Trong năm 2023, Chi cục phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức 16 lớp tuyên truyền về sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên tại các trường THPT. Tuyên truyền trang bị kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực về giáo dục sức khỏe thai sản, sức khỏe trẻ em... cho hội viên hội phụ nữ với hơn 170 người tham dự.

Tư vấn về kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho hơn 800 em nữ độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi; tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn khám sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên với 364 điểm có 9.223 người tham gia…

Bên cạnh đó, chênh lệch chất lượng dân số vùng miền sẽ giảm khi chất lượng chăm sóc y tế được nâng cao. Yêu cầu tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cho các dịch vụ sức khỏe sinh sản ở các lĩnh vực siêu âm, xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ cũng như sơ sinh là vấn đề cấp thiết.

Ngành y tế có nhiệm vụ thực hiện tốt Quyết định 1807/QĐ-BYT ngày 21/4/2020 về “Hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh”.

Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng đến chính sách hỗ trợ các cô đỡ thôn bản để họ yên tâm ở lại vùng sâu vùng xa giúp đỡ những người phụ nữ sinh con cũng là vấn đề có ý nghĩa thiết thực nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, tỷ lệ tử vong mẹ và nâng cao chất lượng dân số.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thách thức việc nâng chất lượng dân số: Thay đổi cách tiếp cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO