Dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác dân số và phát triển, nhưng Quảng Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về tầm soát trước sinh, sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân...
Chưa coi trọng sức khỏe sinh sản
Năm nay, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kỷ niệm tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (Hội nghị Cairo 1994). Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, trên toàn cầu còn nhiều vấn đề chưa được đáp ứng.
Mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ liên quan thai sản bị tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được. Tính ra có hơn 290 nghìn phụ nữ tử vong mỗi năm. Bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đến gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới.
Hiện mới chỉ khoảng 55% phụ nữ có khả năng tự đưa ra quyết định về sức khỏe sinh sản và tình dục của mình. Như vậy, chăm sóc sức khỏe sinh sản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số của mỗi quốc gia.
Năm 2023, Việt Nam có mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế. Các hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn. Mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu gia tăng.
Chỉ tiêu chuyên môn “Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn” không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân không đạt là do vị thành niên và thanh niên còn nhiều hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính.
Thậm chí, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản. Gia đình vị thành niên, thanh niên còn chưa chú trọng việc giáo dục sức khỏe sinh sản để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho các em.
Chỉ tiêu “tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát trước sinh chủ yếu bằng kỹ thuật siêu âm (tương ứng 69,63%) số phụ nữ mang thai và chỉ có 11,65% phụ nữ mang thai được sàng lọc bằng kỹ thuật xét nghiệm.
Trong đó, các xét nghiệm Doubles test nhằm phát hiện các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể hay nguy cơ tiền sản giật, các xét nghiệm máu liên quan phát hiện bệnh thalassemia đóng vai trò rất lớn trong câu chuyện chất lượng dân số.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mang gen tan máu bẩm sinh (Thalassemia) rất cao, chiếm đến gần 12% dân số. Số người phải điều trị cả đời và số trẻ tử vong ngay sau khi chào đời là rất lớn.
Ngoài xét nghiệm HIV, xét nghiệm các vấn đề sinh sản, thì xét nghiệm tan máu bẩm sinh - thalassemia cũng là một xét nghiệm rất quan trọng trong việc lập kế hoạch xây dựng một gia đình và thế hệ khỏe mạnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm có khoảng 1.800 trẻ bị down chào đời, 250 trẻ bị hội chứng edwards và nhiều dị tật bẩm sinh khác. down, edwards và patau là ba hội chứng do bất thường số lượng nhiễm sắc thể phổ biến nhất và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ khiến trẻ cần được chăm sóc và can thiệp y tế suốt đời.
Chỉ tiêu “Tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn” chỉ có 14/ 40 tỉnh thành báo cáo đạt chỉ tiêu 8% so với năm 2022.
Xem nhẹ sức khỏe tiền hôn nhân
Chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh)” tính đến 21/12/2023, qua báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố, số trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm mẫu máu gót chân (ít nhất 2 bệnh) là 557.806/931.805 (tương ứng 59,91%) số trẻ em mới sinh 2023.
Các chương trình tầm soát khác như sàng lọc tim bẩm sinh, sàng lọc khiếm thính chưa được phổ biến rộng rãi tại các cơ sở y tế. Tại Quảng Nam, năm 2023, toàn tỉnh thực hiện tầm soát trước sinh được 12.798/17.721 bà mẹ, đạt tỷ lệ 72,2%; tầm soát sơ sinh thông qua lấy máu gót chân trẻ được 13.281/17.438 trẻ, đạt tỷ lệ 76,16%.
Cụ thể, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ em ra đời, trong đó có khoảng 40.000 trẻ mắc các bệnh di truyền, dị tật bẩm sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giống nòi và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nếu những trường hợp này được tầm soát trước sinh thì khả năng loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và sẽ có những đứa trẻ khỏe mạnh chào đời.
Nhiều năm nay, Quảng Nam đã và đang triển khai chương trình tầm soát trước sinh các hội chứng edward, hội chứng down, hội chứng pateau, thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) và nguy cơ tiền sản giật; tầm soát sơ sinh để sàng lọc thiếu men G6PD, bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, khiếm thính bẩm sinh và bệnh tim bẩm sinh.
Chất lượng dân số còn phụ thuộc việc khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân ngoài vai trò là nền tảng bảo vệ hạnh phúc gia đình, còn giúp phát hiện và điều trị sớm một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục, mang thai và sinh con sau này.
Tuy nhiên, thống kê từ Chi cục Dân số tỉnh, tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cả tỉnh mới đạt 40,18%, trong khi kế hoạch đến năm 2025 là 70%. Đặc biệt các xét nghiệm máu, sinh hóa... để phát hiện bệnh lý di truyền như tan máu bẩm sinh còn rất ít người tham gia.
Ông Phan Đình Nhân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh chia sẻ, nhiều thanh niên trong độ tuổi lập gia đình chưa quan tâm việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.
“Nguyên nhân là do thiếu kiến thức về vấn đề này, và sợ khi khám sẽ phát hiện bệnh làm ảnh hưởng đến tình cảm lứa đôi. Cũng có trường hợp cân nhắc về chi phí dịch vụ vì không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Vì vậy, có những cặp vợ chồng sinh con bị dị tật bẩm sinh hoặc mắc bệnh hiểm nghèo nên trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội” - ông Phan Đình Nhân nói.
Ở góc độ địa phương, Quảng Nam còn gặp khó ở việc tiếp cận các dịch vụ y tế tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Từ quản lý thai nghén còn khó khăn, vẫn còn phụ nữ sinh tại nhà và thiếu hỗ trợ của nhân viên y tế cho đến người dân chưa đủ điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội hóa như thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Đây chính là thách thức lớn cho công tác nâng cao chất lượng dân số và triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm chênh lệch giữa các vùng.