Vai trò, vị thế của phụ nữ, trẻ em gái được nâng lên mới góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực, xâm hại, bị phân biệt đối xử và thiếu cơ hội trong nhiều lĩnh vực của đời sống...
Bạo hành, xâm hại vẫn âm ỉ
Bnướch Thị P. (xã Jơ Ngây, Đông Giang) từng có ước mơ đổi đời từ con chữ, nhưng giấc mơ của em phải dừng lại ở tuổi 14 khi em lỡ mang thai. Mặc dù đã kết hôn, được sự cho phép của hai bên gia đình nhưng chồng của chị P. (23 tuổi) chịu mức phạt 12 năm tù với tội hiếp dâm trẻ dưới 16 tuổi. Làm mẹ đơn thân ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, P. gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm con.
Không chỉ miền núi, ở đồng bằng, câu chuyện về bạo hành, xâm hại vẫn xảy ra. Tại phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) địa chỉ tin cậy đặt tại nhà bà Vũ Thị Tố Uyên - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Thạnh là nơi nhiều chị em đến chia sẻ những vấn đề gặp phải.
“Nhà tôi là nơi nhiều chị em tìm đến nhờ tư vấn hoặc tạm lánh. Có những cặp vợ chồng làm ăn thua lỗ, thâm nợ, chồng bạo hành vợ; có trường hợp bạo lực tinh thần xảy ra thời gian dài trong những gia đình cán bộ công chức; những câu chuyện ngoại tình hay bất đồng trong nuôi dạy con cái… Rất nhiều câu chuyện, nhiều lý do, nhưng phần lớn các chị em đều chịu thiệt thòi, áp lực, cuộc sống gặp nhiều khó khăn” - bà Uyên cho biết.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động. Đây được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Đặc biệt, tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em gái ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội, nguy cơ phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội và đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.
Theo thống kê, năm 2023, Quảng Nam phát hiện 24 vụ/31 đối tượng, xâm hại 29 trẻ em (7 nam, 22 nữ), tập trung ở nhóm hành vi liên quan đến xâm hại tình dục (20 trẻ); liên quan đến bạo lực, bạo hành (8 trẻ); bắt giữ người trái pháp luật (1 trẻ).
Riêng trong 6 tháng của năm 2024, toàn tỉnh phát hiện 14 vụ/15 đối tượng, xâm hại 14 trẻ em nữ. Trong đó hiếp dâm 3 vụ/4 đối tượng, xâm hại 3 trẻ em nữ; giao cấu 7 vụ/7 đối tượng, xâm hại 7 trẻ em gái; dâm ô 4 vụ/4 đối tượng, xâm hại 4 trẻ em gái… Những con số rất đáng báo động về tình trạng phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại, bạo hành.
Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại!
Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh duy trì ở mức ổn định với 107 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó trên bình diện cả nước, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao với 112 bé trai/100 bé gái, không đạt so với mục tiêu 111,2 bé trai/100 bé gái..
Tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù đã quan tâm thực hiện mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị nhưng tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thấp so với kế hoạch đề ra.
Trong kinh tế, một số nơi chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn diễn ra. Cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới. Lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực…
Một số gia đình, dù phụ nữ tham gia đóng góp kinh tế như nam giới nhưng vẫn phải làm nhiều việc nhà hơn và nam giới vẫn thường là người đưa ra các quyết định quan trọng… Vì thế, bất bình đẳng giới vẫn diễn ra và phần thiệt thòi thường thuộc về phụ nữ.
Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động ra đời, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em được tổ chức thường xuyên, đa dạng hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc cho biết, ngành LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các địa phương củng cố, kiện toàn Ban Bảo vệ trẻ em, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp.
Đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Xây dựng, duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình bảo vệ trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức Oxfam - một liên minh quốc tế gồm 21 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới đã công bố báo cáo “Ngừng thờ ơ - Công việc chăm sóc không lương hoặc lương thấp và cuộc khủng hoảng bất bình đẳng trên toàn cầu”.
Theo đó, trên toàn thế giới, 42% phụ nữ trong độ tuổi lao động không nằm trong lực lượng lao động được trả lương. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nam giới là 6%. Nguyên do là phụ nữ phải gánh trách nhiệm chăm sóc không được trả lương, nói cách khác là ở nhà làm nội trợ.
Theo Oxfam, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt những người nghèo hoặc thuộc các nhóm dân số dễ bị tổn thương và bị phân biệt đối xử, bình quân mất 12,5 giờ mỗi ngày để làm các công việc chăm sóc không được trả lương.
L.Q