(QNO) - Trong bài viết này, chúng ta cùng xem xét một số phương pháp để ngăn ngừa sỏi thận, tỷ lệ mắc bệnh và khi nào cần điều trị.
Sỏi thận là một khối rắn, cứng hình thành do khoáng chất hoặc muối axit kết tinh trong nước tiểu. Các kết tinh này có thể trở nên rắn và phát triển lớn hơn về kích thước theo thời gian, khiến việc đi tiểu vô cùng đau đớn.
Thông thường, chất lỏng trong nước tiểu ngăn cản các chất thải tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, sỏi thận có thể bắt đầu hình thành khi không có đủ chất lỏng hoặc quá nhiều chất thải rắn trong nước tiểu.
Mặc dù đa phần sỏi thận phát triển trong thận, nhưng chúng cũng có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu.
Phòng ngừa
Mất nước là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây sỏi thận. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm và thói quen sống khác nhau cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này.
Những người nghi ngờ mình bị sỏi thận hoặc có nguy cơ sỏi thận cao nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết mình mắc loại sỏi thận nào và xác định những loại thực phẩm hoặc hoạt động cụ thể cần tránh.
Có nhiều cách để giảm nguy cơ bị sỏi thận đơn giản và dễ dàng, bạn hoàn toàn có thể thực hiện ngay từ hôm nay.
1. Uống đủ nước
Khi nước tiểu chứa nhiều chất lỏng hơn, các khoáng chất và muối sẽ ít có khả năng kết tụ với nhau và hình thành sỏi. Nước tiểu sẫm màu hơn là dấu hiệu của tình trạng mất nước. Tốt nhất, nước tiểu nên có màu vàng nhạt.
Theo khuyến nghị của bác sĩ, một người nên uống từ sáu đến tám cốc nước mỗi ngày.
2. Giảm lượng muối ăn vào
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị một người trưởng thành không nên ăn quá 2.300 mg muối ăn vào một ngày. Lượng muối này tương đương với khoảng một thìa cà phê muối ăn.
Ngoài ra, có một số thực phẩm chứa nhiều muối bạn nên hạn chế ăn để giảm nguy cơ sỏi thận:
- Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp
- Thịt nguội hoặc hun khói
- Khoai tây chiên
- Các món súp đóng hộp
- Các món mì hoặc món ăn kèm làm sẵn
- Thực phẩm có chứa các loại natri khác, bao gồm natri bicacbonat, dinatri photphat, bột ngọt, bột nở, nitrit và natri nitrat.
3. Duy trì cân nặng cơ thể khỏe mạnh
Thừa cân hoặc béo phì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thận. Tuy nhiên, khi giảm cân cũng cần chú ý giảm cân từ từ, khoa học và an toàn. Ăn kiêng quá đà và ăn kiêng nhiều đạm động vật cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
4. Hạn chế thực phẩm có canxi oxalat
Sỏi thận được hình thành từ nhiều chất khác nhau, trong đó bao gồm axit uric, struvite và cysteine. Loại sỏi thận phổ biến nhất thường liên quan đến canxi oxalat.
Một nghiên cứu khoa học năm 2014 đã kiểm tra gần 44.000 viên sỏi thận và phát hiện ra rằng 67% được cấu tạo chủ yếu từ canxi oxalat.
Các bác sĩ thường chỉ khuyến cáo hạn chế ăn oxalat đối với những người có nguy cơ cao bị sỏi thận hoặc những người có nồng độ oxalat cao.
Tiêu thụ canxi cùng với thực phẩm giàu oxalat có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận. Cụ thể, hai chất này khi kết hợp với nhau sẽ tạo nên phản ứng tích cực, không gây sỏi trước khi đi đến thận.
Thực phẩm có chứa nhiều oxalat bao gồm:
- Nước ép bưởi và nam việt quất
- Khoai tây
- Đậu nành
- Rau chân vịt
- Trà
- Một số loại hạt, bao gồm hạt điều và đậu phộng
- Sô cô la
- Cây đại hoàng (rhubarb)
- Củ cải
- Măng tây
- Hầu hết các loại quả mọng
- Cần tây và mùi tây
- Các loại ngũ cốc
5. Tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine
Caffeine làm tăng tốc độ trao đổi chất và có thể gây mất nước cho cơ thể. Người lớn được khuyến nghị không nạp vào cơ thể quá 400 mg caffeine hàng ngày, tương đương với khoảng bốn tách cà phê.
Cần chú ý, một số loại nước ngọt, sô cô la, trà và nước tăng lực cũng có thể chứa caffeine.
6. Tránh đồ uống có đường
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa đồ uống có đường với sự phát triển của sỏi thận. Đặc biệt là những đồ uống chứa sirô ngô có hàm lượng đường cao.
Ít nhất một nửa lượng chất lỏng trong cơ thể người phải là nước tinh khiết. Theo một số nghiên cứu, tương tự như đồ uống có chứa caffeine, những đồ uống có đường và nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
7. Bổ sung đủ canxi trong chế độ ăn uống
Mặc dù canxi oxalat là hợp chất phổ biến nhất trong sỏi thận, nhưng tiêu thụ một lượng canxi vừa đủ trong chế độ ăn uống sẽ giúp giảm nguy cơ mắc sỏi.
Hầu hết các sản phẩm từ sữa đều là nguồn cung cấp canxi dồi dào. Bên cạnh đó, có nhiều loại thực phẩm giàu canxi khác mà bạn có thể thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày để bổ sung canxi:
- Nước cam
- Cá đóng hộp có xương, chẳng hạn như cá mòi
- Đậu hũ
- Một số loại ngũ cốc
8. Tăng lượng axit citric
Khoảng 60% những bệnh nhân mắc sỏi thận cũng có nồng độ axit citric thấp. Vì vậy, bổ sung axit citric là một giải pháp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc sỏi thận hiệu quả.
Một số loại đồ uống cung cấp nhiều axit citric bạn nên có trong thực đơn hàng ngày như:
- Một ly nước chanh không đường
- Một ly nước cam
- Một ly nước ép dưa hoặc xoài
9. Giám sát việc tiêu thụ thực phẩm có tính axit cao
Nước tiểu có tính axit cao có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận do axit uric. Đồng thời khiến việc đi tiểu trở nên đau đớn hơn.
Lượng axit cao trong nước tiểu cũng khuyến khích thận tái hấp thu citrate thay vì bài tiết ra ngoài. Citrate là một hợp chất có thể giúp loại bỏ sỏi canxi, cũng như làm giảm sự phát triển của chúng.
Thực phẩm có tính axit cao bao gồm:
- Thịt đỏ và thịt lợn
- Gia cầm
- Trứng
- Hầu hết các loại cá
- Hầu hết các loại pho mát
Mọi người không cần phải loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm có tính axit cao trong chế độ dinh dưỡng, vì đây có thể là một nguồn cung protein tốt. Tuy nhiên, bạn nên theo dõi và hạn chế ăn những thực phẩm này nếu thường xuyên gặp vấn đề sức khỏe đường tiết niệu, hay thuộc nhóm nguy cơ cao mắc sỏi thận.
10. Uống thuốc bổ và vitamin
Một loạt các chất bổ sung tự nhiên và vitamin có sẵn có thể giúp giảm nguy cơ sỏi thận ở người là:
- Kali citrate
- Vitamin B6, có trong thực phẩm như chuối, xoài, đậu nành, bơ và cá bơn
- Các vitamin B khác, bao gồm riboflavin, thiamin và B-12
- Vitamin D
- Canxi
- Dầu cá
Tuy nhiên, để chắc chắn, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng thuốc bổ và các loại vitamin kể trên. Bởi một số loại thuốc bổ có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận đối với một số cá nhân.
Sỏi thận phổ biến như thế nào?
Theo Tổ chức Thận Quốc Gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), gần 1/10 dân số Mỹ phát triển sỏi thận trong suốt cuộc đời của họ. Nguy cơ mắc sỏi thận là khoảng 19% đối với nam giới và 9% đối với phụ nữ. Đa phần nam giới bị sỏi thận lần đầu tiên sau 30 tuổi.
Triệu chứng
Sỏi thận nhỏ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và đôi khi chúng tự biến mất mà không gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, sỏi thận có kích thước từ trung bình đến lớn có thể gây ra những cơn đau dữ dội.
Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi sỏi bắt đầu di chuyển qua hệ thống tiết niệu. Sỏi bị mắc kẹt có thể gây ra tình trạng ứ nước tiểu, thậm chí gây nhiễm trùng cực kỳ phiền phức.
Các triệu chứng phổ biến của sỏi thận bao gồm:
- Đau liên tục, dữ dội ở lưng dưới
- Nước tiểu có máu
- Nôn hoặc buồn nôn
- Sốt và ớn lạnh
- Nước tiểu có mùi rất khó chịu hoặc có mùi lạ
- Nước tiểu đục
- Đau bụng dai dẳng kèm đầy hơi
Điều trị và thời điểm cần đến gặp bác sĩ
Nếu nghi ngờ mình bị sỏi thận, cảm thấy đau hoặc khó chịu thì cần phải đi khám bác sĩ.
Mặc dù đa phần người bệnh không gặp phải di chứng lâu dài do sỏi thận, nhưng bệnh có thể gây cảm giác cực kỳ đau đớn và cần được theo dõi y tế.
Trong hầu hết các trường hợp, điều trị sỏi thận bao gồm bổ sung nước, uống thuốc giảm đau và sử dụng các loại thuốc làm giảm tính axit trong nước tiểu.
Những người có viên sỏi nhỏ có thể về nhà và đợi sỏi tự tan. Những người có sỏi lớn hơn hoặc nghiêm trọng hơn có thể phải nhập viện để điều trị.
Những viên sỏi thận có kích thước quá lớn không thể đi qua hoặc bị mắc kẹt trong đường tiết niệu sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ. Phẫu thuật để loại bỏ sỏi là cần thiết nếu xuất hiện tình trạng nhiễm trùng ở bệnh nhân.