Viện Bảo tồn di tích, UBND tỉnh và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tổng kết “Dự án Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn sau 10 năm triển khai” (2003 - 2013), tại Khu di sản thế giới Mỹ Sơn (Duy Xuyên).
|
Khách tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNGTHẢO |
Qua 10 năm thực hiện, dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam - Ý - UNESCO đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là thành quả trong việc trùng tu các tháp thuộc nhóm G, khai quật và xử lý hiện vật khảo cổ, tổ chức trưng bày hiện vật và nâng cấp hệ thống trưng bày chuyên đề tại bảo tàng tại chỗ, nâng cấp cảnh quan nhóm tháp G, xây dựng hệ thống biển thông tin và các ấn phẩm sáng tạo quảng bá di sản. Đặc biệt, dự án đã tạo dựng được đội ngũ cán bộ chuyên môn và trùng tu chuyên nghiệp cho các hoạt động trùng tu di tích Chăm trong tương lai của Quảng Nam. Tại cuộc họp, các bên tham gia đã điểm lại 10 kết quả và thành tựu chính của dự án trong suốt 10 năm thực hiện, đồng thời tiến hành bàn giao kho hiện vật bao gồm hơn 1.500 hiện vật khảo cổ được phát hiện trong quá trình khảo cổ trùng tu tại khu di sản. Bên cạnh đó, một hệ thống dữ liệu tiên tiến được sử dụng để phân loại lập danh mục hiện vật cũng đã được phía chuyên gia bàn giao lại cho Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn.
Dự án “Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn” do UNESCO điều phối thực hiện với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ý thông qua Quỹ Tín thác Ý, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn I (2003 - 2005) có tổng số vốn tài trợ 812.470USD, giai đoạn II (2008 - 2010) có vốn tài trợ 538.788USD và giai đoạn III có tổng số vốn tài trợ 282.735USD. |
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, dự án là minh chứng của quan hệ đối tác giữa Chính phủ Ý và Việt Nam thông qua sự điều phối của UNESCO. Nhờ đó du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về một di sản văn hóa của nhân loại. Đại diện của UNESCO và các chuyên gia cũng nêu những khuyến nghị cụ thể đối với tỉnh Quảng Nam và các cơ quan quản lý di sản tại địa phương về những hành động cần thiết, tập trung vào 3 lĩnh vực: quản lý khu di sản; công tác trùng tu và bảo dưỡng di tích; quản lý vận hành bảo tàng. Trong đó, việc cần thiết phải cải thiện quản lý về mặt thể chế, trao quyền, nâng tầm Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn lên tương đương cơ quan cấp tỉnh.
Ông Mauro Cucarzi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Lerici Foundation (trường Đại học Milan - Ý) trao đổi về tình trạng rêu mốc tại tháp G Mỹ Sơn. Ảnh: KH.LINH |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, mô hình hợp tác ba bên giữa Chính phủ Ý, UNESCO và Việt Nam trong việc bảo tồn di sản văn hóa đã thực sự có hiệu quả. Điều đó được chứng minh cụ thể qua những kết quả đã đạt được của dự án này. “Tôi hy vọng rằng đây sẽ là một hình mẫu cho các dự án tu bổ di tích Chăm trong cả nước và nếu có thể, sẽ là hình mẫu cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể tiêu biểu trong cả nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói.
Tạo nguồn nhân lực Nhân kết thúc dự án bảo tồn nhóm tháp G - Mỹ Sơn, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi ngắn với ông Mauro Cucarzi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Lerici Foundation (trường Đại học Milan - Ý) một số vấn đề xoay quanh dự án đã triển khai. - Thưa ông Mauro Cucarzi, qua 10 năm gắn bó với dự án trùng tu tôn tạo nhóm tháp G - Mỹ Sơn, ngoài trùng tu thành công, cái đạt được lớn nhất là gì? Ông Mauro Cucarzi: Thực ra không phải đến năm 2003 dự án mới triển khai mà từ năm 1997 chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu nhóm tháp G. Khi tôi đến đây, cái nhìn thấy là sự đổ nát. Điều cảm nhận đầu tiên là người dân xung quanh Mỹ Sơn rất nhiệt tình. Tôi muốn nói là sự đoàn kết giữa tôi và người dân nơi đây. Khi bắt đầu thực hiện dự án, công nhân trùng tu chỉ là những người nông dân bình thường. Và điều lớn nhất tôi đạt được là biến những nông dân đơn thuần đó trở thành những người thợ chuyên nghiệp trong trùng tu di sản văn hóa. Tôi nghĩ đây là thành tựu và kinh nghiệm quý giá nhất khi hiện nay có hơn 50 công nhân đã được đào tạo thành công để trùng tu những kiến trúc Chăm trong tương lai. Các cán bộ kỹ thuật, kiến trúc sư, cán bộ làm công tác giám sát… sau khi tham gia dự án, năng lực cũng nâng lên rất nhiều. - Gạch mới sử dụng cho trùng tu đã có dấu hiệu đổi màu, ý kiến ông thế nào? Ông Mauro Cucarzi: Trước khi sản xuất gạch chúng tôi đã có nhiều năm nghiên cứu và được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu để đạt được kết quả cao nhất. Tôi nghĩ chất lượng gạch không phải là điều quan tâm, vì mới chỉ biểu hiện ở việc lên rêu vào mùa mưa và sẽ khô đi vào mùa nắng, chúng ta chỉ cần vệ sinh lau chùi thường xuyên thì sẽ bình thường. Tôi nghĩ như vậy là ổn, không còn vướng mắc gì. - Dự án đã kết thúc, bước tiếp theo sẽ là gì? Ông Mauro Cucarzi: Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với UBND tỉnh Quảng Nam để mở một trường đào tạo tại TP.Tam Kỳ về trùng tu các tháp Chăm. Nếu không có gì thay đổi, trường sẽ khai trương vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10.2014. Mỗi khóa học kéo dài 2 năm, trong đó sẽ có 2 tháng thực hành tại Mỹ Sơn, học viên là những kiến trúc sư, người làm công tác bảo tồn, khảo cổ trẻ tuổi của miền Trung. Tôi tin rằng, vấn đề con người mới quan trọng. Nhà trường sẽ cung cấp cho các địa phương một nguồn lực đáp ứng yêu cầu của người làm chuyên môn, hạn chế phải thuê các chuyên gia từ Hà Nội vào hoặc nước ngoài đến. - Cám ơn ông về cuộc trao đổi! KHÁNH LINH (thực hiện) |
VĨNH LỘC