Mục tiêu làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc trong chiến lược biển của Quảng Nam đã đạt được kết quả quan trọng khi những đội tàu công suất lớn ngày đêm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Đội tàu công suất lớn hùng hậu của ngư dân Quảng Nam vươn khơi sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: QUANG VIỆT |
1. Câu mực khơi là nghề khai thác hải sản chủ lực ở Quảng Nam. Mặc dù mỗi chuyến biển kéo dài hàng tháng trời trong điều kiện sản xuất từ đêm đến sáng với thời tiết thất thường, ngư dân vẫn kiên tâm bám biển.
Khi tàu vừa cập bờ, anh Nguyễn Văn Bé (thôn Đông Bình, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90839 có công suất 830CV quày quả bước lên bờ gọi tư thương đến cân mực rồi dặn dò 50 bạn biển về nhà nghỉ ngơi sau chuyến biển dài. “Đặc thù mỗi chuyến biển của nghề này kéo dài hơn 2 tháng nên mỗi năm chúng tôi chỉ khai thác mực xà được 4 chuyến. Bám biển quanh năm để có nguồn thu, đồng thời giữ biển Trường Sa” - anh Bé nói. Cần cù bám biển, chắt chiu từng đồng vốn, từ chỗ làm bạn biển, anh Bé đã đóng được tàu công suất lớn có giá trị gần 9 tỷ đồng, tập hợp nhiều thanh niên cùng quê, ra Trường Sa đánh bắt mực xà. Anh Bé nói: “Mấy năm nay, mực xà có giá đến hơn 200 nghìn đồng/kg, có chuyến tôi thu được hàng tỷ đồng nên tích cóp nguồn vốn khá. Tôi dự tính sẽ đóng tàu vỏ thép có công suất 1.000CV để chuyển sang nghề chụp mực cũng đánh bắt mực xà nhưng không phải phơi khô và chuyến biển cũng chỉ kéo dài chừng 20 ngày cho tiện lợi hơn”.
Ngoài Tam Giang, nghề câu mực khơi ở Quảng Nam còn phát triển mạnh ở Bình Minh (Thăng Bình). Ngư dân Lê Đức Rý (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) năm nay hơn 60 tuổi, có thâm niên 40 năm câu mực, đã trải qua thăng trầm vẫn một lòng gắn bó với nghiệp biển ở Trường Sa. Ông Rý đã 2 lần bỏ chuyến biển, điều tàu đến cứu ngư dân bị nạn trên biển. Thiệt hại hàng trăm triệu đồng nhưng ông Rý không nề hà. Ông nói: “Câu mực khơi nguy hiểm nhất trong các nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Tàu bạn không may gặp nạn, mình thấy mà không cứu thì làm sao còn có thể tiếp tục bám biển”. Hiện tại, ông Rý bám biển trên con tàu vỏ gỗ với 35 bạn biển, thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Gần 730 tỷ đồng cho vay đóng tàu công suất lớn Triển khai Nghị định 67, nay là Nghị định 17 của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 17 chủ tàu nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đóng mới tàu cá (83 tàu khai thác hải sản và 9 tàu dịch vụ hậu cần; 60 tàu vỏ thép, 2 tàu composite và 30 tàu vỏ gỗ). Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới 63 tàu cá (24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 37 tàu vỏ thép) và nâng cấp máy chính 2 tàu cá với tổng giá trị gần 730 tỷ đồng. Tính đến nay, đã giải ngân được hơn 719,4 tỷ đồng/65 tàu cá. Tất cả tàu đã hoàn thành thi công, được cấp đăng ký và cấp phép, đi vào sản xuất trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam hiện có hơn 600 tàu cá bám biển Hoàng Sa, Trường Sa với hàng nghìn lao động. |
2. Lưới vây cũng là nghề chủ lực khai thác hải sản xa bờ của Quảng Nam trong 10 năm qua. Nghề này phát triển mạnh nhất ở xã Tam Quang (Núi Thành). Ở xã biển này, có nhiều gia đình sở hữu cả đội tàu, ngày đêm sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa. Tuổi tác đã cao, không thể tự lái tàu đi biển, ngư dân Huỳnh Minh Cảnh ở thôn Sâm Linh Đông vẫn phối hợp với các ngư dân cùng thôn, góp vốn đóng mới 7 chiếc tàu, lập đội tàu hành nghề lưới vây ánh sáng lớn nhất tỉnh. Ông Cảnh cho biết, ở vụ cá chính vừa qua, sản lượng cá nục, cá ngừ thu được rất lớn nên nguồn thu cao hơn mọi năm. “Tôi có nhà máy cung cấp nước đá, có tàu vỏ thép cung cấp dầu cho ngư dân lại buôn bán ngư lưới cụ thì tại sao lại không thành lập đội tàu lớn bám biển Hoàng Sa? Mọi chuyện rất thuận lợi, con tôi cũng như mấy cháu gần nhà đều rất gắn bó với biển khơi, sản xuất rất đạt” - ông Cảnh nói. Truyền cảm hứng bám biển cho thanh niên, làm giàu từ biển, tham gia giữ biển, ông Cảnh vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Nhiều lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước về gặp gỡ ngư dân Quảng Nam, ông Cảnh đều được mời đến tâm tình. Theo ông Cảnh, tàu Trung Quốc càng manh động gây hấn thì tàu cá của ngư dân Quảng Nam càng phải đồng tâm hiệp lực, đoàn kết ứng phó. Bao nhiêu máu xương của những người con giữ biển đã đổ xuống thì càng phải quyết tâm giữ vững ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi lần ra khơi, 7 con tàu của ông Cảnh đồng loạt xuất bến, nương tựa vào nhau, vượt qua bão gió trên biển cũng như uy hiếp, xua đuổi, tấn công của tàu nước ngoài.
Ở làng biển Sâm Linh Đông, có 3 anh em ruột đều là ngư dân, gồm Nguyễn Thanh Tiến, Nguyễn Thanh Vương, Nguyễn Thanh Thành. Người nhỏ nhất mới chỉ hơn 30 tuổi, người lớn nhất chưa đến 40 tuổi, đã tự tích cóp vốn, tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn vay của Nhà nước đóng được 3 con tàu công suất lớn, phối hợp cùng sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa bằng nghề lưới vây ánh sáng. Anh Tiến - chủ tàu vỏ thép QNa-91327 có công suất 822CV cho rằng, tàu Trung Quốc lâu nay vẫn thế, dùng đủ chiêu trò để làm khó ngư dân ta. Từ việc đơn phương cấm biển một cách vô căn cứ, phi pháp đến dùng tàu lớn xua đuổi, gây hấn. Nếu ngư dân lo sợ, không dám vươn khơi xa thì làm gì có những “cột mốc” chủ quyền trên biển. “Chúng tôi khi nào cũng xác định ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là của cha ông để lại, không ai được phép ngăn cấm chúng tôi giữ biển, làm giàu từ biển. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước ta lúc nào cũng đồng hành, bảo vệ, giúp đỡ nên chúng tôi yên tâm đánh bắt hải sản” - anh Tiến nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT