Cách đây tròn 100 năm, tức vào năm 1913, với thi phẩm Gitanjali (theo tiếng Bengal là Lời dâng) mang những vần thơ tuyệt diệu, là chiếc cầu nối văn hóa Đông-Tây, đại thi hào người Ấn Độ Rabindranath Tagore được trao giải Nobel Văn học danh giá và cũng là người châu Á đầu tiên được trao giải thưởng này.
Ngày nay, Tagore (1861-1941) vẫn là niềm đam mê của những người yêu chuộng văn thơ trên khắp hành tinh. Các nhà phê bình văn học nhận xét, thơ của Tagore giàu tinh thần nhân ái, yêu cuộc sống, thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình và chống chiến tranh. Không những thế, Tagore còn được biết đến là nhà tư tưởng, nhà triết học, họa sĩ, nhạc sĩ... xuất sắc. Ông để lại cho hậu thế một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị về nhiều mặt. Bao gồm: 52 tập thơ với khoảng một nghìn bài thơ, 42 vở kịch, 14 tiểu thuyết loại truyện dài, 12 tác phẩm văn xuôi, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá, là kho tàng văn hóa Bengal ở cả hai khu vực bờ Tây là Ấn Độ và Đông là Bangladesh. Trong đó, ca khúc “Chúa là linh hồn tất cả chúng sinh” ông sáng tác năm 1911 đã trở thành Quốc ca Ấn Độ từ năm 1950.
Đại thi hào Rabindranath Tagore. |
Trong các nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học, Rabindranath Tagore là một trong những tác giả có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất và sớm nhất. Năm 1910, Tagore cho xuất bản bằng tiếng Bengali tập “Lời dâng”, rồi đích thân dịch tập thơ sang tiếng Anh và cho xuất bản ở London năm 1912. Tập thơ nhanh chóng gây tiếng vang lớn ở châu Âu, để rồi một năm sau đó, tác giả của nó được trao giải Nobel. Tập thơ này gồm 103 bài thơ nhỏ không đề. Ví dụ, một bài thơ trong tập thơ đoạt giải qua bản dịch Đỗ Khánh Hoan: “Bạn đọc, bạn là ai, người trăm năm về sau, đang đọc thơ tôi ?/ Tôi chẳng thể gửi đến bạn bông hoa duy nhất trong sắc Xuân đầy/ ánh vàng độc nhất từ lớp mây đàng kia/ Xin mở toang cửa, nhìn bốn phương trời/ Và thu nhặt ngay trong vườn nhà mình hoa nở rộ/ những kỷ niệm ngát hương của bông hoa trăm năm về trước đã tàn phai/ Tim dạt dào nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan/ niềm hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa Xuân/ gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời...”. Tagore đã dành toàn bộ số tiền thưởng giải Nobel của mình để xây trường học tại quê hương - miền Tây Bengal (Ấn Độ).
Được xem là thần đồng thơ ca, lúc 13 tuổi, Tagore cho thấy sự thông minh và tài năng khi có thể sáng tác thơ, nhạc, họa, đọc sách cổ bằng tiếng Phạn (Pahli) và dịch kịch bản của đại thi hào người Anh William Shakespeare (1564-1616). Năm 17 tuổi, Tagore du học bên Anh rồi trở về Ấn Độ vào năm 1880 và bắt đầu sáng tác nhiều tập thơ, truyện ngắn, kịch bản. Khi nói về cuộc đời của Tagore, ông Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam (người vừa kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua) nói rằng: “Tagore là một công dân toàn cầu. Ông không tin vào chủ nghĩa quốc gia hạn hẹp… Ông không muốn thế giới này bị chia rẽ thành những mảnh ghép vụn vặt bởi bức tường nội địa. Người ta nhớ đến Tagore không chỉ bởi những bài ca dâng hiến hay vì những di sản vĩ đại trong nghệ thuật, âm nhạc, kịch, hội họa. Trên hết ông được nhớ tới bởi những tư tưởng và sáng kiến mà ngày nay vẫn tiếp tục có ảnh hưởng vĩnh cửu trong thế giới”.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)