Người chọn nghề hay nghề chọn người? Một câu hỏi mãi chưa có lời đáp, bởi tùy trong từng trường hợp “người chọn nghề” hay “nghề chọn người” đều đúng.
Phóng viên - một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự không một chút giản đơn, bởi nếu không tận tâm, không đam mê, không nhạy bén và không yêu nghề, chắc chắn sẽ bỏ cuộc. Bản thân đã gắn bó với công việc này hơn 15 năm - chừng ấy thời gian đủ để khẳng định, với tôi “người chọn nghề hay nghề chọn người” đều đúng. Cái duyên này đã cho tôi được trải nghiệm và được thể hiện hết sở thích và khả năng của mình.
1. Năm 1999, tôi bước chân vào cổng Trường Cao đẳng Phát thanh - truyền hình II TP.Hồ Chí Minh. Đây là ngôi trường trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, tôi về công tác tại huyện miền núi Tiên Phước. Hơn 3 năm công tác tại Đài Truyền thanh - phát lại truyền hình Tiên Phước (nay là Trung tâm VH-TT & truyền thanh - truyền hình Tiên Phước) đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm. Một cô gái nhỏ thó vác chiếc camera nặng hơn 4kg (loại máy sử dụng băng từ VHS lúc bấy giờ) cùng với bộ sạc hơn 1kg (là bình ắc quy để phát điện) len lỏi qua các ngõ ngách, những ngọn đồi, những con suối của huyện.
Còn nhớ đợt mưa lớn năm 2004, thôn 1 Tiên Lập (còn gọi là Suối Dưa) bị cô lập, con đường duy nhất đến thôn bị ngập chìm trong nước, thế nhưng tôi và anh bạn đồng nghiệp đã bất chấp hiểm nguy cùng với đoàn cứu trợ lội bộ hơn một buổi để vượt qua đoạn đường 5km đèo dốc để vào thôn. Mực nước có lúc ngang tới ngực, chảy xiết bởi nước từ trên khe núi tuôn xuống mang theo cả cây khô, sỏi đá. Những anh đi trước men theo vách đá để khỏi ngã và chỉ có thể giơ cao chiếc camera, đồ cứu trợ cho khỏi ướt. Tôi bám theo sau mà nước mắt lưng tròng, bởi lần đầu tiên trong đời tôi lội nước, mà bản thân vốn dĩ sợ nước và chưa một lần leo núi trong thời tiết như thế này.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi trong niềm vui mừng khôn xiết của người dân. Mệt mỏi, sợ hãi lúc đó tan biến theo tiếng cười của lũ trẻ nhỏ khi được chia những gói mì tôm, hộp bánh, cây kẹo. Lời cô tổ trưởng tổ nội dung nói với tôi trước lúc nhận nhiệm vụ cứ văng vẳng bên tai: “Con có thể không đi bởi rất nguy hiểm, nhưng đây là trải nghiệm rất giá trị nên hãy suy nghĩ thật thấu đáo. Làm phóng viên, nếu sợ hiểm nguy, sợ vất vả thì chưa thực sự là phóng viên”. Đúng vậy, đó là chuyến đi nhớ đời trong sự nghiệp làm phóng viên của tôi. Và cũng từ chuyến đi ấy, tôi hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, thấu hiểu hơn về những khó khăn, thiếu thốn của người dân nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc. Hơn ai hết, họ cần lắm sự sẻ chia, vòng tay yêu thương của cộng đồng và thương lắm bọn trẻ con, chúng thiếu thốn, thiệt thòi mọi thứ.
2. Sau chuyến đi ấy, tôi có dịp được trải nghiệm những vất vả khác của nghề phóng viên. Việc ngã xe khi gặp đường trơn trợt, bị rách quần áo khi leo núi, rách toạt cả chân vì đá cắt khi tác nghiệp, nhịn đói cả buổi trưa bởi chưa kịp xuống núi hay mò mẫm trong đêm vắng để tìm lối ra khi lạc đường là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thậm chí cả chuyện bị rạch yên xe máy trong một lần đi quay cưỡng chế giải phóng mặt bằng xây dựng chợ Tiên Kỳ. Hay vụ voi rừng tấn công nhà dân ở xã Tiên Ngọc được tôi và đồng nghiệp ghi lại. Điều đáng nói, hễ khi đưa máy quay lên thì mọi mệt nhọc, sợ sệt trong tôi đều tan biến. Lúc ấy trong đầu chỉ có một ý nghĩ làm thế nào để quay được những thước phim có giá trị nhất, chân thực nhất. Để rồi sau đó, khi về cơ quan xử lý lại, có lúc tôi giật mình sợ hãi bởi những hình ảnh đó.
Tác nghiệp là thế nhưng đến công đoạn dựng phim không hề đơn giản. Bởi lúc đó còn sử dụng băng từ VHS nên dựng phim phải cùng một lúc sử dụng hai đầu video. Cứ đầu trên bấm chạy thì đầu dưới bấm ghi, cứ sau một xuất hình lại bấm tạm dừng và quay lại bấm play (chạy). Lặp đi lặp lại quy trình đó cho đến khi có một thành phẩm như mong muốn không chỉ đòi hỏi về thời gian mà rất cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng bởi chỉ một sai sót nhỏ thì băng sẽ rối, phải tua lại từ đầu…
Hơn 3 năm công tác tại Tiên Phước, khi huyện Phú Ninh được thành lập, tôi về công tác tại huyện cho đến bây giờ. Nghề theo tôi suốt từ khi ra trường cho đến nay đã hơn 15 năm, vui có, buồn có, vất vả có và nhiều kỷ niệm. Sáng sáng, mỗi khi bật chiếc radio gối đầu giường lên, tôi vẫn nghe giọng của mình “Đây là Đài truyền thanh - truyền hình Phú Ninh”. Từ khi còn mang trên mình chiếc máy cơ đến bây giờ sử dụng công nghệ số đã cho phóng viên như tôi những bài học quý giá. Và 6 năm làm công tác quản lý, tôi lại càng thấu hiểu và càng thêm yêu công việc, tận tâm với nghề bởi những khó khăn của đài huyện.