(QNO) - Sáng qua 9.11, mực nước ở các sông đã xuống xấp xỉ báo động 1. Thủy điện được lệnh điều tiết xả lũ, vận hành hạ mực nước xuống mực nước cao nhất trước lũ để sẵn sàng cho đợt lũ mới có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới.
Phun thuốc khử trùng sau lũ Ngay sau khi lũ rút, với sự hỗ trợ của Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành phun thuốc khử trùng, phòng tránh dịch bệnh sau lũ. Tại Hội An, đêm 8.11 Trung tâm Y tế TP.Hội An đã tiến hành phun thuốc khử trùng ở khu phố cổ, các điểm, tuyến đường phục vụ APEC. Ngày 9.11, việc phun thuốc được tiến hành ở các huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn. Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bên cạnh phun thuốc khử trùng Cloramin B 0,5%, còn kết hợp thu gom rác, các dụng cụ chứa nước để tránh sản sinh bọ gậy, phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết bùng phát sau lũ. “Trước mắt sẽ phun ở những vùng ứ nước, vùng ngập nước lâu ngày, các nơi công cộng như bến xe, bãi rác, chợ, trường học… để khử tiêu mầm bệnh” - ông Quang nói. (XUÂN KHÁNH) |
Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 15 người chết trong đợt mưa lũ vừa qua. Trong đó huyện Bắc Trà My có 9 người, Quế Sơn 2 người, các huyện thị Điện Bàn, Đại Lộc, Nam Trà My và Thăng Bình đều có 1 người chết do lũ. Ngoài ra, còn có 7 người mất tích. Mưa lũ làm 15 người bị thương được đưa đi điều trị ở các cơ sở y tế. Đáng chú ý, tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng ở miền núi làm 10 người chết và 5 người mất tích. Gần 300 nhà dân bị sập hoặc hư hại nặng, gần 800ha lúa đang chín và 1.500ha hoa màu bị hư hại, gần 1.000 con gia súc chết, hàng nghìn gia cầm bị nước cuốn trôi.
Mưa lũ làm sạt lở 33.000m kênh mương, 1.100m bờ biển Cửa Đại và sạt lở tràn xả lũ hồ chứa Nước Rôn (huyện Bắc Trà My). Hàng chục điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ với tổng khối lượng xấp xỉ 357.000m3 đất đá. Nhiều cầu, cống, tuyến tỉnh lộ bị sạt lở và hư hỏng. Lưới điện tại nhiều vị trí cùng 700 trạm BTS ngừng hoạt động do mất điện, đến nay còn 150 trạm BTS bị cô lập chưa thể tiếp cận để xử lý. Thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 800 tỷ đồng.
Hiện UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban ngành tập trung dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ. (THÀNH CÔNG)
* Tìm được thi thể người tử vong trên sông Quảng Huế tại Đà Nẵng
Ông Phan Công Tiện - Trưởng Công an xã Đại Cường, Đại Lộc cho hay, đến sáng 10.11, chính quyền xã và người thân đã nhận dạng nạn nhân còn lại trong vụ chìm ghe trên sông Quảng Huế từ lực lượng chức năng ở Đà Nẵng.
Theo ông Tiện, mấy ngày qua, việc tìm kiếm tung tích nạn nhân xấu số là bà Mai Thị Kê (SN 1965, trú thôn Thanh Vân, Đại Cường) gặp khó khăn vì nước sông vẫn dao động ở mức cao. Trong khi các bên gần như vô phương tìm kiếm thì đêm 9.11, người dân tại khu vực cầu Thuận Phước, TP.Đà Nẵng phát hiện một thi thể nổi lên tại gần khu vực chân cầu. Sau đó báo lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng tổ chức vớt, tạm giữ, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Nhận được tin, gia đình có người bị nạn lập tức đến hiện trường nhận dạng. Phía lực lượng chức năng xã Đại Cường cũng đã hỗ trợ các thủ tục pháp lý giúp gia đình nhận thi thể bà Kê về an táng.
Như Báo Quảng Nam đã thông tin, ngay khi lũ vừa rút khỏi các khu dân cư, hai chị em bà Mai Thị Kê và ông Mai Xê (SN 1962, cùng trú thôn Thanh Vân, xã Đại Cường) đi đánh cá bằng ghe thuyền trên sông Quảng Huế, chẳng may tử nạn. (TRIÊU NHAN)
Lữ đoàn Tăng thiết giáp 574 giúp nông dân Quế Sơn thu dọn bèo rác Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online lúc 15 giờ 30 phút chiều nay 10.11, ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn cho biết, trong đợt lũ lớn vừa qua tại 3 xã gồm Quế Xuân 1, Quế Phú, Quế Xuân 2 có ít nhất 200 sào đất canh tác lúa bị bèo và rác rưởi phủ kín trên mặt ruộng.
Theo ông Sửu, ngoài việc tích cực hỗ trợ các trường học ở 3 địa phương trên quét dọn bùn non và vệ sinh môi trường ngay sau khi nước lũ rút, 3 ngày nay hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 574 thuộc Quân khu 5 (đóng chân tại xã Quế Cường, Quế Sơn) cũng đã nỗ lực giúp nông dân thu dọn bèo rác để chuẩn bị cày dầm đất, triển khai gieo sạ vụ lúa đông xuân 2017-2018. (NGUYỄN SỰ) |
* Phước Sơn: Đã có 10 người chết và mất tích
Hôm qua 9.11, nguồn tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Phước Sơn cho biết, tính đến 9 giờ sáng cùng ngày, tại địa phương đã ghi nhận có 10 người chết, mất tích và 2 người bị thương trong các vụ sạt lở đất xảy ra do bão số 12.
Hiện trường vụ sạt lở đất khiến 4 người bị vùi lấp tại xã Phước Hòa (Phước Sơn), xảy ra vào trưa 5.11. Ảnh: Đ.N |
Theo đó, ngoài vụ sạt lở đất xảy ra vào trưa 5.11 khiến 4 người dân bị vùi lấp thuộc khu vực xã Phước Hòa (Báo Quảng Nam online đã có thông tin phản ánh), những ngày qua, tại huyện Phước Sơn liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở nặng, làm nhiều người chết và bị thương.
Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 5.11, tại khu vực khe Nước Đục, thuộc địa bàn thôn 8 (xã Phước Hiệp) đã xảy ra một vụ sạt lở đất làm chết 3 người và 1 người bị thương, trong đó có 2 nạn nhân là vợ chồng. Các nạn nhân gồm: Nguyễn Thanh Sơn, Lê Thị Thu và Hồ Văn Đức (cùng trú tại thôn 8, xã Phước Hiệp) - gặp nạn trong rừng khi đi thu hoạch rẫy. Ông Hồ Văn Chiến (cha của nạn nhân Hồ Văn Đức) may mắn được cứu thoát, bị thương, hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức.
Trước đó, tại km38, thuộc địa bàn xã Phước Xuân, một vụ sạt lở đất khác cũng đã xảy ra khiến 3 người bị vùi lấp. Lực lượng chức năng địa phương xác định, nhóm người này đi rừng trong thời điểm mưa lớn nên bị vùi lấp do sạt lở đất, đa số có quê ở tỉnh Nghệ An. Trong ngày 9.11, lực lượng cứu hộ đã trực tiếp đến hiện trường để tìm kiếm thi thể các nạn nhân. Hiện đã tìm thấy 2 thi thể và làm các thủ tục cho gia đình đưa về quê mai táng; đồng thời tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một thi thể còn lại.
Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến nhiều ngôi nhà, cùng các tuyến đường trên địa bàn huyện Phước Sơn bị hư hại, cô lập. Bên cạnh tiếp tục công tác phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, UBND huyện cũng đã có công văn chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương kiểm tra, báo cáo tình hình thiệt hại trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung chỉ đạo khắc phục giao thông trên các tuyến đi lên các xã vùng cao. Theo dự kiến, phải gần 10 ngày nữa, Phước Sơn mới có thể thông hết đến tuyến đường tại các xã do bị sạt lở nặng nề. (ALĂNG NGƯỚC)
* Bắc Trà My tiếp tục di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND huyện Bắc Trà My tiếp tục ra công văn về việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở. Theo đó, tại thị trấn Trà My, UBND huyện tổ chức di dời các hộ dân ở 2 bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, đoạn tiếp giáp với cơ quan thi hành án dân sự huyện đến trụ sở tổ dân phố Đàng Bộ; các hộ dân ở trên tuyến đường Hùng Vương, từ Trường THPT Bắc Trà My đến sân vận động huyện; một số hộ dân trên tuyến đường Chu Huy Mân. Ngoài ra di dời tại các khu vực khác có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Di dời đồ đạc của người dân Bắc Trà My ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: THÚY VÂN |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Trà My vẫn còn mưa. Địa phương đã sử dụng xe thông tin lưu động, thông báo trên Đài Truyền thanh - truyền hình huyện về tình hình thời tiết, các phương án di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, bão lũ... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân. (HỒ THỊ THÚY VÂN)
Hội An khen thưởng nóng cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 315 Cuối giờ chiều qua 9.11, lãnh đạo TP.Hội An gồm Bí thư Thành ủy Kiều Cư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Ánh, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng đã đến khối Đồng Hiệp (phường Minh An) - nơi cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 315 (Quân khu 5) đang trực tiếp khắc phục hậu quả mưa lũ để bày tỏ lòng biết ơn của cán bộ và nhân dân thành phố trước sự giúp đỡ của sư đoàn. Lãnh đạo thành phố đã tặng một phần quà cho toàn lực lượng và trao giấy khen, tiền thưởng cho 10 cá nhân cùng 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.
Đến cuối giờ chiều qua, tuyến đường Bạch Đằng trong khu phố cổ vẫn còn ngập nước nên lực lượng chức năng chưa thể triển khai việc thu dọn vệ sinh môi trường ở tuyến này. Riêng các tuyến đường trọng điểm phục vụ chương trình APEC và các sự kiện văn hóa liên quan như Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Cao Hồng Lãnh, Nguyễn Thị Minh Khai và các tuyến phố thuộc khu vực An Hội, nước đã rút hoàn toàn; các lực lượng đã nhanh chóng hoàn tất việc xử lý, khắc phục hậu quả. Theo ước tính ban đầu, trong hai ngày 8 và 9.11, các lực lượng đã thu gom, chuyên chở khoảng 800m3 bùn đất, rác thải ra khỏi các tuyến đường trên. Được biết, Sư đoàn 315 đã điều động hơn 700 cán bộ chiến sĩ đến Hội An dọn dẹp hậu quả mưa lụt. (LÊ HIỀN) |
* Nam Trà My cảnh báo người tham gia giao thông chú ý các tuyến sạt lở
Tuyến quốc lộ 40B qua địa bàn huyện Nam Trà My đã thông xe tạm thời vào hôm qua (9.11), nhưng hàng nghìn mét khối đất vẫn nằm chênh vênh trên triền núi, nhiều khả năng sẽ tiếp tục sạt lở nếu có mưa lớn.
Một điểm sạt lở rất nguy hiểm tại Nam Trà My. Ảnh: THANH THẮNG |
Dưới đây là những điểm sạt lở nghiêm trọng, cảnh báo người tham gia giao thông trên địa bàn Nam Trà My chú ý:
- Tuyến quốc lộ 40B qua Nam Trà My, đoạn từ nước cầu Nước Xa (thôn 3, xã Trà Mai) đến ngã ba đường đi Trà Nam - Trà Linh có trên 100 điểm sạt lở, dự kiến chiều 12.11 thông xe tạm thời. Đoạn từ thôn 5 (xã Trà Nam) đến cuối tuyến quốc lộ 40B (giáp ranh với tỉnh Kom Tum) có trên 30 điểm sạt lở, dự kiến 13.11 thông xe tạm thời.
- Tuyến đường ĐH1 đi UBND xã Trà Leng có 52 vị trí sạt lở, còn cô lập hoàn toàn, dự kiến trên 10 ngày mới thông tạm thời.
- Tuyến ĐH2 đi về UBND xã Trà Dơn - UBND Trà Leng có trên 22 vị trí sạt lở, đã thông xe tạm thời đến UBND xã Trà Dơn.
- Tuyến ĐH3 đi Trà Tập - Trà Cang - Trà Linh có trên 80 vị trí sạt lở. Dự kiến thông xe tạm thời đến các UBND xã vào chiều 10.11.
- Tuyến ĐH5 đi UBND xã Trà Vinh có trên 30 vị trí sạt lở, còn bị cô lập, dự kiến ngày 12.11 thông tạm thời.
- Tuyến ĐH6 đi về UBND xã Trà Don - quốc lộ 40B, có trên 19 điểm sạt lở, chiều 10.11 thông tạm thời (riêng đoạn từ UBND xã đến giáp quốc lộ 40 sẽ có kế hoạch thông tuyến sau).
- Tuyến ĐH7 đi về UBND xã Trà Nam - Trà Linh có trên 50 vị trí sạt lở, vẫn còn cô lập hoàn toàn chưa tiếp cận được do đoạn quốc lộ 40B chưa thông.
- Tuyến ĐH8 đi vào UBND xã Trà Vân - đường Đông Trường Sơn có trên 8 vị trí sạt lở, tạm thời xe máy mới đi tới UBND xã nhưng rất khó khăn. Đoạn từ UBND xã vào giáp với Đông Trường Sơn còn bị ách tắc. Dự kiến chiều 12.11 sẽ thông tạm thời.
- Tuyến ĐH9 đi vào thôn 3 Trà Mai - Đông Trường Sơn có trên 10 vị trí sạt lở lớn. Dự kiến ngày 12.11 thông xe tạm thời.
Ngoài sạt lở, các tuyến đường còn nhão nhoẹt bùn đất khiến việc lưu thông hết sức khó khăn. Ảnh: THANH THẮNG |
Theo ông Nguyễn Công Dũng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My, hiện nay nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện đang bị sạt lở nghiêm trọng. Người dân khi tham gia giao thông cần hết sức chú ý. Nếu gặp sự cố, liên hệ đến số điện thoại của thành viên tất cả các xã trong huyện. Hoặc liên hệ đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Trà My. Cụ thể: ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, kiêm Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện (số điện thoại: 0913484222); ông Nguyễn Đình Bình - Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Trà My (số điện thoại: 0917986983); ông Nguyễn Công Dũng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My (số điện thoại: 0979882303); hoặc có thể liên hệ đến tất cả số điện thoại thành viên của UBND huyện Nam Trà My. (THANH THẮNG)