Trong kho thư tịch ghi chép về cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha của nhân dân Quảng Nam, có một số văn bia chữ Hán niên đại khoảng 150 năm rất giá trị.
Chứng tích chiến tranh
Sau khi Hiệp ước Thiên Tân được ký kết giữa Trung Hoa và Pháp vào ngày 27.6.1858, chính phủ Pháp đã điều động Thiếu tướng Hải quân Rigault De Genouilly dẫn đoàn binh sang xâm lược Việt Nam, mở đầu bằng tiếng súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà ngày 1.9.1858. Quân và dân Quảng Nam dùng sọt tre, thùng gỗ chứa đất, đá lấp dòng sông Vĩnh Điện để ngăn chặn đường tiến của giặc Pháp.
Văn bia nghĩa trủng Phước Ninh ở đoạn mở đầu có câu rất sâu sắc triết lý: “Kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ đến lợi mà nhác làm việc thiện, hễ thấy gì có lợi cho mình thì dù lợi ấy nhỏ đến mức độ nào cũng đem lòng ham muốn và quyết tâm làm cho kỳ được” (NĐT dịch).
Hai tháng sau, chiến thuyền của Pháp tiến vào sông Hàn đã bị quân ta dưới sự chỉ huy của Đào Trí và Nguyễn Duy phục kích đánh tan. Ít ngày sau, giặc Pháp lại đem 8 chiến thuyền tiến vào lần nữa và cũng bị Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân dân đánh bại, buộc phải tháo chạy. Tháng 12.1858, quân dân ta đánh bại quân Pháp ở cửa biển Nam Thọ (Sơn Trà), tịch thu một chiến thuyền của giặc.
Bước đầu quân dân Quảng Nam buộc liên minh Pháp - Tây Ban Nha phải rút lui, nhưng hậu quả của cuộc chiến không hề nhỏ. Hàng nghìn hài cốt của các chiến sĩ trận vong được thu nhặt và quy tập ở nghĩa trủng Hòa Vang (1866) và nghĩa trủng Phước Ninh (1871).
Văn bia Tập thiện hội bi hiện còn trong đình Hải Châu (Đà Nẵng) được soạn dựng vào năm 1861 có ghi lại chứng tích: “Hải Châu chính xã ở Quảng Nam (…) trong năm Mậu Ngọ 1858 niên hiệu Tự Đức, quân Pháp tràn vào quấy nhiễu Đà Nẵng, khiến dân khiếp đảm chạy tán loạn. Nơi đây thành bãi chiến trường”.
Văn bia nghĩa trủng Phước Ninh ghi lại quá trình thu nhặt hơn 1.500 hài cốt chiến sĩ trận vong đưa về nghĩa trủng chôn cất. Và, trên mình của tấm bia nghĩa trủng Phước Ninh cũng còn hằn in dấu vết do hứng súng đạn chiến tranh sau này.
Văn bia nghĩa trủng Phước Ninh đặc tả sự thê lương, chết chóc của chiến tranh: “Nơi này trước đây là sa trường chiến địa, thành đổ quách xiêu. Ngày vắng quạnh hiu, gò hoang mả loạn; gió hú thê lương, đêm thâm não ruột; nào đâu hương thơm, ai người cúng giỗ. Hoặc giả không người thân thuộc, biết lấy ai vùi dập nắm xương tàn nơi chín suối, hoặc giả quê hương xa cách, biết lấy ai vẫy gọi hồn thiêng ngoài vạn dặm. Lúc đóm lân tinh, thâu đêm buồn khóc; hồn hoang phách lạc, gào thét năm canh. Thảm thiết dường nào! Đau thương biết mấy!” (cố Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Thảng (NĐT) dịch).
Điều “nghĩa và lợi” còn đây
Nghĩa trủng hay nghĩa trang đều có chữ “nghĩa”. Và, khi nói đến mệnh đề “nghĩa” thì phải nhắc tới mệnh đề “lợi”. Cặp phạm trù “nghĩa” và “lợi” là một trong những hạt nhân tư tưởng dân bản của Mạnh Tử. Do vậy, với thành phần xuất thân cửa Khổng sân Trình, tác giả văn bia nghĩa trủng Phước Ninh là Phan Tốn đã mở đầu cho bài văn bia này bằng cặp mệnh đề “nghĩa” và “lợi”. Theo tác giả văn bia, điều nghĩa ở đây chính là “các bậc thân hào, các nhà phú thương cùng nhau góp tiền của” vào việc thu thập hài cốt, xây dựng nghĩa trủng và lo việc tế tự hằng năm.
Điều nghĩa được miêu tả chi tiết trong văn bia nghĩa trủng Phước Ninh: “Trước đây do lòng tha thiết, thương tiếc sâu xa, nên các vị tiền nhiệm đã có ý thu nhặt hài cốt các nghĩa sĩ để tìm nơi chôn cất tử tế. Khi kế hoạch còn trong dự định thì các vị ấy đã được thăng chức và được điều động đi nơi khác.
Ông Hồng lô tự khanh, sung Chánh Thương biện hải phòng tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Đạo Trai trông thấy cảnh ấy mà lòng dạ bùi ngùi, bèn bàn với quan đồng sự là Phó Lãnh binh Trương Công Hậu cùng xuất tiền của, chọn địa điểm để đưa hài cốt các nghĩa sĩ về an táng một nơi. Các tướng sĩ dưới trướng đều vâng mệnh và hăng hái làm việc thiện để hưởng ứng tấm lòng nghĩa cử của ông Đạo Trai” (NĐT lược dịch).
Khi tất cả mọi người đều có lòng nhân nghĩa, ham muốn làm điều thiện thì mọi việc đều được triển khai và thành công. Theo đó, việc xây dựng nghĩa trủng Phước Ninh cũng chỉ mất một thời gian ngắn trong vòng 3 tháng để hoàn thành. Ông Đạo Trai còn tâu xin triều đình mua hai mẫu ruộng giao cho xã Phước Ninh canh tác để chi dùng vào việc tế tự hằng năm. Triều đình đã ban khen về việc nhân nghĩa này.
Quan điểm Nho giáo truyền thống phủ nhận “lợi” mà đề cao “nghĩa”, cho rằng thực thi nhân nghĩa thì tự nó sẽ mang lại lợi ích. Điều nghĩa ở việc xây dựng nghĩa trủng đem lại “lợi ích” an ủi hồn thiêng chiến sĩ và bài học giáo dục tinh thần nhân nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho hậu thế.
Bia đá chưa mòn
Nghĩa trủng Hòa Vang xây dựng năm 1866 ở làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và trải qua 2 lần di dời. Lần di dời đầu tiên vào khoảng thời gian 1925 – 1926 khi thực dân Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng, lần thứ hai vào năm 1962 khi tiếp tục mở rộng rộng sân bay Đà Nẵng. Nghĩa trủng Hòa Vang không có bia đá, chỉ trên bức bình phong và các trụ biểu có chữ Hán. Bia đá nghĩa trủng Hòa Vang (nếu có) liệu có bị mất trong những lần di dời ấy hay không?
Nghĩa trủng Phước Ninh theo mô tả trong văn bia là “chung quanh được xây thành đất bao bọc, trước sau mỗi chiều 18 trượng, bên trái bên phải mỗi chiều 22 trượng” (1 trượng = 0,47 mét). Năm 1950, thực dân Pháp san bằng tường đất. Sau đó nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương được xây dựng trên phần đất của nghĩa trủng Phước Ninh.
Đến năm 2008, để nối dài đường Nguyễn Văn Linh, nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương bị giải tỏa và phần đất nghĩa trủng càng bị thu hẹp. Việc bảo tồn, tôn tạo các nghĩa trủng, cũng như các văn bia, di chỉ liên quan sẽ giúp cho hậu thế có cảm quan sâu sắc hơn về lịch sử xứ Quảng và đất nước. Đừng để “bia đá cũng mòn”...!