20 năm cho một giấc mơ

NGUYỄN DƯƠNG 16/03/2017 08:55

Từ khoảng năm 1999 thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) đã được đưa vào diện quy hoạch phát triển thành một thị xã ở vùng miền núi phía tây của tỉnh. Nhưng từ đó đến nay, giấc mơ trở thành thị xã vẫn còn dang dở.

Thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) đang từng bước xây dựng để hướng đến trở thành thị xã. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) đang từng bước xây dựng để hướng đến trở thành thị xã. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Gần mà xa

Có những thời điểm Khâm Đức tiệm cận nhất với giấc mơ tiến lên thành  một thị xã, khi mà người người đổ về đây làm vàng. Chủ yếu là khai thác trái phép, nhưng nó cũng đủ để nơi đây trở thành một chốn phồn hoa ở vùng miền núi vốn hiu hắt. Bác xe ôm già có ngót hơn 20 năm hành nghề ở nơi này nhớ về lúc đó, như nhớ lại cái thời hoàng kim của chính mình. Ngay từ trước thời chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Phước Sơn đã nổi tiếng cả nước khi được xem là “thủ phủ vàng”. Câu “Đá Nghệ An - vàng Khâm Đức” được lưu truyền là vì thế. Hàng nghìn người đổ về, kéo theo các hàng quán ăn uống, vui chơi giải trí mọc lên như nấm. Ông Trần Văn Sáu (54 tuổi, trú tại thị trấn Khâm Đức) nói, nói về sự sầm uất, hồi đó Tam Kỳ có lẽ chưa là gì nếu so với Khâm Đức.

“Chính quyền địa phương trong những năm qua vẫn luôn lấy mục tiêu đó làm nhiệm vụ trọng tâm. Chẳng phải để khoa trương vì cái danh hão, mà bởi nếu đạt được thì chắc chắn đời sống của người dân sẽ thay đổi rõ rệt. Trong khi chờ phía tỉnh xét duyệt các đề án phát triển liên quan, chính quyền huyện đã từng bước khắc phục những khó khăn của mình, mà trước tiên là giảm nghèo, thoát nghèo”. (Ông Phạm Thế Quyền - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn)

Đến năm 1999, Công ty Vàng Besra chính thức được cấp phép khai thác ở Phước Đức, người dân lại thêm một lần hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Cũng bởi, lúc bấy giờ chưa địa phương miền núi nào có được cơ sở hạ tầng tốt, đầy đủ hơn Khâm Đức. Đó cũng là khi người ta nghĩ đến một thị xã ở miền tây Quảng Nam đang dần hình thành. Nhưng giấc mơ đó cứ kéo dài mãi cho đến tận bây giờ vẫn chưa thực hiện được. “Để đạt được các tiêu chí của một thị xã vẫn còn một quãng đường rất xa. Riêng chỉ tiêu về dân số đã khó có thể đạt được. Như hiện tại, đối với khu vực miền núi, để trở thành thị xã phải có được 25 nghìn dân, nhưng Khâm Đức chỉ mới đạt 6 nghìn; toàn huyện cũng chỉ xấp xỉ 27 nghìn dân. Cho nên Khâm Đức rất khó để đạt được con số này” - ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết.

Cũng đúng. Bởi ngay cả trong thời hoàng kim, hàng nghìn người nô nức đổ về làm vàng thì dân số toàn huyện cũng chưa thể đạt đến con số này chứ đừng nói gì đến Khâm Đức. Nhất là như hiện tại, lần lượt các công ty khai thác vàng đã dần bật bãi. “Khi có các công ty vàng hoạt động, địa phương phát triển khá hơn rất nhiều. Các dịch vụ phát triển, cơ sở hạ tầng cũng được doanh nghiệp chung tay hỗ trợ đầu tư xây dựng. Nhưng nay, phần thì các công ty nghỉ vì nợ thuế, phần thì nằm chờ cả 3 năm nay để được gia hạn cấp phép khai thác trở lại. Chỉ tính riêng khi Công ty Besra dừng hoạt động, hơn 400 lao động của địa phương bị mất việc, thu nhập không được ổn định như trước”- ông Hà nói.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Khâm Đức còn đến hơn 22%. Suy cho cùng, Khâm Đức vẫn chỉ là một thị trấn của huyện miền núi, trước nay đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào các hoạt động khai thác vàng, kể cả khai thác có phép và trái phép. Nay hoạt động khai thác vàng có phép thì chững lại, trái phép bị truy quét gắt gao, nên nguồn sống của người dân trở nên bấp bênh, trong khi đất đai xấu, hoa màu nay được mai mất. Nói thế để thấy được rằng, giấc mơ thành thị xã đối với Khâm Đức là thách thức quá to lớn.

Nối dài giấc mơ

Để xây dựng Khâm Đức trở thành thị xã trong tương lai, UBND tỉnh đã chủ trương thu hẹp mục tiêu. Nghĩa là không phải một bước biết Khâm Đức trở thành thị xã, mà làm từng bước một. Như hiện nay, tỉnh và huyện đang lập đề án phát triển Khâm Đức giai đoạn 2016-2020 trở thành đô thị loại 4, bước đệm gần nhất để tiến lên một thị xã của miền tây xứ Quảng. “Về cơ sở vật chất, hạ tầng, khả dĩ có thể thực hiện được, bởi Khâm Đức đã có nền tảng từ xưa để lại. Khó nhất vẫn là chuyện giảm nghèo và chống tái nghèo bền vững cho người dân” - ông Hồ Văn Điều, nguyên là Bí thư Huyện ủy Phước Sơn giai đoạn 1967-1989 cho biết. Là một trong những người gắn bó từ những buổi đầu sơ khai của huyện, ông Điều hiểu rõ địa phương cần phải làm gì để hoàn thành ước nguyện. Nhưng nói là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Tuy nhiên ông Điều vẫn khẳng định tin tưởng Khâm Đức sẽ trở mình được. “Chỉ cần có sự đồng hành của các cấp chính quyền cùng với người dân thì sẽ được. Giấc mơ đó vẫn là niềm khát khao cháy bỏng” - ông Điều nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, hiện nay huyện đã chỉ đạo quyết liệt trong việc hỗ trợ người dân thoát nghèo, để ít nhất tỷ lệ hộ nghèo ở Khâm Đức giảm xuống còn dưới 10%, đáp ứng tiêu chí hộ nghèo của một đô thị loại 4. “Như vậy từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm Khâm Đức phải giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo. Nhưng chúng tôi đặt chỉ tiêu quyết tâm đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của Khâm Đức chỉ còn hơn 1%. Có như vậy mới mong thực hiện được mục tiêu”- ông Hà cho hay. Cũng theo ông Hà, huyện khuyến khích những hộ chủ động đăng ký thoát nghèo sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng làm sinh kế. Nhưng cũng không phải cứ giao cho hộ nghèo chừng đó tiền rồi để họ tự bơi, mà địa phương sẽ luôn đồng hành, tư vấn hỗ trợ người nghèo sử dụng nguồn vốn đó sao cho phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Con đường đi lên thị xã Khâm Đức vẫn còn rất dài. Nhưng không phải là không làm được, như lời khẳng định của ông Hồ Văn Điều: “Sẽ được, nếu đồng lòng”.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
20 năm cho một giấc mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO