Trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, Quảng Nam đã ghi đậm dấu ấn của sự vươn lên vượt bậc không chỉ bằng những con số, mà còn có những công trình mang nhiều ý nghĩa trên các lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Báo Quảng Nam giới thiệu một số công trình tiêu biểu...
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh
Công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (lấy nguyên mẫu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ) được khởi công xây dựng vào ngày 27.7.2009, tọa lạc tại núi Cấm (thuộc xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) trên khuôn viên có tổng diện tích 15ha. Toàn bộ công trình nghệ thuật được xây dựng bằng đá sa thạch quy thành một chóp nón cao 18m, rộng 101m. Bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng với bia ghi tên hơn 50.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước.
Nằm ngay bên công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng là Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, khởi công ngày 27.7.2011 trên cơ sở nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ. Từ diện tích ban đầu 1,1ha, nghĩa trang được mở rộng quy mô lên 8ha với các hạng mục tường rào, cổng ngõ, đài tưởng niệm, nhà hành lễ…, được quy hoạch tổng thể theo mô hình nghĩa trang công viên, quy mô quy tập khoảng 500 mộ liệt sĩ.
Cả hai công trình đều khánh thành nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam (24.3.1975-24.3.2015), là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Trường Đại học Quảng Nam
Trường Đại học Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập tháng 6.2007 trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và trong khu vực. Hiện tại, trường đào tạo 13 ngành bậc đại học, 13 ngành bậc cao đẳng và 2 ngành bậc trung cấp, với tổng số 326 cán bộ, giảng viên (trong đó có 10 tiến sĩ, 188 thạc sĩ). Ngoài ra nhà trường còn hợp đồng với 12 giảng viên thỉnh giảng có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Năm học 2016-2017, trường có hơn 6.000 sinh viên hệ chính quy và hơn 2.000 sinh viên hệ vừa học vừa làm.
Quảng trường 24.3
Nằm giữa đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ, công trình Quảng trường 24.3 đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của nhân dân và phục vụ các sự kiện chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh. Công trình có diện tích 4,673ha, gồm các hạng mục chính: quảng trường chính, khu sân nền đường dạo nội bộ, khu tượng đài, khu nhà dịch vụ vệ sinh, khu sân vườn, cây xanh. Công trình được triển khai thực hiện trong 2 năm (2013-2014), hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2015.
Đường Hùng Vương
Hùng Vương là tuyến đường trung tâm của TP.Tam Kỳ, ngay từ đầu đã được đầu tư bài bản với dải phân cách rộng hơn cả lòng đường, rợp bóng cây xanh. Công trình được xây dựng trong giai đoạn 1997-2000, chiều dài hơn 5.200m, rộng 40m, có đầy đủ hệ thống thoát nước. Cùng với con đường Điện Biên Phủ liên kết 2 vùng đông - tây, đường Hùng Vương được xem là trục đô thị kiểu mẫu của thành phố, góp phần nâng cao chất lượng của đô thị loại 2.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập ngày 18.1.1997 với quy mô 500 giường bệnh. Từ năm 2009 đến nay bệnh viện tiếp tục phát triển với quy mô 650 giường bệnh, được đầu tư về cơ sở vật chất ngày càng hoàn chỉnh; trang bị nhiều thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị. Bệnh viện hiện có hơn 30 khoa phòng, với hơn 750 công chức, viên chức, trong đó có 142 bác sĩ.
Khu Kinh tế mở Chu Lai
Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai thành lập vào năm 2003, được Chính phủ cho phép thử nghiệm các thể chế, chính sách mới, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Đến nay, Khu KTM Chu Lai có tổng số dự án trên địa bàn lên con số 117 với tổng vốn đầu tư hơn 2,154 tỷ USD (33 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,014 tỷ USD). Đến nay đã có 74 dự án đi vào hoạt động với vốn thực hiện 922,897 triệu USD (trong đó 16 dự án FDI, vốn thực hiện hơn 61,856 triệu USD); giải quyết việc làm cho hơn 21.200 lao động, góp phần tạo sự ổn định về đời sống xã hội và sự chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của Khu KTM Chu Lai tăng đều qua các năm, đóng góp khoảng 70% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh.
Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc
Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) được Chính phủ phê duyệt vào năm 1999 với tổng diện tích quy hoạch ban đầu 418ha (năm 2015, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm còn 390ha). Khu công nghiệp cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 20km, cảng Tiên Sa 29km về phía bắc; cách sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, khu lọc hóa dầu Dung Quất 100km về phía nam. Khu công nghiệp này là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, khi hiện nay 390ha đất đã được lấp đầy 95% với 63 dự án đăng ký đầu tư (29 dự án FDI) với tổng vốn hơn 2.966 tỷ đồng và gần 487 triệu USD, thu hút hơn 25.000 lao động. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra từ các doanh nghiệp hoạt động tại đây hơn 11.246 tỷ đồng, đóng góp ngân sách hơn 207 tỷ đồng.
Cửa khẩu Nam Giang
Cửa khẩu chính Nam Giang (Quảng Nam) - Đắc Tà Oọc (Sê Kông, Lào) khai trương ngày 21.2.2006, tại xã La Dêê, huyện Nam Giang. Hơn 10 năm qua, cửa khẩu này đã góp phần đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa và trao đổi hàng hóa giữa tỉnh Quảng Nam - Sê Kông nói riêng; giữa Việt Nam với Lào và các nước trong khu vực nói chung. Đây là địa điểm nằm trên đường xuyên Á, tuyến hành lang Đông - Tây, nối tuyến đường bộ ngắn nhất từ khu vực Nam Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Nam Giang đến khu kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung (Việt Nam). Cửa khẩu Nam Giang là thành tố chính để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang. Năm 2016, đã có gần 30.000 lượt người qua lại và hơn 14.600 tấn hàng hóa, trang thiết bị được thông quan tại Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc.
Cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển
Cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển (129) là hai dự án thành phần của Dự án “Tổng thể sắp xếp dân cư phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển Quảng Nam”. Được khánh thành ngày 27.3.2016, hai dự án này là động lực liên kết, khai thác hiệu quả nhất vùng ven biển hơn 20.000ha ở khu vực Nam Hội An (thuộc vùng đông nam Quảng Nam), góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, cứu hộ cứu nạn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế Quảng Nam theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Hồ Việt An
Năm 2002, hồ chứa nước Việt An (thuộc địa phận huyện Hiệp Đức) được đưa vào sử dụng sau hơn 5 năm thi công. Công trình này có diện tích lưu vực 2.100ha thuộc địa bàn các xã Bình Lâm, Quế Thọ (Hiệp Đức), Bình Lãnh (Thăng Bình), Quế Châu, Quế Minh, Quế An, Quế Thuận (Quế Sơn). Dung tích chứa hữu ích của hồ Việt An là 23 triệu mét khối nước. Trong 15 năm qua, bình quân hằng năm hồ chứa này đảm bảo cung ứng nước tưới cho gần 2.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại những địa phương trên và một phần diện tích của các xã Tiên Hà (Tiên Phước), Bình Sơn (Hiệp Đức). Hồ Việt An lâu nay còn được biết đến là nơi có cảnh quan sinh thái đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dã ngoại...
Thực hiện: TRƯỜNG ĐỒNG
Ảnh: PHƯƠNG THẢO - ALĂNG NGƯỚC - VĂN SỰ