|
(QNO) - Sáng 2.10, TP.Hội An tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Đề án “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” (1998 - 2018). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đến dự.
Một hoạt cảnh tại lễ tổng kết. Ảnh: HẢI - LỘC |
Chính thức triển khai thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 8.9.1998, “Ngày phố cổ tại khu phố cổ Hội An” (sau này được gọi là “Đêm phố cổ Hội An”) đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Đến nay, sau 20 năm thực hiện, Đề án “Đêm phố cổ” đã được khẳng định là một sản phẩm du lịch văn hóa của Hội An, được cộng đồng nhân dân, du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Thống kê cho thấy, 20 năm qua, “Đêm phố cổ” đã tổ chức được 230 đêm định kỳ (trừ những đêm không tổ chức do thời tiết mưa lớn, bão lụt), thu hút hơn 1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia các hoạt động. Ngoài ra, đã tổ chức được 82 “Đêm phố cổ” (đột xuất) phục vụ các hội nghị, hội thảo, các đoàn khách đối ngoại của thành phố, của tỉnh. Đặc biệt, “Đêm phố cổ Hội An” cũng được chọn cử đi giới thiệu trong các sự kiện giao lưu văn hóa của Quảng Nam với các địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa...
Từ “Đêm phố cổ”, các loại nghệ thuật truyền thống như hát bội được phát triển mạnh để phục phụ du khách. Ảnh: HẢI - LỘC |
“Đêm phố cổ” đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam trao giải “THE GUIDE AWARDS” vào ngày 26.3.2004. Nhiều công ty du lịch lữ hành khắp nơi trên cả nước xây dựng chương trình tham quan “Đêm phố cổ” để giới thiệu cho du khách... Nhiều phóng viên báo chí truyền hình trong nước và quốc tế như NHK Nhật Bản, Đoàn truyền hình Hãng hàng không ASIANA AIRLINE (Hàn Quốc); VTV Đà Nẵng, VTV1, VTV4, DRT, QRT, HTV7, VTV6, Kênh truyền hình VH Việt VTC10, phóng viên kênh truyền hình Channel New Asia (Singapore), BBC (Hoa Kỳ)... thường xuyên chọn “Đêm phố cổ” để quay phim, chụp ảnh, làm nhiều bài phóng sự tài liệu và đưa tin.
Chính “Đêm phố cổ” đã khơi dậy sức sống của bài chòi - được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: HẢI LỘC |
“Đêm phố cổ” đã góp phần quan trọng cho Hội An được các tổ chức du lịch, các tạp chí, các tờ báo danh giá bình chọn các danh hiệu như: “Đêm phố cổ Hội An, một trong 25 trải nghiệm tuyệt vời nhất thế giới”, “Thành phố lễ hội”, “Top 10 thành phố được yêu thích nhất”, “Top 15 điểm đến hàng đầu thế giới”, “Top 12 thành phố châu Á nên đến ít nhất một lần trong đời”, “Top 15 thành phố được yêu thích nhất thế giới”, “Xếp thứ 8 trong top 15 thành phố hấp dẫn nhất thế giới 2018”...
Biểu diễn hát hò khoang đối đáp. Ảnh: HẢI - LỘC |
Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An, thời gian đầu đề án luôn gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhất là sự phản ứng của người dân trong khu phố cổ do chưa nhận thức hết được ý nghĩa và lợi ích của việc thực hiện đề án. Một số nội dung đã làm ảnh hưởng đến thói quen trong sinh hoạt của người dân như: phố chỉ dành cho người đi bộ, tắt toàn bộ đèn chiếu sáng hiện đại, đèn chiếu sáng công cộng; chỉ chiếu sáng bằng ánh sáng lồng đèn, đèn cổ hoặc đèn giả cổ; toàn bộ hàng hóa phải đưa vào trong ngạch cửa trước… Tuy nhiên, qua tuyên truyền vận động người dân 2 phường Minh An và Cẩm Phô đã dần dần hiểu và đồng tình thực hiện.
Ghi nhận những cống hiến cho “Đêm phố cổ” của nguyên lãnh đạo TP.Hội An. Ảnh: HẢI LỘC |
“Sau 20 năm, “Đêm phố cổ” đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật của thành phố, một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân Hội An cũng như du khách trong và ngoài nước. Chính “Đêm phố cổ” đã góp phần rất lớn để Hội An được mệnh danh là mảnh đất của lễ hội” - ông Phùng nói.
Cũng theo ông Võ Phùng, để “Đêm phố cổ” thực sự ấn tượng và có sự khác biệt, ngoài thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh quy chế kinh doanh buôn bán trong phố cổ, thành phố cũng giúp người dân nhận thấy được quyền lợi của mình đang được hưởng chính là sản phẩm “Đêm phố cổ”. Từ đó toàn tâm, toàn ý tham gia, góp phần mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội cho thành phố nói chung và mỗi người dân, hộ kinh doanh nói riêng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân trao biểu tượng ghi nhận “Đêm phố cổ” trong 20 năm qua. Ảnh: HẢI - LỘC |
Phát biểu tại lễ tổng kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đánh giá cao những kết quả và ý nghĩa của “Đêm phố cổ” mang lại. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền nhân dân, đó cũng chính là sự tôn trọng cộng đồng nhân dân cùng thực hiện những mục tiêu đề án đề ra. Thông qua “Đêm phố cổ” cũng giúp các nghệ nhân có cơ hội cùng chung tay, cống hiến vì di sản.
“Một mục đích lớn hơn của việc thực hiện thành công “Đêm phố cổ” chính là đã làm tăng thêm giá trị của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Trong đó, việc vinh danh bài chòi cũng có sự đóng góp rất lớn từ những “Đêm phố cổ”. Đây là những điều rất đáng chúc mừng, hoan nghênh và tự hào, tôi cho đó là kỳ tích với sự đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân, nghệ nhân TP.Hội An” - Phó Chủ tịch UBND Trần Văn Tân nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân trao bằng khen của UBND tỉnh cho ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An, người có công đóng góp và phát triển “Đêm phố cổ” suốt 20 năm qua. Ảnh: HẢI - LỘC |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định, để “Đêm phố cổ” có chất lượng hơn nữa, thành phố cần nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh, bố trí những hoạt động phù hợp và đặc sắc. Cần tăng cường công tác kiểm tra theo dõi để mọi cá nhân, tổ chức thực hiện tốt nội dung đề ra. Hội An cũng cần đề xuất quy chế quản lý, quy hoạch bảo tồn phát huy các giá trị di sản, làm căn cứ pháp lý xử lý các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa, nâng cao ý thức bảo vệ di sản, làm cho mọi tầng lớp nhân dân cùng nhau chăm sóc nâng niu giá trị di sản trong những năm tiếp theo. Chú trọng các đặc trưng kiến trúc, nghi lễ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nâng cao vai trò vị trí của các nghệ nhân - đây là những bảo tàng sống cần được gìn giữ phát huy.
Dịp này, TP.Hội An khen thưởng các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp cho sự thành công của “Đêm phố cổ”. Ảnh: HẢI LỘC |
Đặc biệt, cần ban hành chế độ ưu đãi với các nghệ nhân, kịp thời tôn vinh các nghệ nhân, đào tạo các thế hệ nghệ sĩ kế cận; tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, nhà quản lý nhằm xây dựng, lưu giữ các loại hình diễn xướng dân ca, văn hóa truyền thống; làm việc với các cơ quan trung ương thực hiện cơ chế chính sách đặc thù về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An, trong đó có “Đêm phố cổ”. Đây là chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
“Tôi tin tưởng rằng sản phầm “Đêm phố cổ” sẽ khẳng định được đẳng cấp, mãi mãi là một sản phẩm đặc trưng của Hội An. Vì vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền để du khách trong và ngoài nước hiểu được các giá trị văn hóa đặc trưng này” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chỉ đạo.
VĨNH LỘC - MINH HẢI